Kinh tế xã hội

Giá điện tiếp tục tăng, EVN vẫn độc quyền

14:39, 17/11/2013 (GMT+7)


Với mức giá bán lẻ tối đa 1.835 đồng/kWh, khung giá bán lẻ điện vừa được cho thấy xu hướng giá điện sẽ tiếp tục tăng. Trong khi đó, EVN vẫn độc quyền kinh doanh điện và việc lãi lỗ ra sao vẫn chưa được công khai.


9 lần tăng giá, một yêu cầu minh bạch

Nói về Quyết định 2165 của Thủ tướng ban hành về khung giá bán lẻ điện giai đoạn 2013-2015, ông Lê Đăng Doanh cho rằng, giá điện ở Việt Nam luôn là vấn đề nóng. Mỗi lần có thông tin biến động giá điện là mỗi lần lại dấy lên nhiều bức xúc trong xã hội.

Từ năm 2007 đến nay, giá điện bán lẻ của Việt Nam đã có 9 lần tăng liên tiếp, trong đó, lần gây sốc nhất là đầu năm 2011, giá điện được đẩy vọt tới 15,28%, gấp 2-3 lần so với tỷ lệ thông thường. Mức giá bán lẻ điện bình quân hiện nay đã cao hơn 79% so với mức giá
của 5 năm trước.

Giá điện tăng luôn gây ra lo ngại cho người dân.
Giá điện tăng luôn gây ra lo ngại cho người dân.



Năm 2007 cũng là năm đầu tiên giá điện bắt đầu lộ trình tiệm cận thị trường cạnh tranh theo Quyết định của Thủ tướng.


Trong 2 năm tới, khi mức giá bán lẻ tối đa được ấn định là 1.835 đồng/kWh, giá điện bình quân của Việt Nam sẽ có thể tăng thêm 21,6% so với hiện nay. Trung bình mỗi năm, giá điện sẽ được phép tăng thêm khoảng 10%.

Nhưng riêng điện sinh hoạt, mức tăng sẽ không dừng lại ở đó. Theo nguyên tắc tính giá bán điện sinh hoạt, được ban hành tại Quyết định 268 ngày 23/2/2011 của Thủ tướng, các bậc thang tiêu thụ điện sẽ phải chịu mức tăng lớn hơn rất nhiều so với tỷ lệ tăng bình quân.

Cụ thể, ở bậc thang đầu tiên 100 kWh, giá điện sinh hoạt được tính bằng giá bán lẻ bình quân. Từ bậc thang thứ 2, từ 101- 150kWh, giá điện tăng thêm 6% so với giá bán lẻ bình quân. Bậc thang thứ 3, từ 151-200kWh, giá điện được tăng tới 34%. Bậc thang thứ 4, từ 201- 300kWh, giá điện tăng 45%, từ bậc thang thứ 5, từ 301-400kWh, giá điện sinh hoạt tăng 55% và ở bậc thang thứ 4 trở lên, tiêu dùng trên 400kWh, giá điện bán lẻ tăng tới 59%. Trong biểu giá này, mức tăng mạnh nhất lại được thiết kế cho các bậc thang tiêu dùng điện phổ biến nhất của các hộ gia đình ở đô thị.

Nếu như giá bán lẻ điện bình quân tối đa được áp dụng vào năm 2015, giá điện sinh hoạt mà người dân sẽ phải trả tối đa lên tới 2.918 đồng/kWh thay vì mức 2.420 đồng/kWh như hiện nay.

Như những gì đã diễn ra, giá điện của Việt Nam chỉ có một chiều tăng. Mốc giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu 1.437 đồng/kWh vừa mới được công bố thấp hơn 4,7% so với mức giá hiện nay. Trong bối cảnh còn treo lỗ tỷ giá lớn, thiếu hàng chục nghìn tỷ vốn đầu tư, cùng với nợ rất cao…, chuyện giảm giá điện rất khó trở thành hiện thực.

Nhìn nhận vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh chia sẻ: “Do lạm phát, giá điện Việt Nam tính theo USD đã thấp hơn rất nhiều so với mức trước khi lạm phát tăng cao từ những năm 2007-2008. So với giá điện trong khu vực, giá điện của ta tính theo USD phải tương xứng đủ để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào ngành điện. Chúng ta thiếu vốn làm điện. Nếu không có nguồn lực này, Việt Nam sẽ có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới. Trong tiến trình công nghiệp hóa mà bị cắt điện bức tử như một số năm qua là điều không thể chấp nhận”.

“Tuy nhiên, sự cần thiết của việc tăng giá điện cần được giải thích một rõ ràng, để mọi người dân đều biết và ủng hộ”, TS Doanh nhấn mạnh.

EVN nên công khai giá thành điện

Mới đây, EVN lại dính vào tai tiếng mập mờ tính giá điện khi Thanh tra Chính phủ đã “soi” ra nhiều chuyện ở EVN, trong đó, có cả mối hoài nghi việc đưa khoản đầu tư xây sân tenis, bể bơi… vào giá bán điện.

Bởi vậy, việc định khung cho phép EVN có thể tăng giá điện tới 21,6% vào 2 năm tới không khỏi khiến dư luận băn khoăn.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam nói: “bản thân EVN đang giữ vị trí độc quyền. Những “ông” như Dầu khí, Sông Đà, Than- Khoáng sản có làm điện cũng đều chỉ có thể bán cho EVN. Tập đoàn này đang nắm cả truyền tải, cả công ty mua bán điện, bán buôn, bán lẻ đều nắm, rồi cả trung tâm điều độ cũng tập trung ở EVN. Vậy thì, EVN phải tháo độc quyền ra, mở cửa thị trường điện như thế nào và đặc biệt, phải minh bạch giá thành điện hơn nữa”.

9 lần tăng giá điện trong thời gian qua.
9 lần tăng giá điện trong thời gian qua.



“EVNchẳng có lý do gì mà lại không công bố công khai trên báo chí, công luận việc hạch toán giá thành điện”, ông Ngãi nhấn mạnh.

Theo ông, EVN cần chứng minh, hạch toán giá thành điện gồm những thành phần gì? Ví dụ, đầu tiên là giá nguyên nhiên liệu đầu vào như dầu, khí, than.., thứ hai là tiền lương, rồi kèm theo đó là tiền khen thưởng, phúc lợi xã hội, thứ ba là trích lợi nhuận bao nhiêu trong 1 kWh, thứ tư là việc trích khấu hao, đối với nhà máy mới bao nhiêu, nhà máy cũ sắp hết khấu hao bao nhiêu? Cùng đó là các loại thuế như thuế tài nguyên môi trường, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…, những yếu tố này tác động thế nào tới giá thành điện?

Như hiện nay, giá bán điện bình quân vẫn chưa chứng minh được hệ thống giá bán điện thực sự của EVN. Giá điện dao động 24/24, trong từng giờ một, như giá giờ cao điểm khác, thấp điểm khác, ban ngày ban đêm khác. Với giá bậc thang, EVN cần chứng minh, việc tăng giá bậc thang như vậy so với giá bán lẻ hiện nay là như thế nào?

“EVN cần công bố rõ ràng, chi tiết, cụ thể và phải thực hiện cơ chế này hàng tháng, chứ không phải mỗi năm một lần. Trong vấn đề này, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý cấp trên, cũng phải có trách nhiệm thẩm định, phân tích giá thành điện và công bố trước dư luận”, ông Ngãi nói.

VNN

Các tin khác