Hàng hóa “bốc hơi” sau khi gửi nhà xe
Dịch vụ ký gửi hàng hóa qua các loại hình vận chuyển như đường bộ, đường sắt và đường hàng không được các công ty vận tải khai thác triệt để trong mấy năm trở lại đây. Khách hàng cũng lựa chọn cách thức gửi này nhiều hơn vì tính tiện lợi, thủ tục cũng nhanh gọn, giá cước phải chăng chứ không rườm rà và chậm như dịch vụ của bưu chính. Tuy vậy, sau một thời gian đảm bảo uy tín, gần đây, các công ty vận tải thiếu trách nhiệm với hàng hóa khách hàng gửi nên đã xảy ra nhiều vụ mất tài sản, trong đó có những vụ mất tích một cách bí ẩn đã đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới dịch vụ được cho là nhanh gọn và siêu rẻ này.
Chiều 24/8, chiếc xe giường nằm của nhà xe Hoàng Long, thuộc Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long, trụ sở tại TP Hải Phòng, BKS 79D - 5652 chạy tuyến Bắc - Nam, khi từ TP Hồ Chí Minh về đến Bến xe Hà Tĩnh thì bị chặn lại suốt 3 giờ đồng hồ vì làm mất tài sản của khách hàng. Theo ông Nguyễn Thanh Hải trú tại TP Hà Tĩnh, người chặn xe thì trước đó, vào ngày 19/8, ông có gửi cho nhà xe một lô hàng là điện thoại di động vào Bình Định, trị giá trên 40 triệu đồng. Tuy nhiên, đến chiều 21/8, phía Công ty Hoàng Long bất ngờ gọi điện thông báo với ông là đã làm mất số hàng trên, nhưng chưa đưa ra thỏa thuận đền bù nào thỏa đáng. Phải nhờ đến sự can thiệp của cơ quan chức năng, tối cùng ngày, chiếc xe này mới tiếp tục chặng hành trình ra Bắc.
Gửi tiền, hàng hóa qua xe khách luôn gặp rủi ro - Ảnh minh họa
Liên quan đến gửi hàng hóa là điện thoại di động, trung tuần tháng 7/2013, chị Nguyễn Thị Anh, sinh viên một trường đại học trên địa bàn TP Vinh được anh trai đang lao động tại Hàn Quốc gửi về 7 chiếc ĐTDĐ trị giá khoảng 28 triệu đồng. Chị Anh gửi ra Hà Nội cho chị gái thông qua nhà xe Phúc Lợi, thuộc Công ty CP Du lịch lữ hành quốc tế Phúc Lợi, trụ sở tại TX Cửa Lò, chuyên tuyến Cửa Lò - Vinh - Hà Nội, bị nhân viên nhà xe này làm mất. Nhiều lần làm việc với nhà xe nhưng chị vẫn không được đền bù, thậm chí nhân viên còn dọa nạt khi cho rằng, hàng xách tay từ Hàn Quốc về là hàng lậu, dọa sẽ trình báo cơ quan chức năng nếu chị còn yêu cầu bồi thường. Chỉ đến khi chị Anh làm đơn cầu cứu, doanh nghiệp này mới thừa nhận sai sót và xuống nước đền bù.
Trước đó, ngày 7/8/2013, ông Trần Đại Nhân trú tại Hà Nội có gửi qua nhà xe Hồng Hà, BKS 38B - 001.35, chuyên tuyến Kỳ Anh - Mỹ Đình số tiền 395.000 USD (tương đương khoảng 8 tỷ đồng Việt Nam) về cho một doanh nghiệp vàng bạc tại Kỳ Anh. Trên suốt chặng hành trình, nổi máu tham, lái xe Trần Hậu Thọ đã cuỗm luôn số tiền này mang về nhà cất giấu. Chỉ đến khi cơ quan Công an vào cuộc, số tiền này mới được tìm thấy và trao lại cho khổ chủ.
Trần Hậu Thọ và số tiền gần 8 tỷ đồng “cuỗm” của khách gửi
|
Ngoài ra, còn nhiều vụ mất đồ khác một cách khó hiểu, như dịp 30/4/2013, một sinh viên từ Hà Nội về Quỳnh Lưu, đi trên xe giường nằm Đức Tâm bị mất hành lý, trong đó có 1 laptop trị giá 12 triệu đồng. Nhà xe thoái thác trách nhiệm khiến anh này phải làm đơn cầu cứu và chỉ đến khi Sở Giao thông Vận tải vào cuộc, việc đền bù mới được thỏa thuận.
Tương tự, đầu tháng 5/2013, hành khách đi xe Văn Minh, chuyên tuyến Vinh - Cửa Lò - Hà Nội đã “tố” bị mất 3,5 triệu đồng khi để hành lý trong khoang hành lý. Điều đáng nói, anh này chỉ mất chừng ấy tiền trong số 4,5 triệu đồng bỏ vào ba lô. Khi đề cập trách nhiệm, phía nhà xe thoái thác, song chờ đến lúc báo chí vào cuộc, hai bên mới đi đến thương thảo, đền bù.
Rủi ro tiềm ẩn
Qua tìm hiểu được biết, phần lớn khách hàng chọn cách giao dịch này bởi thủ tục đơn giản, thời gian nhận lại nhanh chóng. Ngoài ra, họ cũng thực hiện giao dịch thường xuyên, gần như quen biết nhau nên không cần phải có giấy biên nhận. Để xảy ra mất mát, theo lý giải của một số chủ xe thì, do việc đón trả khách thường xảy ra lộn xộn, đặc biệt là vào ngày lễ, khách đông nên khó kiểm soát hành lý. Ngoại trừ những trường hợp mất mát bởi lý do chủ quan như chuyện tài xế nổi máu tham, còn lại khó kiểm soát.
Đại úy Nguyễn Phi Hải - Phó Trưởng Công an huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) nhận định, trường hợp xác định được đối tượng thì có thể xử lý theo các tội danh như trộm cắp, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Còn đối với việc không rõ thủ phạm, rất khó để giải quyết, thậm chí hai bên phải ra Tòa án dân sự. Song, thiệt hại bao giờ cũng thuộc về phía khách hàng, vì giao dịch này chủ yếu là thỏa thuận giữa hai bên, không có biên nhận, không ghi giá trị hàng hóa và không được cơ quan chức năng xác nhận.
Trong khi đó, theo ông Đinh Văn Nam - Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Sở Giao thông Vận tải Nghệ An thì, giao dịch giữa hành khách và các nhà xe gần như là thỏa thuận riêng với nhau, nên khi xảy ra sự việc mất mát hành lý, tiền gửi, cơ quan chức năng mới biết đến. Ông Nam cũng cho rằng, để bảo vệ quyền lợi cho hành khách, khi xảy ra sự việc, khách hàng nếu có đơn trình báo thì phía Sở Giao thông Vận tải, với trách nhiệm chung là quản lý các doanh nghiệp vận tải, sẽ kiên quyết vào cuộc để đảm bảo quyền lợi cho hành khách cũng như khách hàng.
Điển hình là trường hợp bắt nhà xe Đức Tâm trả lại tài sản cho sinh viên sau khi anh này mất laptop và có đơn trình báo lên Sở dịp 30/4 vừa qua. Tuy nhiên, những trường hợp như thế cũng chưa phải là phổ biến. Khuyến cáo của cơ quan chức năng vẫn là việc khách hàng phải đảm bảo các thủ tục gửi hàng hóa để không “tiền mất tật mang”.
Thành Thảo
.