Bấm Play để xem video. (Độc giả cần mở loa để nghe lời bình)
Căn nhà nhỏ của Hai Đặng nằm lọt thỏm giữa 2.000m2 vườn cam, bưởi rợp bóng mát ở ấp 3 xã An Hữu (Cái Bè, Tiền Giang), bề bộn sắt thép. Hai Đặng nói, anh có một xưởng sản xuất ở An Thái Trung, nhưng những mẫu kéo tỉa chủ yếu ra đời tại nhà, và vườn cam, bưởi chính là nơi thử nghiệm các sản phẩm do anh sáng chế.
Nhắc lại chuyện chế tạo ra chiếc kéo đa năng giúp nhà vườn hái trái cây an toàn, Hai Đặng cười xòa: “Chiếc kéo đầu tiên tui xài chưa đầy tuần lễ thì một chủ vườn đến xem rồi nhất quyết đòi mua cho bằng được. Bán chiếc kéo giá 50.000 đồng, tui mua làm chiếc khác, mang về vừa tới nhà lại có người đến hỏi mua. Nhiều lần như vậy, tui bàn với vợ gom góp tiền, vay thêm vốn mua đồ nghề về… sản xuất kéo, sản phẩm làm ra bao nhiêu bán hết sạch bấy nhiêu”.
Kéo đa năng
Hai Đặng dẫn tôi vô “xưởng sản xuất” nằm ở một góc sân, xem hàng chục chiếc kéo đủ loại vừa ra lò. Chiếc kéo hái trái cây là một ống sắt tròn rỗng ruột dài 2,5m, một đầu có hai lưỡi kéo bén bằng thép và một chiếc kẹp sắt gắn song song; một đầu là tay cầm để điều khiển lưỡi kéo đóng, mở, nối với nhau bằng một thanh sắt có gắn lò xo chịu lực. Người sử dụng chỉ cần đưa lưỡi kéo vào cuống trái cây, bóp tay cầm, lưỡi thép vừa cắt ngọt cuống trái thì bộ kẹp lập tức giữ chặt cuống, không để trái rơi xuống đất.
“Lưỡi kéo cắt được cuống trái, cành cây có đường kính 10mm, khi không dùng để hái trái, nhà vườn chỉ cần vặn hai con ốc gỡ bộ kẹp sắt ra, trở thành cây kéo tỉa cành”, Hai Đặng giải thích. Lần nọ, một nhà vườn sau khi mua chiếc kéo hái trái của Hai Đặng mang về được vài hôm thì vác trở lại xưởng, cho biết những trái chín dễ rụng cuống như mãng cầu, xoài không thể hái được vì kéo chỉ giữ được cuống, trái thì…rơi xuống đất giập nát. Ông chủ vườn này ra điều kiện với Hai Đặng: làm sao để kéo hái được trái chín, bao nhiêu tiền cũng mua. Hai Đặng nghĩ ra cách “khắc phục nhược điểm”: gắn một chiếc túi vải có miệng là một vòng sắt chắc chắn thay thế chiếc kẹp, khi lưỡi kéo cắt cuống trái thì trái chín rơi vào túi vải.
Cũng chính Hai Đặng là người sáng chế ra dụng cụ bao trái cây phòng ngừa côn trùng gây hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đang được nhà vườn các tỉnh miền Tây sử dụng rộng rãi. Hai Đặng kể, khi miền Tây rộ lên chuyện sản xuất trái cây an toàn để xuất khẩu, một người bạn công tác trong ngành nông nghiệp tìm đến nhà, gợi ý anh nghĩ cách chế tạo dụng cụ bao trái.
Nhà sáng chế chân đất
Năm 2007 dụng cụ bao trái của Hai Đặng được cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền sáng chế. Chiếc kéo đa năng của Hai Đặng cũng được cục Sở hữu trí tuệ (bộ Khoa học công nghệ) cấp giấy chứng nhận độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Mỗi năm, Hai Đặng bán cho nhà vườn miền Tây, miền Đông Nam bộ hơn 10.000 chiếc kéo đa năng với giá gần 100.000 đồng/chiếc. |
Khi những cây kéo đa năng và dụng cụ bao trái của Hai Đặng nổi tiếng trên thị trường, nhiều người lầm tưởng anh chí ít cũng là kỹ sư. Nhưng Hai Đặng chỉ là một anh nông dân chính hiệu, từng lăn lộn tối mắt tối mũi với ruộng, vườn; từng làm thuê đủ nghề để kiếm sống. Giờ Hai Đặng vừa chăm sóc 2.000 m2 vườn, vừa làm đủ thứ nghề: thợ mộc, sửa máy thuê, chạy xe lôi… để nuôi vợ, nuôi con. Nhưng cái máu sáng chế trong anh vẫn âm ỉ, nên lúc phát hiện nhà vườn miền Tây chật vật thu hoạch trái cây, nguy cơ té gãy, tay gãy chân luôn rình rập thì anh lao vào nghiên cứu chế tạo chiếc kéo hái trái.
Hai Đặng khoe một mẫu kéo mới để tỉa cành cao su mà anh chuẩn bị sản xuất hàng loạt để tung ra thị trường miền Đông Nam bộ, Tây nguyên. “Tui đã quen hình dung ra kiểu dáng, tưởng tượng nguyên lý hoạt động trong đầu rồi vẽ mẫu trên bìa các-tông,”. Hai Đặng cho biết. Anh cũng đang thử nghiệm một dàn nâng người hái trái cây trên cao và tìm cách chế ra chiếc máy nhổ khoai mì với hy vọng nông dân ngoài miền Đông thoát cảnh nhổ khoai bằng tay, cực nhọc mà năng suất làm việc không cao.
Trên đường đưa tôi ra quốc lộ, Hai Đặng tâm sự: “Mấy năm gần đây các mẫu kéo của tui bị thiên hạ ăn cắp dữ quá. Họ ăn cắp mẫu của mình đã đành, nhưng sản xuất hàng kém chất lượng, nhà vườn mua về xài không được, lại mang đến bắt đền mình, thiệt buồn”.
T.H
.