Kế hoạch được bắt đầu triển khai từ năm 2013 với số vốn đầu tư ước tính gần 110 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách hỗ trợ và lồng ghép các chương trình, dự án khoảng 20%; vốn tự có của các hộ gia đình, cá nhân, tập thể và của doanh nghiệp khoảng 65%; huy động các nguồn vốn hợp pháp khác khoảng 15%.
Theo kế hoạch, đến năm 2015, tỉnh Nghệ An phấn đấu đầu tư nâng cấp các cơ sở hiện có và tiếp tục đầu tư xây dựng mới tại các thị trấn, thị tứ ở các huyện, vùng đồng bằng để toàn tỉnh có trên 70 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Xây dựng được từ 4 - 5 mô hình điểm về giết mổ gia súc, gia cầm tập trung có áp dụng hệ thống GHP (thực hành sản xuất tốt), GMP (thực hành vệ sinh tốt)…
Đến năm 2020, hoàn thành cơ bản việc đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn toàn tỉnh, phấn đấu có trên 120 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, trong đó có khoảng 30% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm áp dụng hệ thống GHP, GMP, công suất giết mổ dự kiến đạt khoảng 600 - 700 con trâu, bò/ngày đêm, 4.000 - 4.500 con lợn/ngày đêm và khoảng trên 15.000 con gia cầm/ngày đêm. Tổng diện tích đất dự kiến quy hoạch để xây dựng mới, mở rộng các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là 10,844 ha…
Theo đánh giá của một cán bộ Chi cục Thú y Nghệ An thì, ngoại trừ một vài huyện, nhìn chung sự vào cuộc của các địa phương trong việc thực hiện Quyết định 5008 là tương đối chậm. Điều này khiến nhiều người tỏ ra lo lắng cho một quyết sách lớn sẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng.
Để thực hiện thắng lợi quyết sách có tầm vĩ mô này không phải dễ bởi trên thực tế, các cá nhân, doanh nghiệp không mấy mặn mà với việc đầu tư một khoản tiền lớn lên đến hàng tỷ đồng chỉ để thu phí 20.000 đồng/con lợn mỗi đêm. Trong khi đó, vì thói quen, tập quán người dân vẫn chưa có ý thức đưa gia súc vào các lò tập trung giết mổ.
Lò mổ tại xã Nghi Phú không hoạt động hết công suất do người dân chưa có ý thức đưa gia súc vào lò giết mổ tập trung
Ông Nguyễn Văn Chỉnh - Phó Chủ tịch UBND TP Vinh cho rằng, muốn thành công cần phải kéo được doanh nghiệp vào cuộc. Muốn vậy, phải có nhiều chính sách ưu tiên: “Từ lâu, TP Vinh ý thức được việc giết mổ tập trung có ý nghĩa rất lớn trong vấn đề đảm bảo ATVSTP, vệ sinh thú y. Nhưng trên thực tế, nhu cầu giết mổ tại TP Vinh đang có chiều hướng giảm, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm giết mổ từ các vùng phụ cận đưa vào nên việc nâng cấp, xây mới và cơ chế vận hành các lò mổ tập trung phải làm đồng bộ ở tất cả các huyện.
Cái khó ở đây là, số tiền đầu tư xây dựng lò mổ phải lên đến 2 - 2,5 tỷ đồng nhưng lại chỉ đi thu về từng đồng khiến doanh nghiệp không mấy mặn mà. Ngoài chính sách ưu tiên về giá thuê đất, hỗ trợ vốn, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền tại TP Vinh đang tích cực tuyên truyền, vận động người dân đem gia súc vào lò mổ tập trung; tổ chức để các hộ giết mổ cam kết giết mổ tại lò vừa để giảm thiểu ô nhiễm vừa tăng nguồn thu cho các lò. Ngoài ra, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tham gia các hoạt động khác như thu mua, chế biến thực phẩm để họ tăng nguồn thu, duy trì và phát triển các lò mổ…
Hiện nay, do vướng mắc quy hoạch nên 2 lò giết mổ tại Vinh Tân và Hưng Dũng vẫn chưa tìm được địa điểm. Chúng tôi đang triển khai một khu giết mổ tại phía Tây chợ Vinh để phục vụ giết mổ gia súc, gia cầm ở đây…”.
Được biết, ngoài việc thực hiện Quyết định số 5008/QĐ-UBND, từ năm 2010, Nghệ An đã được hưởng lợi từ Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm tỉnh Nghệ An (LIFSAP). Đây là một Dự án lớn được triển khai tại 12 tỉnh, thành. Riêng tại Nghệ An, Dự án sẽ đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp 12 lò mổ, 40 chợ tại 10 huyện, thị.
LIFSAP sẽ tiến hành 3 hạng mục bao gồm: Hỗ trợ thiết bị, đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ cho các hộ chăn nuôi nhằm cho ra sản phẩm sạch; đầu tư 100% vốn đối với lò mổ công và tối đa 30.000 USD đối với lò mổ tư nhân trong việc nâng cấp, xây mới; đầu tư nâng cấp các khu bán thực phẩm tại các chợ. Đến nay, trên địa bàn Nghệ An, Dự án đã tiến hành đầu tư xây dựng, nâng cấp được 13 khu chợ bán thực phẩm và có 4 cơ sở giết mổ tư nhân xin được đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hùng, cán bộ thú y Dự án LIFSAP cho biết: Mục đích của Dự án là từng bước nâng cao chất lượng thực phẩm bằng việc nâng cao ý thức người chăn nuôi, người tiêu dùng. Các hợp phần đầu tư hướng tới việc tạo ra chuỗi sản phẩm sạch từ trang trại tới bàn ăn. Tuy nhiên, triển khai Dự án cũng có những cái khó như đối với cơ sở giết mổ tư nhân chỉ được đầu tư tối đa 30.000 USD, bản thân chủ cơ sở giết mổ phải có thêm 30.000 USD đầu tư. Đó là một số tiền quá lớn đối với các chủ lò mổ hiện nay.
Bên cạnh đó, những hộ giết mổ hiện nay chủ yếu vào lò với mục đích tự giết mổ, lấy công làm lãi, nay đầu tư lò giết mổ công nghiệp sẽ khó thu hút được các hộ giết mổ nếu chính quyền các cấp không mạnh tay, có những biện pháp tuyên truyền và các chế tài xử phạt.
Có thể nói, Nghệ An đang rất nỗ lực lập lại trật tự trong công tác kiểm soát giết mổ bằng việc đầu tư xây dựng các lò mổ, siết chặt công tác quản lý nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo ATVSTP, ATVS thú y, giảm thiểu tình trạng lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, để quyết sách lớn này được thực thi nghiêm túc và phát huy hiệu quả, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Văn Dũng
.