Kinh tế xã hội

Đòi 350 tỷ thuế, xăng dầu 'ăn thua' với Bộ Tài chính

16:16, 14/11/2013 (GMT+7)
Xăng dầu: Quyết đòi lại tiền thuế
 
Hiệp hội xăng dầu Việt Nam vừa có văn bản kêu lên Thủ tướng Chính phủ vụ bị truy thu thuế nhập khẩu xăng dầu. 
 
Theo đó, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính thu hồi lại thông báo số 17060/BTC - VP ngày 7/12/2012 theo đúng đề nghị của Bộ Tư pháp và thực hiện đúng theo Nghị định 154/2005/NĐ-CP và Thông tư 194/2010/TT-BTC về hướng dẫn thủ tục hải quan, quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
 
Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho phép, toàn bộ số thuế nhập khẩu xăng dầu bị truy thu vừa qua mà 7 doanh nghiệp đã nộp sẽ được khấu trừ vào năm sau.
 
Đây là lần thứ 2, cơ quan này lại gửi "khiếu nại" lên tận Thủ tướng, nhất mực đòi Bộ Tài chính phải trả lại tiền thuế xăng dầu được cho là bị "truy thu" oan.
 
Vụ việc truy thu thuế với tổng số tiền khoảng 350 tỷ đồng đối với 7 doanh nghiệp xăng dầu đã gây ồn ào dư luận từ tháng 4 năm nay. Các doanh nghiệp xăng dầu một mặt vẫn tiếp tục chấp hành nộp thuế truy thu đầy đủ, xong một mặt, vẫn ấm ức, không tâm phục, khẩu phục với "án" thuế này.
 
Khởi nguồn sự việc là từ 7/12/2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông báo 17060/BTC - VP, gửi các đơn vị hải quan yêu cầu phải thay thế tờ khai mới đối với các lô hàng xăng dầu tạm nhập tái xuất nhưng không tái xuất hết, chuyển tiêu thụ nội địa. Chỉ đạo này kéo theo hàng trăm lô hàng xăng dầu phải tính lại thuế nhập khẩu, do thay đổi thời điểm tính thuế theo tờ khai hải quan mới. Năm 2012, các mức thuế này xác định lại đều cao hơn mức thuế được áp dụng ở thời điểm mở tờ khai hải quan ban đầu. Sự chênh lệch đó đã dẫn đến việc 7 doanh nghiệp xăng dầu bị ấn định lại mức thuế lớn như trên.
 
Theo Hiệp hội Xăng dầu, các doanh nghiệp không hề trốn thuế. Từ trước tới nay, việc kê khai nộp thuế đều được các doanh nghiệp tuân thủ theo Thông tư 194 của Bộ Tài chính, không thay tờ khai hải quan mới và nộp thuế theo tờ khai ban đầu khi chuyển tiêu thụ nội địa xăng dầu tạm nhập tái xuất.
 
Chính vì vậy, sự việc đã gây tranh cãi suốt gần 1 năm qua. Các doanh nghiệp xăng dầu và Hiệp hội đã gửi nhiều văn bản kiến nghị đến cơ quan chức năng song, kết quả đến nay vẫn là "y án" nộp thuế.
 
Hiệp hội xăng dầu nhấn mạnh, điều bức xúc nhất là mặc dù đã có văn bản của Bộ Tư pháp yêu cầu Bộ Tài chính phải hủy thông báo 17060 - mấu chốt gây ra vụ truy thu thuế- nhưng Bộ Tài chính vẫn không lay động.
 
Công văn "kêu" lên Thủ tướng của cơ quan này viết: "Hiệp hội xăng dầu Việt Nam đã động viên và yêu cầu các hội viên chấp hành nghiêm chỉnh trách nhiệm nộp thuế theo quyết định của cơ quan hải quan. Nhưng trong trường hợp này, từ ý kiến của Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đến những kiến nghị của doanh nghiệp xăng dầu thì Thông báo 17060 của Bộ Tài chính thể hiện cách hành xử trong điều hành thu thuế nhập khẩu không minh bạch, trái với Thông tư 194 còn hiệu lực, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xăng dầu trong điều kiện khó khăn hiện nay".
 
Dẫn lại công văn số 170/Ktr của Bộ Tư pháp hôm 16/7 gửi Bộ Tài chính cho thấy, Bộ Tư pháp khẳng định văn bản 17060 của Bộ Tài chính đã đưa ra nội dung mang tính quy phạm pháp luật, làm thay đổi cơ chế khai hải quan đã được xác lập tại Thông tư 194 của Bộ Tài chính, "vượt" quá tầm vóc pháp lý của một Thông báo. Bộ Tư pháp cho rằng, Thông tư 194 vẫn là quy chuẩn bắt buộc đối với cơ quan hải quan. Nếu Bộ Tài chính muốn thay đổi cơ chế này, muốn tính lại thuế cho doanh nghiệp thì phải ban hành một Thông tư khác thay thế, hoặc sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 194, không thể dùng một văn bản hành chính do Chánh văn phòng ký để "bẻ ghi" nội dung Thông tư.
 
Bộ Tài chính: Không có chuyện trả lại tiền thuế
 
Sự bức xúc của các doanh nghiệp xăng dầu lên tới đỉnh điểm khi gần đây, hôm 14/10, Bộ Tài chính đã tái khẳng định quan điểm y án truy thu thuế với cơ quan này như trả lời trước đó tới Bộ Tư pháp.
 
 
Cụ thể, phúc đáp lại Bộ Tư pháp và Hiệp hội xăng dầu, Bộ Tài chính đã "bác" lại đề nghị hủy công văn 17060 cũng như các đánh giá liên quan văn bản này của Cục kiểm tra văn bản pháp luật. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định, đây chỉ là văn bản hành chính mang tính đôn đốc công việc, hoàn toàn thống nhất với Nghị định 154 và Thông tư 194. Theo đó, các doanh nghiệp có quyền đăng ký tờ khai hải quan mới và có trách nhiệm nộp đúng, nộp đủ thuế.
 
Đặc biệt, việc truy thu thuế xăng dầu như vậy là theo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh. Trong việc kiểm tra sau thông quan này, các doanh nghiệp cũng đã được lợi khi Bộ Tài chính đã không xử lý đối với các trường hợp đã quyết toán tài chính phát sinh từ ngày 31/12/2011 trở về trước. Quy định này là để tránh việc hồi tố trách nhiệm pháp lý nặng nề hơn cho doanh nghiệp.
 
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, tại cuộc họp hồi tháng 7, đại diện vụ Pháp chế- Bộ Tài chính thừa nhận rằng, tuy quy định của Nghị định 154 là được thay thế tờ khai hải quan khác trong trường hợp thay đổi loại hình xuất nhập khẩu, nhưng khi ban hành Thông tư 194, Bộ Tài chính thực hiện chủ trương cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nên đã hướng dẫn "không đăng ký tờ khai mới, doanh nghiệp chỉ khai và nộp thuế theo quy định".
 
Mới đây, trao đổi với VietNamNet, một lãnh đạo của Bộ Tài chính đã nhấn mạnh, sẽ không thể có chuyện Bộ Tài chính dùng tiền ngân sách để trả lại tiền thuế cho doanh nghiệp được. Việc truy thu thuế này hoàn toàn là theo chỉ đạo của Chính phủ.

Các tin khác