Hiện nay diện tích trồng sắn ở tỉnh ta đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Việc nông dân ồ ạt “đua nhau” trồng sắn không chỉ làm phá vỡ quy hoạch cây trồng của địa phương mà việc làm này đã phá vỡ cơ cấu cây trồng, khiến đất mất dần nguồn dinh dưỡng tự nhiên vốn có. Đáng lo ngại sản lượng tăng nhanh vượt quá năng lực chế biến của các nhà máy nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, giá cả không ổn định, nông dân chịu lỗ.
Chuyện nông dân ồ ạt trồng sắn dẫn tới vỡ quy hoạch và phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề là do nông dân vẫn mạnh ai nấy làm, tư duy sản xuất lạc hậu, hễ thấy có lợi là rủ nhau trồng mà không cần biết, sau này khi thu hoạch sẽ bán cho ai, giá cả thế nào.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng và thực hiện quy hoạch, một số địa phương chưa thực sự tuân thủ nghiêm túc, tức là đưa ra quy hoạch nhưng không có sự kiểm tra, kiểm soát, không có đánh giá, khuyến cáo thường xuyên… nên mới dẫn tới tình trạng nông sản của bà con ế ẩm, ngành chức năng mới biết.
Thi nhau trồng sắn rồi không biết bán đi đâu
Mặc dù, việc đưa cây sắn vào trồng đã tận dụng được nhiều diện tích đất không trồng được các loại cây trồng khác do bạc màu và thiếu nước, giúp người nông dân tăng thu nhập, nhất là người dân miền núi. Thế nhưng khi diện tích cây sắn ngày càng lớn thì diện tích cho cây trồng khác bị thu hẹp lại, rừng và đất rừng cũng bị mất đi.
Điều đáng nói là, hiện nay, có rất ít công ty, nhà máy chế biến đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu (mới có 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Thanh Chương và Yên Thành) nên việc sản xuất, chế biến sắn chưa đi vào quy hoạch; việc tiêu thụ sản phẩm sắn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường ngoài tỉnh thu mua, do đó gây nên những biến động khôn lường về thị trường.
Vào những lúc nhu cầu cao, giá sắn tăng, nông dân tự phát mở rộng diện tích, làm ảnh hưởng đến các cây trồng khác, thậm chí bà con còn phá cả rừng để lấy đất trồng sắn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường sinh thái, khiến đất đai ngày càng nghèo kiệt. Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Nghệ An: Diện tích sắn tăng mạnh là do loại cây này rất dễ trồng, chi phí đầu tư ít, năng suất sắn hiện nay 21 tấn/ha, năng suất cao nhưng việc trồng sắn đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Mặt khác, sắn thường được trồng trên đất có độ dốc lớn nên quá trình xói mòn rất mạnh, khiến đất mất chất dinh dưỡng nhanh chóng. Chưa kể, việc chế biến các sản phẩm từ sắn, đặc biệt là tinh bột, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường nếu không được xử lý tốt. Việc tăng diện tích trồng sắn cũng là nguyên nhân khiến một số diện tích rừng tự nhiên bị mất, đe doạ trực tiếp đến môi trường sinh thái.
Nếu sau này nông dân muốn bỏ sắn để quay về trồng cây khác sẽ rất khó khăn. Hàng năm diện tích sắn của tỉnh đã tăng nhanh lên đến 19.000 - 20.000ha. Trong khi đó tỉnh chỉ quy hoạch ổn định diện tích 1 năm là 6.000 ha trồng sắn rồi luân canh trồng cây khác. Vùng trồng sắn được quy hoạnh tập trung ở những huyện Thanh Chương, Tân Kỳ, Yên Thành, Anh Sơn.
Diện tích sắn tăng nhanh, trong khi các nhà máy chế biến sắn trong tỉnh hoạt động cầm chừng, chỉ hết một nửa công suất chế biến, gây nguy cơ khủng hoảng thừa nguyên liệu sắn, tạo điều kiện cho tư thương ép giá và nông dân sẽ chịu thiệt. Tại những nơi gần đường giao thông, dễ vận chuyển, giá sắn tươi đạt 800 đồng/kg, nhưng tại vùng sâu, xa thì chỉ đạt 600 đồng/kg.
Trong khi vào năm trước, giá sắn dao động ở mức 2.400 đồng/kg. Giá sắn thấp nhưng vẫn khó bán. Trước tình hình này, Sở NN&PTNT Nghệ An chỉ đạo các địa phương vận động người dân không tăng thêm diện tích sắn. Các ban, ngành chức năng trong tỉnh phối hợp ngăn chặn triệt để nạn phá rừng trồng sắn của nông dân.
Một cán bộ Sở NN&PTNT Nghệ An cho biết thêm: Vận động là một chuyện còn thực hiện hay không lại là chuyện của nông dân, điều này rất khó thực hiện, bởi 85% diện tích sắn do người dân tự trồng và quản lý. Do đó, chúng tôi không thể kiểm soát được việc bà con chuyển đổi cây trồng tự phát như hiện nay.
Trường Khuyên
.