Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201301/25905-nguoi-thoi-hon-cho-lang-nghe-ra-bien-lon-392817/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201301/25905-nguoi-thoi-hon-cho-lang-nghe-ra-bien-lon-392817/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người thổi hồn cho làng nghề ra biển lớn - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 30/01/2013, 08:07 [GMT+7]
25905

Người thổi hồn cho làng nghề ra biển lớn

Thái Lộc là vùng đất có truyền thống về nghề đan lát mây tre đan. Ngoài làm nông, người dân thu nhập chủ yếu từ những mặt hàng này. Tuy nhiên, đã có thời kỳ nghề truyền thống mây tre đan tại đây có dấu hiệu bị mai một, chìm vào quên lãng.
 
Sau bao đêm trăn trở, ông Nguyễn Văn Lưu - một “nghệ nhân” có đôi bàn tay vàng, tâm huyết với nghề đã vực dậy đưa làng nghề tại quê hương mình ngày một phát triển đi lên, khẳng định được thương hiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.
 
Ngồi trước mặt tôi là ông Nguyễn Văn Lưu, với cái tuổi ngoại lục tuần nhưng gương mặt ông vẫn sắc sảo, nét mặt nhân từ. Ông đưa mắt nhìn về phương Nam, nơi ấy đối với ông biết bao kỷ niệm một thời của người lính chiến.
 
Giọng ông chùng xuống cảm động: Năm 1968, ông có mặt tại mặt trận Quảng Trị vô cùng ác liệt và bị thương nặng. Đất nước hòa bình, ông trở về quê hương làng Thái Lộc, xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc. Người thương binh loại 4 Nguyễn Văn Lưu ứa nước mắt nhìn quê hương loang lổ bởi những tàn dư của chiến tranh do bị bom Mỹ cày xới. Và thời kỳ đó miền quê này nghèo lắm, tất cả dồn sức cho tiền tuyến miền Nam.
 
Sản phẩm mây tre đan của Công ty Hoàn Khánh đã khẳng định được thương hiệu
trên thị trường trong và ngoài nước
 
Quê hương ông, vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã ngập úng, chưa nắng đã hạn, đời sống người dân lại càng khó khăn bội phần. Ông Lưu nhiều đêm không ngủ, phần do vết thương nhức nhối phía chân phải, phần trăn trở làm sao cho bà con, anh em và ngay cả gia đình ông có cuộc sống khá lên.
 
Ông nhớ lại, bố ông đã qua đời cách đây hơn 40 năm. Cụ đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho con cháu nghề đan lát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan để kiếm sống ngoài nghề nông nghiệp. Mới 12 tuổi, ông Lưu đã được bố dạy nghề đan lát, các sản phẩm như chao đèn, khay đựng hoa quả bằng tre, rồi đem mặt hàng này lên chợ Vinh bán lấy tiền nuôi các con ăn học. Sau nhiều ngày, lục lại trí nhớ, ông bắt đầu đi tìm nguồn nguyên liệu và làm thử nghề đan ngày trước.
 
Ông đem những sản phẩm vừa làm xong, lên chào bán cho Công ty mỹ nghệ xuất khẩu và được chấp nhận đặt hàng với số lượng lớn. Ông về nhà vận động những gia đình xung quanh rồi dần dần cả làng Thái Lộc cùng làm. Đó là những lô hàng mây tre đan của bà con xuất khẩu sang Châu Âu và được bạn hàng ưa thích mua với số lượng lớn trong nhiều năm. Nhưng do tình hình Châu Âu có biến động, các nước không lấy hàng nữa nên nghề đan lát ở quê hương này lại bị lãng quên.
 
Đến năm 2000, thời kỳ đất nước bắt đầu hội nhập quốc tế, ông Lưu lại cơm đùm cơm nắm đi tìm nguồn nguyên liệu và tìm các mối xuất khẩu hàng mây tre đan sang một số nước như Nhật Bản, Pháp, Anh, Úc… Tìm được thị trường, ông lại khâu nối bà con lối xóm trở lại nghề mây tre đan xuất khẩu.
 
“Nghệ nhân” Nguyễn Văn Lưu là người giữ hồn làng nghề mây tre đan xuất khẩu
xã Nghi Thái
Những ngày đầu năm 2013, chúng tôi đến gia đình, ông mời chúng tôi vào xem lô hàng chuẩn bị xuất sang Nhật Bản với số lượng khá lớn. Những gian hàng đầy ắp các loại đồ dùng được đan bằng tre, như chao đèn, khay đựng hoa quả với nhiều mẫu mã như hình quả cam, có nắp đậy, có chiếc lá xinh xinh hài hòa nét hoa văn dân tộc Việt. Ông kể: Làm hàng cho người Nhật được giá, nhưng họ khắt khe lắm.
 
Ví như họ muốn đặt hàng đan đồ dùng gia đình bằng màu cánh gián, nhưng không được nhuộm hóa chất, mà phải dùng rơm đốt lên, đưa sản phẩm hun lên khói lúc nào ngả màu cánh gián là được. Đây là việc làm rất khó, chỉ cần quá nhiệt độ hoặc quá thời gian tính bằng phút đồng hồ là sản phẩm biến sang màu khác, vậy là hỏng phải tiêu hủy sản phẩm. Hoặc khách hàng đặt màu vàng chanh, cũng không được nhuộm hóa chất mà phải phơi qua nhiệt độ của ánh nắng.
 
Nắng to quá, nhiệt độ lớn sản phẩm cũng biến màu, thế là đi đứt, hàng đó cũng bị vứt bỏ. Đã có không ít đơn vị chuyển hàng qua nước ngoài, chỉ cần không được 100% ngoại hình và màu sắc không đúng theo mẫu mã đã ký trong hợp đồng là cả lô hàng trị giá hàng trăm triệu đồng phải đổ xuống biển. Bởi vì không tái xuất trở lại được. Mà có mang được về cũng chẳng bán đi đâu được. Làm hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu phải chính xác gần như
 
tuyệt đối theo mẫu mã khi chào hàng. Đối với người thương binh Nguyễn Văn Lưu, ông như được trời ban cho giác quan đặc biệt, ông nhìn qua sản phẩm đang thời kỳ cho lên màu, ông nhận biết ngay còn mấy khắc nữa là sản phẩm cho màu chuẩn, lô hàng nào có ông để mắt tới là vừa đẹp vừa đạt thị hiếu của khách, chính xác như mẫu đối tác đặt hàng. Nhiều người nói rằng, ông đã trở thành nghệ nhân từ lúc 17 tuổi về nghề mây tre đan xuất khẩu của làng, của xã rồi.
 
Nghề đan lát hàng xuất khẩu trong nhiều năm nay đã trở thành nghề chính của bà con trong làng, mang lại kinh tế khấm khá cho bà con. Bởi vậy, một số con em đi làm ăn xa tại Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh được một thời gian, nhận thấy thu nhập thấp đã trở về quê làm nghề đan lát mây tre đan xuất khẩu.
 
Ông Lưu có người con trai út là Nguyễn Văn Hoàn học trường Công nghiệp chế tạo ôtô tại Hà Nội, không thích làm nghề nơi phố phường đông đúc đã trở về quê làm nghề đan xuất khẩu. Được sự giúp đỡ của bố, anh đã thành lập Công ty mây tre đan xuất khẩu Hoàn Khánh chuyên xuất khẩu hàng mây tre đan qua các nước tư bản.
 
Đã có tới 80% người dân trong và ngoài xã làm hàng cho Công ty Hoàn Khánh, với mức thu nhập từ 3 triệu đến 4 triệu đồng/người/tháng. Anh Nguyễn Văn Hoàn tâm sự: Công ty phải tạo điều kiện cho bà con ứng tiền trước, rồi phải cho kỹ thuật hướng dẫn tận tình để bà con có thể nâng cao tay nghề đan lát được bất cứ mẫu mã nào. Cũng khó đó các anh chị ạ. Bởi nghề đan lát này, chỉ bằng đôi tay, chiếc dao và con mắt tinh tường là hái ra tiền.
 
Nhưng cũng có rủi ro, do phía khách hàng mang lại. Như việc ký hợp đồng với các Công ty Trung Quốc rất phức tạp. Họ không cầu kỳ về chất lượng, nhưng khó hiểu là các lô hàng khoảng 2.000 đến 3.000 chiếc họ nhận ngay, thanh toán sòng phẳng. Nhưng đến khi lô hàng lên tới khoảng 10 vạn chiếc họ bỗng trở quẻ đơn phương cắt hợp đồng không nhận mua nữa, vậy là vô hình chung họ giết chết công ty đối tác.
 
Đành phải cắt đứt hợp đồng làm ăn với các công ty phía Trung Quốc. Làng Thái Lộc, nhiều nhà cả gia đình đều làm hàng đan lát xuất khẩu, trẻ em, người già và thanh niên trai tráng đều làm rất giỏi. Ở miền quê này, có nhiều em học sinh mới 12 tuổi đã đan lát như thợ lành nghề, Thái Lộc trở thành làng nghề truyền thống của huyện Nghi Lộc. Nhờ nghề mây tre đan xuất khẩu mà bộ mặt nông thôn mới khởi sắc, nhiều gia đình trở nên giàu có.
 
Bà Phan Thị Hoa một người đan lát giỏi chia sẻ: Dân chúng tôi ai cũng nhớ tới công lao đưa lại nghề đan lát xuất khẩu của thương binh Nguyễn Văn Lưu - anh bộ đội cụ Hồ. Ông Lưu nay là người già của làng, được người dân quý trọng và cảm phục với tính sáng tạo và kiên trì, đã vực dậy làng nghề Thái Lộc những lúc khó khăn nhất.
 
Nghệ nhân đan lát Nguyễn Văn Lưu nói giọng phấn chấn: Đầu năm 2013, Công ty Hoàn Khánh đã xuất khẩu một lô hàng qua Nhật Bản có giá trị kha khá, mà nói đúng hơn là người dân làng Thái Lộc đã được “người Nhật xông đất”.
 
Dân chúng ăn Tết ngon hơn, vui hơn khi có đồng đô la rủng rỉnh. Dự đoán năm 2013, mặc dù suy thoái kinh tế toàn cầu, làng Thái Lộc vẫn phát triển hàng xuất khẩu và sẽ có lợi nhuận lớn hơn năm 2012 hàng tỷ đồng. Chúng tôi sẽ đầu tư thêm để phát triển rộng hơn, bền vững hơn nghề đan lát xuất khẩu ra thị trường thế giới, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Lê Hoa
.