Tuy nhiên, mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì công trình này đã và đang bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều đoạn rọ đá và bê tông đã rơi hẳn xuống lòng sông. Nếu không có phương án khắc phục sớm, mùa lũ năm nay, chắc rằng tình trạng sạt lở còn nghiêm trọng hơn nhiều.
Dự án kè bờ sông Lam, đoạn qua bãi Xuân Hòa, xã Nam Cường do UBND huyện Nam Đàn làm chủ đầu tư. Hai đơn vị liên kết thi công là Công ty TNHH Thành Đồng, có trụ sở tại khối Mai Hắc Đế, thị trấn Nam Đàn và Công ty CP đầu tư hợp tác Việt - Lào, có trụ sở tại số 1, đường Phan Bội Châu, thành phố Vinh trúng thầu. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ tránh mùa lũ năm 2012, Dự án này đã được chia thành 5 gói thầu cùng thi công.
Đi qua cầu Yên Xuân về xã Nam Cường, những khi thủy triều sông Lam dâng lên, nhìn về phía thượng nguồn sẽ thấy bờ kè đá, bê tông đang còn mới, uốn lượn theo mép bờ sông, ai cũng nghĩ rằng bãi Xuân Hòa (xã Nam Cường) từ nay không bị còn sạt lở nữa. Thế nhưng, cũng tại địa điểm trên, khi thủy triều xuống, một sự thật hoàn toàn trái ngược, ngổn ngang rọ đá, bê tông của một số đoạn kè đã bị đứt, gãy bờ bao rơi xuống sông, ước chừng chiều dài đoạn sạt lở gần 100m. Mặc dù, Dự án này mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng giữa năm 2012, công trình cũng chưa được chủ đầu tư và đơn vị thi công tiến hành nghiệm thu, bàn giao.
Một số đoạn kè đã bị hỏng nghiêm trọng
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Xuân Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đàn cho biết: Công trình này có tổng mức đầu tư trên 24 tỷ đồng, hiện tại nguồn vốn mới chuyển cho nhà thầu được 7 tỷ đồng, vốn đang thiếu trầm trọng. Sự cố sạt lở kè, chúng tôi đã biết từ sau trận lũ năm 2012, chúng tôi đang triển khai lập phương án để khắc phục. Những phần hư hỏng phía trên mặt kè thì đơn vị thi công dễ dàng khắc phục, còn phần thềm bờ sông thì phải khảo sát lại.
Sau khi khảo sát xong, nếu thềm bờ sông không có biến đổi thì đơn vị thi công phải tự khắc phục những hư hỏng. Trường hợp do biến đổi dòng chảy, tác động đến thềm bờ sông làm sạt lở thì chủ đầu tư sẽ tính toán lại, giao đơn vị tư vấn thiết kế phù hợp. Chúng tôi đang cố gắng huy động nguồn vốn để khắc phục sự cố sạt lở này trong mùa khô năm nay.
Cũng tại địa điểm này, trước đó nhiều năm, ngành đường sắt đã có phương án đóng cọc bê tông chống sạt lở để bảo vệ đường sắt. Tuy nhiên, phương án đó đã không khả thi và tình trạng sạt lở vẫn xảy ra hàng năm. Hiện nay, bờ cọc bê tông của ngành đường sắt đóng có đoạn cách bờ sông hàng trăm mét, nhiều cọc bê tông đã bị nước sông cuốn đi từ năm nào.
Về nguyên nhân của sự cố sạt lở trên, ông Đinh Xuân Quế cho rằng: Do biến đổi dòng chảy, kéo thềm sông sụt xuống; tình trạng khai thác cát tự phát trên sông Lam nhiều năm qua chưa được giải quyết dứt điểm. Việc hút cát đã làm xói hỏng chân kè và xảy ra sạt lở.
Hiện tại, còn khoảng 200m bờ sông, tính từ bờ kè đá đến cầu Yên Xuân cũng đang bị sạt lở nghiêm trọng; có đoạn cách đường sắt chỉ vài chục mét.
Kè đá bờ sông Lam (đoạn qua xã Nam Cường) là công trình quan trọng, ngoài việc chống xói lở, bảo vệ đất sản xuất nông nghiệp cho người dân, còn là lá chắn bảo vệ đường sắt Bắc - Nam. Vì vậy, chủ đầu tư và đơn vị thi công cần sớm có biện pháp khắc phục kịp thời.
Đức Thắng
.