Ông Bình nói như trên tại cuộc tọa đàm “Triển vọng viễn thông 2013” được Câu lạc bộ Nhà báo công nghệ thông tin tổ chức vào ngày 27-12 tại Hà Nội.
Sở dĩ ông Bình nói như vậy bởi Công ty Viễn thông FPT – một thành viên trong tập đoàn FPT – cũng là một trong những doanh nghiệp viễn thông (cùng với Viettel, AVG, VNPT) đang nộp đơn lên Bộ Thông tin và Truyền thông xin cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, nhưng chưa doanh nghiệp nào được chấp thuận.
Ông Bình cho rằng, kinh doanh dịch vụ di động cũng như internet và truyền hình trả tiền bản chất đều là những doanh nghiệp hạ tầng viễn thông. Thị trường internet, nhà nước đã mở cửa cho mọi thành phần tham gia và phát triển tốt. Lĩnh vực di động đã làm tốt nhưng hơi thiếu vai trò của tư nhân. Còn hiện thị trường truyền hình trả tiền nói chung, truyền hình cáp nói riêng thì chưa mở cửa cho mọi thành phần tham gia.
Truyền hình trả tiền là đích ngắm của nhiều doanh nghiệp viễn thông
Vẫn theo ông Bình, phát triển truyền hình trước đây và hiện nay khác nhau. Trước là truyền hình analog phát xem miễn phí. Giờ là xu hướng sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền được cung cấp trên hạ tầng của mạng viễn thông. Nếu không cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình cáp sẽ lãng phí đầu tư của xã hội.
Cũng nói về điều này tại tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Mai Liêm Trực cho rằng, khi thị trường viễn thông đã bão hòa thì các nhà cung cấp dịch vụ hướng đến các dịch vụ mới như cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trên hạ tầng viễn thông là hợp lý.
Trước ý kiến của ông Bình, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông Lê Nam Thắng cũng cho rằng truyền hình giờ đã khác xưa. Trước năm 2010, truyền hình vẫn được coi là lĩnh vực báo chí, và đơn vị nào làm truyền hình thì làm luôn cả hạ tầng truyền dẫn của truyền hình. Nhưng sau khi quy hoạch truyền dẫn – phát sóng phát thanh truyền hình ra đời, đã coi hạ tầng truyền dẫn cho truyền hình là hạ tầng viễn thông, còn nội dung truyền hình mới coi là lĩnh vực báo chí. Sở dĩ có chính sách tách giữa nội dung và hạ tầng như vậy là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hạ tầng tham gia truyền dẫn nội dung truyền hình.
“Quan điểm của Bộ Thông tin Truyền thông, hạ tầng truyền hình là hạ tầng viễn thông, không phải lĩnh vực báo chí nên mọi doanh nghiệp đều được tham gia. Hiện nay xu hướng hội tụ (trên di động cũng có ti vi, trên mạng internet cũng có truyền hình…) nên khó phân biệt hạ tầng truyền hình với hạ tầng viễn thông”, ông Thắng nói.
Cách đây ba ngày, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng đã đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông sớm cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel. Bởi Viettel đã nộp đơn xin cấp phép từ tháng 2 mà tới nay vẫn chưa được cấp phép.