Bất kỳ loài cá nào sinh sống ở vùng nước nông hay sâu, trú ẩn ở các hốc chõ đều chết cứng dưới luồng điện của người đi kích. Kéo theo đó các loài sinh vật xung quanh cũng bị ảnh hưởng đến sự phát triển. Tài nguyên thủy sản đang có nguy cơ bị hủy diệt.
Thiên nhiên ưu đãi cho bản Tân Hợp, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông hai con khe chảy qua là khe Mọi và khe Cù. Từ bao đời nay, hai con khe này là nguồn mạch sống của bà con trong bản, cung cấp phong phú các loài tôm, cá và là nguồn nước sinh khoáng cho đồng ruộng. Tuy nhiên, gần chục năm trở lại đây, bà con trong bản đi quăng chài thả lưới kiếm con cá cũng thật khó, ngay cả rêu xanh của khe vốn là món ăn đặc sản của người Thái nơi đây cũng trở nên khan hiếm.
Muốn bắt cá người ta chỉ cần một ắc-quy 2V nối với một kích điện và thêm một chiếc vợt là đã có công cụ bắt cá nhanh nhất. Khi dí kích điện xuống nước, một luồng điện phóng ra làm cá chết cứng, không những thế dòng diện còn làm héo rũ những rong rêu. Theo quan sát của người dân xã Lục Dạ cho biết, trong xã có khá nhiều người dùng dụng cụ này để bắt cá, nhất là vào mùa trồng dưa hấu, khi bà con dựng lều canh ruộng dưa vào ban đêm, vì không có điện nên phải dùng ắc-quy cho bóng điện sáng và luôn tiện dùng ắc-quy kích điện đi bắt cá như các bản Yên Thành, Mét, Lục Sơn, Yên Hòa và Hồng Sơn.
Hay ở bản Kẻ Da, một bản vùng sâu, vùng xa nghèo nhất của xã Thạch Ngàn huyện miền núi Con Cuông, ruộng lúa ít, bà con sống chủ yếu dựa vào phát nương làm rẫy, kiếm củi, hái măng, xuống suối bắt cá kiếm ăn hàng ngày. Trước đây, dòng suối này vốn lắm cá nhiều tôm nay đã trở nên cạn kiệt vì nhiều người dùng kích điện bắt cá. Cuộc sống vốn dựa vào thiên nhiên, nay tài nguyên thiên nhiên bị hủy hoại nên việc kiếm ăn cũng trở nên khó khăn hơn.
Trước đây, khi chưa có lệnh nghiêm cấm, người dân đua nhau dùng kích điện bắt cá, giờ đây đã có luật cấm đánh bắt thủy sản bằng kích điện thì các đối tượng lại đi vào hoạt động lén lút.
Là huyện miền núi có khá nhiều sông suối, đặc biệt sông Lam và sông Giăng là hai con sông chính có nguồn lợi thủy sản phong phú và đa dạng. Mặc dù chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cảnh báo nguy cơ của việc dùng kích điện bắt cá, nhưng tình trạng này vẫn xảy ra khá nhiều trên địa bàn, nhất là tận vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát như khe Khặng (Môn Sơn), khe Choăng (Châu Khê), khe Thơi (Lạng Khê)...
Nếu như năm 2012, cơ quan chức năng phát hiện và bắt giữ 18 vụ với 19 đối tượng dùng kích điện trái phép thì 6 tháng đầu năm 2013, tăng lên 21 vụ, 21 đối tượng, thu giữ 25 bộ kích điện. Tổng số tiền phạt 19.250.000 đồng.
Thiết nghĩ, nạn dùng kích điện đánh bắt thủy sản trên sông suối, ao hồ cần phải xóa bỏ tận gốc. Làm được việc này rất mong có sự vào cuộc, chung tay của gia đình, cộng đồng, xã hội, tích cực tuyên truyền, vận động và có chế tài xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhằm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên vốn có.
Trần Lê
.