Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201309/30921-thu-hoi-no-xau-khong-chi-pho-mac-cho-nganh-ngan-hang-402938/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201309/30921-thu-hoi-no-xau-khong-chi-pho-mac-cho-nganh-ngan-hang-402938/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Thu hồi nợ xấu: Không chỉ phó mặc cho ngành Ngân hàng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 22/09/2013, 08:44 [GMT+7]
30921

Thu hồi nợ xấu: Không chỉ phó mặc cho ngành Ngân hàng

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước tỉnh Nghệ An, 8 tháng đầu năm 2013, nợ xấu đang có dấu hiệu chững lại ở mức 2,6 nghìn tỷ đồng. Đây là một tín hiệu khả quan trong bức tranh chung của việc gia tăng đáng lo ngại của nợ xấu trong hoạt động ngành ngân hàng.
 
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một lượng lớn nợ xấu khó thu hồi với nhiều lý do khác nhau.Thực trạng trên không những cần sự hợp tác của chính khách hàng mà còn rất cần sự tham gia vào cuộc của các ban, ngành liên quan. 
 
Ngân hàng Chính sách xã hội được xem là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp trong hệ thống ngành ngân hàng tỉnh ta. Tính đến cuối tháng 8/2013, số dư nợ tại Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An là 6.000 tỷ đồng, trong số đó có 20 tỷ đồng nợ xấu (0,3%). Trong tổng số nợ xấu này, có tới 40% được chuyển sang từ Ngân hàng Công thương, đối tượng vay là HS-SV, Kho bạc Nhà nước cho vay giải quyết việc làm và NHNN cho vay hộ nghèo. 
 
Theo ông Trần Khắc Hùng - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An thì các thông số trên vẫn nằm trong tầm kiểm soát, nhưng nếu không có biện pháp thu hồi sẽ có thêm nhiều đối tượng không được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước: “Số nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An hiện nay chỉ bằng 1/3 so với cả nước (0,3% so với 0,9%). Còn so với hệ thống ngành ngân hàng nói chung thì thấp hơn rất nhiều. Khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội chủ yếu là người nghèo, số dư nợ biến thành nợ xấu chủ yếu là do mất khả năng thanh toán hoặc chậm thanh toán. Tuy nhiên, nếu không có các biện pháp thu hồi nợ xấu của các đối tượng khách hàng này thì việc huy động, thu hồi vốn để xoay vòng cho các đối tượng khác vay sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
 
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN&PTNT Nghệ An
 
Nếu khách hàng của Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT thuộc các đối tượng “lành tính” thì khách hàng của các ngân hàng TMCP tương đối đa dạng. Chính các ngân hàng TMCP là các tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu cao và khó thu hồi. Nợ xấu trong nhóm này chủ yếu là do gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (trong suy thoái kinh tế chung); một số ít khách hàng lừa đảo, bỏ trốn... Một phần trong số nợ xấu khó thu hồi thuộc về các khách hàng đã bị ngân hàng khởi kiện nhưng chưa có điều kiện thi hành án... 
 
Tính đến 31/8/2013, trên địa bàn tỉnh ta có 33 tổ chức ngân hàng với tổng nguồn vốn huy động trên 52 nghìn tỷ đồng (tăng 18% so với cùng kỳ năm 2012). Tổng dư nợ tính đến thời điểm này là trên 90 nghìn tỷ đồng (tăng 17% so với đầu năm 2013); số nợ xấu 2,6 nghìn tỷ đồng, chủ yếu rơi vào nhóm khách hàng cá nhân, tuy có tăng nhưng vẫn ở mức dưới 3%. Tài sản đảm bảo cho số nợ này lên tới trên 5 nghìn tỷ đồng, các ngân hàng cũng đã trích lập được gần 400 tỷ đồng dự phòng rủi ro và số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 5% giảm so với cùng kỳ, từ 8 đơn vị (năm 2012) nay chỉ còn 5 đơn vị. Trên cơ sở giá trị tài sản bảo đảm, dự phòng rủi ro đã trích, theo đánh giá của NHNN tỉnh Nghệ An, số nợ xấu hoàn toàn không có khả năng thu hồi chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số nợ xấu.
 
Nợ xấu không ở mức báo động, đang nằm trong tầm kiểm soát nhưng vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2012. Nguyên nhân khiến số nợ xấu chưa giảm trong hoạt động ngành ngân hàng ở tỉnh ta là do còn tồn đọng nhiều án mà ngành ngân hàng khởi kiện, một số vụ đã đưa ra xét xử nhưng chưa thi hành án xong. Tính đến 31/5/2013, có gần 120 vụ chưa đưa ra xét xử với tổng dư nợ gần 300 tỷ đồng; tòa đã xử 27 vụ, giúp ngành ngân hàng thu hồi được 30 tỷ đồng; chưa thi hành án gần 50 khách hàng với số dư nợ gốc gần 150 tỷ đồng. 
 
Để thu hồi nợ xấu, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng đã tích cực trong việc dùng 70 tỷ đồng từ nguồn vốn dự phòng để xử lý rủi ro. Các phương án mà các ngân hàng tiếp tục triển khai để giải quyết nợ xấu là giúp khách hàng tái cơ cấu lại sản xuất kinh doanh (trong điều kiện khách hàng có khả năng); phối hợp với khách hàng giải quyết số tài sản đảm bảo và khởi kiện ra tòa án. 
 
Ngày 23/8/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định về việc ban hành triển khai thực hiện Đề án “Xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)”. Quyết định này mở ra một hướng đi có tính khả quan cho các ngân hàng trong việc thu hồi nợ xấu, có thể bán nợ xấu để VAMC thu hồi. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Thu - Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Nghệ An, việc xử lý nợ xấu không thể hoàn toàn phó mặc cho VAMC.
 
“Để giải quyết tốt vấn đề nợ xấu, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức tín dụng, các đối tượng khách hàng trong việc hợp tác giải quyết nợ, thi hành án. Các cơ quan pháp luật, cả chính quyền địa phương các cấp cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hồi nợ xấu” - Bà Thu Thu nhấn mạnh.

Văn Dũng
.