Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201308/29855-nhieu-mo-hinh-ho-tro-giam-ngheo-chet-yeu-403808/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201308/29855-nhieu-mo-hinh-ho-tro-giam-ngheo-chet-yeu-403808/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo 'chết yểu' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 07/08/2013, 08:00 [GMT+7]
29855

Nhiều mô hình hỗ trợ giảm nghèo 'chết yểu'

Có thể nói những năm qua, huyện miền núi Tương Dương đã có hàng loạt chính sách hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt nhằm mục đích làm thay đổi nhận thức người dân, tiến tới sản xuất ra hàng hóa, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo... Thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Tương Dương có những đổi thay, bộ mặt kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi đã có sự khởi sắc đáng ghi nhận.
 
Thế nhưng qua tìm hiểu thực tế, số mô hình đem lại hiệu quả cho bà con chỉ đếm đầu ngón tay, còn được áp dụng, nhân rộng thì rất ít. Nhiều mô hình chỉ triển khai rồi chết yểu, chưa đủ thời gian để bà con làm theo. Việc hỗ trợ các mô hình trồng cây, nuôi con cho thấy không có tính khả thi. Do người được hỗ trợ chưa được bàn bạc và lựa chọn cây gì, con gì phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, trình độ và thói quen canh tác. 
 
Theo bà con, việc cấp giống vật nuôi không thể đơn giản như việc mua một vật dụng thông thường, bởi lẽ con giống là vật nhạy cảm, phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, môi trường, việc phòng ngừa dịch bệnh cũng phải hết sức chặt chẽ. Vật nuôi khi nhập về phải chấp hành quy trình cách ly nghiêm ngặt trong một thời gian nhất định để đề phòng vật nuôi đang ủ bệnh.
 
Thực tế việc cấp giống vật nuôi cho người nghèo nhiều năm qua vẫn chưa tuân thủ nghiêm túc các quy trình kỹ thuật nên không đạt được như mong muốn. Hàng trăm con bò lai chết, còn mô hình lợn siêu nạc, gà ác đen không phát triển được, thậm chí rất ít con sống sót sau một thời gian cấp cho người dân. Những mô hình cây giống như trồng chuối tiêu hồng, trồng lạc, trồng chanh leo, trồng cà chua quả to, dưa hấu… thì số mô hình được đồng bào áp dụng, nhân ra diện rộng là rất ít.
 
Điển hình như mô hình trồng chanh leo tại bản Bãi Sở, xã Tam Quang thất bại. Nguyên nhân do huyện cung ứng cây giống quá chậm, bà con xây dựng mô hình chờ lâu không thấy giống về, nhiều hộ chán nản đã trồng cây khác vào điểm quy hoạch chanh leo, lúc đưa giống chanh leo về trồng quá muộn buộc phải chuyển nơi khác, dẫn đến trồng đến đâu chanh leo chết tới đó. Hay như mô hình trồng dưa hấu lại quy hoạch vào vùng đất không có nguồn nước tưới tiêu, trồng được mùa đầu dân bỏ chuyển sang canh tác cây khác.
 
 
Mô hình chuối tiêu hồng và chanh leo không đem lại hiệu quả cho bà con
 
Tương tự, mô hình chuối tiêu hồng ở các xã Thạch Giám, Tam Quang, Lưu Kiền… cũng đang trong tình trạng phát triển kém hiệu quả, không được người dân nhân ra diện rộng. Điều đáng nói là đồng bào dân tộc Thái ở đây từ trước đến nay không quen trồng cây chuối. Khi thực hiện mô hình, bà con được Nhà nước đầu tư 100% giống, phân bón, kỹ thuật…
 
Thực ra, ở đây chủ yếu là vùng đồi núi nên cây chuối không thích ứng với thổ nhưỡng. Bên cạnh đó, Dự án cung ứng giống chuối tiêu hồng cho bà con kém chất lượng, quá nhỏ, không có khả năng phát triển cho nên triển khai mô hình nào cũng chỉ thấy chuối còi, cằn. Xong mô hình thì người dân không làm theo, thậm chí bỏ đất hoang không chăm sóc.
 
Chúng tôi đi thăm những mô hình nuôi con được Chương trình 30a hỗ trợ, qua khảo sát, nhiều mô hình chăn nuôi từ Chương trình 30a đang ngày một giảm. Tháng 6/2012, tại bản Khe Kiền, xã Lưu Kiền có 10 hộ được chọn thực hiện nuôi gà ác đen, mỗi hộ được nhận 50 con gà giống, nhưng đến nay, có hộ chỉ còn 1/3 số gà, có hộ thì gà chết sạch. Nguyên nhân được bà con giải thích, giống gà ác đen khó nuôi, không thích ứng điều kiện môi trường ở đây, dịch bệnh liên tục. Hơn nữa, giống gà này nhập từ Viện Bảo tồn nguồn gen phía Bắc về nên bà con khó nuôi.
 
Mô hình chăn nuôi bò lai Sind ở Tam Quang cũng bị chết hàng loạt. Hỏi nguyên nhân vì sao, anh Hồ Viết Sơn - Chủ tịch UBND xã Tam Quang giải thích: “Xét về khí hậu và điều kiện chăn nuôi loại giống bò lai Sind không phù hợp ở đây, do phong tục tập quán nuôi thả rông của bà con, trong khi đó, giống bò này được đưa từ dưới xuôi lên thường chăn nuôi nhốt. Hơn nữa, Dự án cấp con giống quá nhỏ so với số tiền trên giấy 8 triệu - 9 triệu đồng/con, vì lẽ đó mà khi bàn giao, bà con gặp khó khăn trong chăm sóc nên dẫn đến bò chết hàng loạt là điều dĩ nhiên. Chúng tôi mong muốn dự án hỗ trợ cây, con, khi thực hiện mô hình cần phải xem xét, nghiên cứu thật kỹ lưỡng thì mô hình mới thành công và nhân ra được diện rộng”.
 
Hay như mô hình nuôi lợn đen ở xã Tam Hợp khuyến khích phát triển, nhưng vì không có đầu ra, khó khăn do đường đi lại vận chuyển gian nan, thương lái ngại vào thu mua khiến nhiều hộ dân chán nản bỏ dự án. Điều này cho thấy, Dự án hỗ trợ cây con giống từ Chương trình 30a đang xa rời thực tiễn, nên các mô hình gần như đang trong đà thất bại và không nhân rộng được.
 
Để khai thác tiềm năng phát triển cây trồng, vật nuôi vùng miền núi huyện Tương Dương một cách bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần phải phù hợp thực tiễn điều kiện tự nhiên và tập quán nơi đây. Trong khi đó, qua báo cáo của huyện, quá trình triển khai mô hình cây, con giống từ nguồn hỗ trợ mô hình nào cũng đang phát triển tốt và cho hiệu quả cao.
 
Nhưng qua khảo sát của chúng tôi, một số mô hình nuôi lấy cây, con giống của địa phương thì phát triển thuận lợi, phát huy hiệu quả và cho thu nhập cao. Điển hình như mô hình nuôi lợn đen địa phương, lợn nái Móng Cái; mô hình chăn nuôi bò Mông; mô hình trồng ngô lai, lúa lai. Và ngược lại, nếu đưa cây, con giống từ nơi khác về như nói trên đều bị thất bại.
 
Như vậy, điều này không hẳn đổ lỗi hoàn toàn cho người dân không biết chăm sóc mà phần cốt lõi phụ thuộc vào cơ quan chức năng thực hiện bắt nguồn từ cơ chế áp đặt trong việc hỗ trợ người dân. Nếu cứ áp dụng theo đà này thì Chương trình 30a có kéo dài đến năm 2020 cũng không phát huy tác dụng như mong muốn.

Trường Khuyên
.