Từ đó đến nay, doanh nghiệp phải sống dở chết dở, máy móc hư hại và bên bờ vực phá sản vì quyết định lạ lùng của sở này, mặc cho trước đó đã đồng ý cho phép khai thác trong gần 10 năm.
Di tích trong hang đá
Khu vực lèn Vũ Kỳ có chiều dài khoảng 1,2 km, rộng trên 200m, với diện tích khoảng 12 ha, bao gồm nhiều ngọn núi nhỏ liên kết với nhau. Quần thể ngọn núi này được hình thành bởi đá vôi lộ thiên, trong đó có khu vực chùa Thiên Tạo và giếng Ngọc, nằm trong khuôn viên diện tích khoảng 4 ha, do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh quản lý. Giếng Ngọc rộng khoảng 8m2, sâu 1,5m. Vị trí chùa Thiên Tạo và giếng Ngọc nằm cách khu vực khai thác của hai công ty TNHH Kỳ Sơn và Vũ Kỳ khoảng 500m.
Theo Quyết định 1017/QĐ.VX ngày 1/4/2011 của UBND tỉnh thì chùa Thiên Tạo nằm trong lèn Vũ Kỳ là di tích mới kiểm kê, do UBND xã Phúc Thành quản lý nhưng chưa thực hiện khoanh định phạm vi diện tích di tích cần bảo vệ, cũng như chưa khoanh định ranh giới, khoảng cách. Theo ông Đinh Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, chùa Thiên Tạo có nguồn gốc tự nhiên, được sử dụng vào mục đích quân sự và khu vực này không có các hoạt động khoáng sản, đang được bảo vệ khá tốt. UBND xã thống nhất đề nghị với các cơ quan chức năng cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động khai thác đá để tạo công ăn việc làm cho công dân trong xã và tạo nguồn thu cho địa phương.
Máy móc, thiết bị hư hỏng vì phơi nắng, phơi sương
Công ty TNHH Vũ Kỳ, có trụ sở tại xóm Kỳ Sơn, xã Phúc Thành được Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (lần đầu) vào năm 2000. Năm 2001, Công ty được UBND tỉnh cấp phép khai thác lần đầu tại khu vực lèn Vũ Kỳ, thời hạn 5 năm và đến năm 2006, được gia hạn thêm 3 năm. Năm 2009, Công ty tiến hành làm thủ tục xin thăm dò, khai thác mới vì muốn chuyển khu vực khai thác tránh xa nghĩa trang Đồng Thành và chùa Thiên Tạo. Quá trình xin cấp phép, Công ty đã tiến hành đầy đủ mọi thủ tục, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản cũng như Luật Di sản văn hóa, được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng tại Quyết định số 6123/QĐ-UBND.TN ngày 16/12/2010, với diện tích khu vực phê duyệt là 5,62 ha. Trước đó, báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4101/QĐ-UBND.TN ngày 22/10/2010.
Ý kiến của Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Yên Thành tại Công văn số 44/PVHTT ngày 29/10/2009 khẳng định: “Phần khai thác đá tại lèn Vũ Kỳ của Công ty TNHH Vũ Kỳ không thuộc vào khu vực di tích và danh thắng theo Quyết định số 1306/QĐ-UB của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ngày 12/4/1997”. Về vấn đề này, ngày 19/11/2009, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cũng đồng quan điểm bằng Công văn số 3109/BCH-TAH khi cho rằng: “Khu vực xin khai thác đá xây dựng của Công ty TNHH Vũ Kỳ tại lèn Vũ Kỳ có các điểm gốc tọa độ không ảnh hưởng gì đến quốc phòng - an ninh và các hang động, công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ của huyện Yên Thành và tỉnh Nghệ An”.
“Chết mòn” vì vướng di tích?
Quá trình lập hồ sơ xin cấp phép khai thác mới, Công ty TNHH Vũ Kỳ đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các ban, ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương, bởi hiệu quả của việc khai thác trong 5 năm qua là rất lớn, Công ty đã tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động và đóng góp không ít cho ngân sách địa phương. Ông Nguyễn Trọng Bơ - Giám đốc Công ty TNHH Vũ Kỳ cho biết, khi thủ tục đã cơ bản hoàn tất thì tháng 4/2011, xảy ra sự cố sập mỏ đá lèn Cờ nên bị tạm dừng cấp phép cho đến nay.
Trước khi lập hồ sơ, đã có ý kiến đồng ý của ban, ngành chức năng, trong đó có Phòng Văn hóa huyện Yên Thành nên Công ty mới thuê tư vấn thăm dò, đánh giá trữ lượng, báo cáo đánh giá tác động môi trường rất tốn kém. Quá trình lập hồ sơ, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng không có ý kiến liên quan đến lèn Vũ Kỳ và chùa Thiên Tạo. Đùng một cái, khi hồ sơ đã hoàn tất thì đến ngày 2/4/2013, Sở này đột nhiên ban hành công văn đề nghị không cho phép hoạt động khoáng sản tại lèn Vũ Kỳ khiến việc cấp phép phải dừng lại.
Trong gần 10 năm hoạt động ấy, theo Giám đốc Nguyễn Trọng Bơ, Công ty đã đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại, hoạt động có hiệu quả. Tuy nhiên, từ khi bị dừng cấp phép đến nay, máy móc không còn hoạt động, phơi nắng, phơi sương nên nhiều thiết bị đã bị hoen gỉ, nhiều dây chuyền nghiền đá và máy khoan hư hại nặng, hệ thống nhà xưởng hoang hóa, biến thành bãi chăn thả trâu, bò. Đặc biệt, việc dừng hoạt động khai thác đá của Công ty làm cho hơn 200 lao động tại địa phương mất việc làm.
Mong muốn hiện nay từ phía doanh nghiệp là các ban, ngành chức năng liên quan nghiên cứu, xem xét trên cơ sở khoa học để xác định lèn Vũ Kỳ, chùa Thiên Tạo có là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh hay không và nếu có thì sớm khoanh định phạm vi cần bảo vệ để sớm trả lời dứt điểm cho Công ty. Bởi hơn 2 năm trôi qua, Công ty đã tiến hành thăm dò, đánh giá và đã được UBND tỉnh phê duyệt trữ lượng theo quy định của Luật Khoáng sản nhưng vẫn không được tiến hành khai thác theo quy định hiện hành.
Thiện Thành
.