Vào bất cứ nhà nào trong xã cũng bắt gặp cảnh người dân đang chẻ củi, đắp lò, tất bật nấu rượu để phục vụ dịp Tết. Với vùng đất được mệnh danh là “đất rượu xứ Nghệ ” này, Tết dường như đến sớm hơn nơi nào hết.
Cả làng nấu rượu Tết
Cách trung tâm TP Vinh gần 5km, xã Nghi Ân là một vùng đất cát nằm dọc theo đường 46 đi Cửa Lò. Vùng quê thuần nông và bình dị này lại sản sinh cho đời một thứ “đặc sản” rượu nếp thơm ngon nức tiếng khắp Nghệ An.
Rượu Nghi Ân là rượu nếp nguyên chất được nấu theo phương pháp thủ công truyền thống. Cả xã có 14 xóm thì xóm nào cũng nấu được rượu nếp ngon, hầu hết nhà nào ở đây cũng đều có một bộ nồi nấu rượu. Ngày bình thường, toàn xã cũng có khoảng 40 hộ chuyên nấu rượu để bán. Còn dịp Tết đến thì hầu như nhà nào cũng tự nấu rượu để dùng.
Chúng tôi ghé vào nhà anh Kiên (xóm 8, Nghi Ân), một trong những hộ chuyên nấu rượu để bán. Đang là dịp cao điểm của mùa nấu rượu nên bếp nhà anh lúc nào cũng đỏ lửa. Vừa đong rượu vào can, anh chia sẻ: “Ngày bình thường thì nấu 2 nồi rượu được khoảng 18 lít để bán lẻ và nhập cho các quán nhậu. Nhưng dịp sát Tết nhu cầu tăng cao nên tôi phải nấu tới 3 - 4 nồi được khoảng 35 lít. Nấu được bao nhiêu là gọi họ tới lấy chứ không phải đi nhập nữa”.
Trong lúc trò chuyện anh cũng không quên rót mời chúng tôi chén rượu “đặc sản” mới nấu. Nhìn chén rượu mới rót có dòng bọt tăm cứ sủi lên, anh giải thích: “Người dân nơi đây vẫn gọi là rượu “sôi tăm mắt cua” một dấu hiệu để nhận biết rượu ngon”.
Đặc trưng của rượu nếp Nghi Ân là thơm nồng, uống có vị ngọt nhẹ và có nồng độ khá cao từ 45 - 50 độ nhưng uống nhiều cũng không nhức đầu. Càng uống càng ngon làm cho khách say khi nào không hay.
Vào Nghi Ân, nhà nào cũng dang tất bật nấu rượu phục vụ Tết
Tới nhà chị Ngọc (ở xóm 5) cũng là hộ nấu rượu thuộc dạng “nhà nghề”. Chị cho biết, cả tháng nay thời tiết lạnh quá, rất khó nấu rượu nên đang lo không đủ hàng giao cho khách. Mùa này lại là mùa cưới nên lượng rượu tiêu thụ tăng cao. Chị nấu rượu tích trữ liên tục từ đầu tháng 11 mà giờ vẫn lo cháy hàng.
Dạo một vòng qua các xóm trong xã, chúng tôi bắt gặp nhiều nhất là cảnh chuẩn bị xoong nồi, thùng, lu, đồ nấu rượu. Nhà thì đắp lò, nhà thì nấu rượu. Một không khí rất tấp nập và rộn ràng của làng rượu mùa Tết đến.
Tính ra trung bình mỗi ngày các hộ chuyên nấu rượu để kinh doanh ở Nghi Ân cung cấp cho trị trường hơn 1.200 lít rượu, đó là chưa kể tới các hộ dân tự nấu để dùng trong gia đình. Giá rượu hiện nay là 30 ngàn đồng/lít, nhưng đến dịp Tết có thể lên đến 35 ngàn đồng/lít. Bên cạnh bán rượu, người dân còn tận dụng bã rượu để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghề nấu rượu ở Nghi Ân thực sự mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân.
Chưa biết tới Nghị định 94
Nghị định (NĐ) số 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ về sản xuất, kinh doanh rượu quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công bán ra thị trường phải có giấy phép sản xuất, trên sản phẩm có dán nhãn, bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu, để chế biến lại rượu phải đăng ký với UBND cấp xã nơi sản xuất; khi vận chuyển đến nơi tiêu thụ, người nấu rượu cần xuất trình hợp đồng mua bán rượu với doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu cho các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp bị kiểm tra.
Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2013, nhưng khi hỏi người dân ở “đất rượu” thì hầu hết đều không biết đến quy định này. Anh Kiên cho biết: “Thực sự tôi cũng chưa nghe về nghị định này, cũng chưa thấy chính quyền có hướng dẫn gì về việc đăng ký sản xuất cả. Nghề này là nghề truyền thống lâu đời, chúng tôi nấu rượu thì chất lượng luôn đảm bảo, người tiêu dùng thấy ngon thì đến mua thôi”.
Rượu Nghi Ân thơm, ngon nức tiếng nhưng vẫn chỉ là thương hiệu truyền miệng: rượu “nút lá chuối”, rượu “nếp”, “nước mắt quê hương”. Còn nhãn mác, thương hiệu về mặt pháp lý thì chưa hề có. Rượu ở đây vẫn được sản xuất, kinh doanh kiểu nhỏ lẻ, tự phát. Thị trường tiêu thụ rượu Nghi Ân chủ yếu là TP Vinh, Hà Tĩnh và các huyện lân cận. Rượu được nhập cho các mối quen, các quán nhậu, nhà hàng và bán lẻ tại nhà.
Điều mà người dân “đất rượu” nơi đây mong mỏi nhất là các ban, ngành liên quan cần có hướng dẫn cụ thể trong việc đăng ký sản xuất, ngoài ra cần tạo điều kiện để xây dựng cho loại “đặc sản quê hương” cái thương hiệu mang tính pháp lý. Để từ đó có thể mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất, kinh doanh và quảng bá rượu nếp ra khắp nơi.
Tết Nguyên đán đang đến gần, những mẻ rượu thơm ngon nhất lại được người dân Nghi Ân nấu để cung cấp cho thị trường. Hương vị say nồng của rượu như hòa quyện vào hương sắc Xuân làm cho không khí Tết càng rộn ràng và ấm áp hơn bao giờ hết.
Bạch Long
.