Thế nhưng, sau đó gần 2 năm, Công ty này lại có văn bản trả lời UBND huyện Yên Thành không thực hiện dự án bò sữa tại xã Tân Thành nữa, nên không thu hồi diện tích đất nói trên. Từ đó đến nay đã 3 năm trôi qua, gần như toàn bộ số diện tích đất nông nghiệp đó đều bỏ hoang, người dân thiếu việc làm.
Chính quyền “vội vàng”, dân mất ruộng
Ngày 20/1/2011, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 146/QĐ-UBND.ĐT về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch vùng sản xuất cây thức ăn phục vụ chăn nuôi bò sữa TH. Theo đó, ngày 18/3/2011, Công ty TH có Văn bản số 39 gửi UBND tỉnh, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT và UBND huyện Yên Thành xin được khảo sát để mở rộng vùng dự án bò sữa tại xã Tân Thành, Tiến Thành và một số xã lân cận, với tổng diện tích đất hơn 1 nghìn ha.
Nhận được công văn này, UBND huyện Yên Thành vội vàng chỉ đạo xã Tân Thành thông báo cho người dân ngừng sản xuất và xây dựng công trình mới trên vùng đất Hòn Sường. Chỉ sau 6 tháng, Ban Giải phóng mặt bằng huyện và xã Tân Thành đã thực hiện xong công tác lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, với 131 hộ có đất, tổng diện tích đất thu hồi 161 ha, trong đó, hơn 12 ha đất sản xuất 2 vụ lúa, hơn 36 ha đất trồng cây hàng năm, còn lại là đất lâm nghiệp. Số tiền đền bù giải phóng mặt bằng hơn 59 tỷ đồng. Gồm: Tiền bồi thường hỗ trợ về đất; tiền bồi thường hỗ trợ hoa màu; tiền bồi thường hỗ trợ về vật kiến trúc và kinh phí hoạt động của hội đồng giải phóng mặt bằng.
Thế nhưng, vì nhiều lý do, đến ngày 3/7/2012, Công ty TH lại có Văn bản số 197 trả lời UBND huyện Yên Thành với nội dung không thu hồi diện tích đã quy hoạch tại xã Tân Thành. Từ đây, vì sự vội vàng của chính quyền huyện, sự nhập nhằng của Công ty TH làm cho người dân bỗng dưng mất đất sản xuất, thiệt hại hàng tỷ đồng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống dân sinh.
Ông Trần Duy Thành - Xóm trưởng xóm Tân Sơn bức xúc: Xóm có 40 hộ, tất cả đều có diện tích đất bị thu hồi, với diện tích hơn 30 ha. Trong số đó có tới 90% là đất sản xuất cây hàng năm, bà con chủ yếu là trồng dứa hàng hóa. Sự nhập nhằng của các nhà chức trách đã làm cho dân xóm tôi mất đất sản xuất gần 2 năm nay, bây giờ ruộng, đồi cỏ dại mọc um tùm làm sao mà phục hoá được.
Những cánh đồng bậc thang tại vùng Hòn Sường bỏ hoang từ 3 năm nay
Theo ông Thành, để tái sản xuất 1 ha đất trồng dứa phải đầu tư khoảng 20 triệu đồng. Nhà ông có 4 ha đất màu, trước đây ông trồng 3 ha dứa, 1 ha cây lâu năm. Riêng cây dứa, mỗi năm cho thu nhập 30 triệu đồng/ha, như vậy, gia đình ông thiệt hại khoảng từ 250 triệu - 270 triệu đồng/3 ha. Để trồng lại 1 ha dứa, ngoài tiền thuê làm đất, còn phải mua 4 vạn chồi, nhân với giá 200 đồng/chồi, đã mất 8 triệu đồng, chưa kể phân bón, công lao động.
Như vậy, nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ người dân thì việc tái sản xuất sẽ gặp khó khăn. Cả xóm Tân Sơn từ trước đến nay nhờ có vùng đất này mà người dân có việc làm quanh năm, thu nhập ổn định, nếu dựa vào mấy sào ruộng khoán của xã thì lao động thiếu việc làm. Bởi thế, từ ngày đất bỏ hoang đến nay, phần lớn lao động trong độ tuổi phải đi làm thuê để có thêm thu nhập, ông Thành khẳng định.
Cùng chung hoàn cảnh, ông Trần Văn Hải - Xóm trưởng xóm Trại cho biết thêm: Xóm có khoảng hơn 130 ha đất bỏ hoang do dự án nuôi bò sữa của Công ty sữa TH không thành, trong đó có tới 50 ha đất bậc thang, mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa mùa và 1 vụ màu. Từ ngày đất bỏ hoang, 107 hộ dân thiếu việc làm, buộc họ phải vào Nam tìm kiếm công ăn việc làm. Mong muốn của người dân là được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí để họ tái sản xuất.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Từ khi có chủ trương thu hồi 161 ha đất sản xuất, nông dân sống trong sự chờ đợi tiền đền bù, thế nhưng, họ chờ trong vô vọng. Đã nhiều lần đi gặp chính quyền nhưng chỉ nhận được câu trả lời từ ông Chủ tịch UBND xã Tân Thành: “Bà con cố gắng chờ”. Mãi đến cuối năm 2012, khi Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH trả lời không thu hồi đất vùng này nữa mọi việc mới vỡ lở.
Để chữa cháy trong vấn đề này, ngày 5/7/2012, UBND huyện Yên Thành có Văn bản số 561/UBND.TN gửi UBND xã Tân Thành về việc tổ chức tái sản xuất trên vùng quy hoạch dự án bò sữa TH. Nhận được thông tin này, chính quyền địa phương trực tiếp gặp ban cán sự các xóm và người dân thuộc vùng Hòn Sường để tuyên truyền cho dân biết và tái sản xuất. Nhưng do sau 1 năm bỏ hoang, toàn bộ diện tích đất trồng cây lâu năm trước đó đã được trồng dứa, lâu nay làm nơi chăn thả trâu, bò, toàn bộ dứa bị tàn phá, cây cối mọc um tùm, người dân muốn tái sản xuất phải đầu tư làm đất, mua cây giống, nên không ai tiếp tục sản xuất.
Xóm trưởng xóm Tân Sơn Trần Duy Thành trước 4 ha đất trồng cây
hàng năm của gia đình đã bỏ hoang
Trước thực trạng đó, ngày 1/8/2012, UBND xã Tân Thành có Văn bản số 20 về việc đề nghị UBND tỉnh, huyện hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng trang trại đã quy hoạch chăn nuôi bò sữa TH. Theo đó, UBND xã đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền bằng sản lượng sản xuất cây hàng năm và cây dứa trong thời gian đình chỉ sản xuất là 4 vụ. Đề nghị Nhà nước hỗ trợ tiền khai hoang lại đất sản xuất nông nghiệp, do 4 vụ không được sản xuất nên đã bị hoang hóa… Tuy nhiên, những đề nghị của UBND xã Tân Thành cho đến nay vẫn chưa được cấp trên chấp thuận.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Ngày 11/4/2013, UBND tỉnh có Quyết định số 1298/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác rừng do Tổng Công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào thực hiện tại xã Tiến Thành, xã Tân Thành và một số diện tích của Lâm trường Yên Thành, với diện tích hơn 1.127 ha. Như vậy, 161 ha tại xã Tân Thành trước kia ở dự án TH đều nằm trong dự án này. Khi được hỏi, người dân đã đồng tình khi bàn giao 161 ha cho dự án nay phải bỏ hoang.
Về phía địa phương có động thái gì, ông Hưng cho hay: Đất của các hộ dân lâu nay vẫn được sử dụng bình thường?! Vì sau khi Công ty TH có văn bản trả lời không thu hồi đất nữa, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo địa phương tuyên truyền, vận động người dân tái sản xuất. Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy, đã 2 năm qua, số diện tích trên không được sử dụng đã dẫn đến hoang hóa, cây cối mọc lên nhiều cần có giải pháp khắc phục hữu hiệu mới tái sản xuất được.
Nguyện vọng của bà con là chính đáng, song vì sự thiếu trách nhiệm của những người có trách nhiệm liên quan khiến diện tích đất "bỏ quên" ngày một dài đi. Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước, sự vào cuộc trách nhiệm của địa phương, chắc chắn rằng sẽ khó canh tác trở lại. Thiết nghĩ, việc UBND huyện Yên Thành chỉ đạo địa phương ngừng sản xuất 161 ha này, trong khi về phía Công ty TH mới chỉ tiến hành khảo sát đo đạc đất đai là việc làm quá nóng vội. Vì thế, nguyên nhân 161 ha đất này bị bỏ hoang suốt 3 năm qua không thể không đề cập đến trách nhiệm của cơ quan liên quan của huyện Yên Thành. Đề nghị các ngành chức năng sớm vào cuộc, làm rõ trách nhiệm đối với từng cá nhân, tập thể.
Xuân Thống
.