Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201212/25115-mua-ve-tau-tet-lep-ve-truoc-co-393444/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201212/25115-mua-ve-tau-tet-lep-ve-truoc-co-393444/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Mua vé tàu Tết: “lép vế” trước 'cò' - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 26/12/2012, 17:00 [GMT+7]
25115

Mua vé tàu Tết: “lép vế” trước 'cò'

Nhiều người đã chấp nhận túc trực tại phòng đợi nhà ga, bến xe từ lúc 2 - 3 giờ sáng để mua vé, nhưng không phải ai cũng được đáp ứng nhu cầu.
 
Tại Ga Vinh, việc bán vé đi tàu vào dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ (2013) cho hành khách đã được nhà ga thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Tết năm nay, mỗi ngày ga Vinh được ngành đường sắt phân công bán ra 600 vé tàu, trong đó 500 vé được bán tại Ga Vinh, 100 vé bán tại các ga khác ở Hà Tĩnh. Sáng 22/12/2012, Ga Vinh đã tổ chức ngày bán vé đầu tiên cho hành khách đi tàu Tết.
 
Từ lúc 3 giờ sáng, khi bầu trời thành phố Vinh còn tối đen, tại sân Ga Vinh đã có hơn 600 người tập trung xếp hàng, đợi đến sáng để nhận tích kê (số thứ tự của hành khách) để mua vé. Năm nay, hành khách mua vé tàu ở Ga Vinh đã có sự thay đổi so với năm trước, người đến mua vé không cần phải trình chứng minh nhân dân, chỉ cần có tích kê và chờ đến lượt mua vé.
 
Hàng trăm người chen lấn để mua vé tàu Tết ở Ga Vinh
 
Quy trình bán vé được thực hiện như sau: Người mua vé xếp hàng để nhận tích kê, sau đó ngồi chờ đến lượt được gọi tên vào phòng xác nhận thông tin mua vé như: Ngày, giờ đi tàu, số hiệu tàu, số ghế… mỗi tích kê khách hàng sẽ được mua hai vé tàu Tết.
 
Khi có đầy đủ thông tin cần thiết về chiếc vé của mình và đã có xác nhận của nhân viên nhà ga, người mua vé đến quầy bán vé nộp tiền và lấy vé. Quy trình bán vé rạch ròi là vậy, nhưng thực trạng việc bán vé và xác nhận tích kê cho người mua vé trong ngày đầu ở Ga Vinh lại diễn ra hết sức lộn xộn.
 
Người có số tích kê trước thì chưa mua được vé, người có số tích kê sau lại mua được vé sớm hơn, vì vậy đã dẫn đến cảnh tượng chen lấn, xô đẩy, nhiều người tỏ ra bức xúc và có những lời lẽ không hay trước cửa phòng vé.
 
Bác Thành quê ở Nam Đàn, xuống Ga Vinh từ lúc 3 giờ sáng chờ mua vé tàu chia sẻ: Bác đi mua vé cho con ra Tết vào Sài Gòn học, cháu nó đi xe ôtô bị say nên phải chờ mua vé tàu, nhận được tích kê số 154 mà chờ mãi không thấy họ gọi đến lượt mình, trong khi có mấy người số tích kê trên 200 đã lấy vé về rồi. Cứ đà này chờ đến lượt mình không biết còn mua được vé đúng ngày cho con đi học không nữa?
 
 
Theo quan sát của chúng tôi, tại phòng xác nhận tích kê trong buổi sáng đầu tiên bán vé, nhiều nhân viên các bộ phận khác nhau trong Ga Vinh đều ra vào phòng bán vé một cách tự do và kèm theo “tích kê” mua vé tàu trên tay.
 
Khoảng 10 giờ 40 phút, một nhân viên nữ mặc chiếc áo màu xanh da trời (đồng phục nhà ga) cầm trên tay số tích kê 174 trực tiếp vào phòng để nhân viên xác nhận thông tin mua vé, trong khi việc gọi số thứ tự theo tích kê mới đến số 110.
 
Trường hợp khác, một nhân viên nam của nhà ga cầm trên tay 2 - 3 tích kê, sau khi xác nhận lại thông tin người này liền chuyển số tích kê trên cho một thanh niên khác đang đợi sẵn ngoài cửa…
 
Đến 10 giờ 46 phút cùng ngày, nhân viên phòng vé thông báo với khách hàng đã hết vé tàu đi Sài Gòn từ ngày 15/2 - 19/2/2013, trong khi số tích kê mà nhân viên gọi theo thứ tự lúc này mới đến số 127?
 
Trước thực trạng bất thường tại phòng bán vé, chúng tôi đã phản ánh trực tiếp với người có trách nhiệm ở Ga Vinh, ông Nguyễn Đình Thanh - Phó phòng kế hoạch, kỹ thuật Ga Vinh khẳng định: Sáng sớm ngày 22/12/2012 có hơn 600 người chờ lấy tích kê, nhưng 70% số người xếp hàng này đều do “cò vé” thuê người lao động xung quanh khu vực ga đến lấy tích kê mua vé đầu cơ. Nếu bán vé theo số tích kê đã được phát ra thì hầu hết vé tàu sẽ rơi vào tay “cò vé”, những đối tượng này chúng tôi đã quen mặt.
 
Vì vậy, từ ngày 23/12/2012 trở đi, chúng tôi đã thay đổi hình thức bán vé, bằng cách xác nhận lại thông tin người mua vé thông qua các loại giấy tờ tùy thân. Ngoài ra, những trường hợp người mua vé thường trú tại các khu vực lân cận ga Vinh chúng tôi sẽ tiến hành điều tra kỹ hơn để bán vé đúng đối tượng, bảo đảm quyền lợi cho hành khách.
 
Mặt khác, chúng tôi sẽ cho hành khách đăng ký mua vé tàu qua điện thoại, sau đó cho nhân viên nhà ga mang vé về các huyện giao vé cho khách hàng.
 
Tuy nhiên, mặc dù Ga Vinh đã có sự đổi thay trong cách bán vé tàu Tết, nhưng nhìn chung vẫn chưa thể chấm dứt được tình trạng “vé chợ đen”. Trong vai một người muốn mua vé tàu vào Sài Gòn vào ngày 6 và ngày 8 Tết (đây là hai ngày khó mua vé nhất), chúng tôi đã tiếp cận với một người phụ nữ trước cổng Ga Vinh.
 
Người này khẳng định, muốn mua vé tàu đi ngày nào cũng được, nhưng phải thêm tiền ngoài giá gốc của vé. Cụ thể chiếc vé ngồi cứng vào Sài Gòn có giá bán là hơn 800 ngàn, nhưng khi mua lại sẽ có giá 1,1 triệu/vé.
 
 
Theo ông Trần Việt Dũng - Phó Ga Vinh cho biết: Dịp Tết này mỗi ngày chúng tôi có một đôi tàu, xuất phát từ Ga Vinh là SE11 và SE16, đáp ứng cho hơn 600 hành khách vào miền Nam. Tuy nhiên, do tâm lý hành khách thường chọn ngày chẵn, đẹp để trở lại cơ quan đơn vị nên vào những ngày đó thường xảy ra tình trạng thiếu vé phục vụ hành khách.
 
Dịp này, chúng tôi chưa thể tung ra tất cả số lượng vé mà phải giữ lại một cơ số vé để bán vào giữa tháng 1/2013, nhằm mục đích phục vụ cho những hành khách đang làm ăn ở miền Nam chưa có mặt ở Vinh để mua vé. Về tình trạng “phe vé”, “cò vé” thì hiện chúng tôi chưa có biện pháp nào chống đỡ hữu hiệu…
 
Hiện nay, việc cải tiến bán vé tàu, vé xe dịp Tết Nguyên đán hàng năm qua mạng internet, tin nhắn điện thoại, phát tích kê… ở các nhà ga, bến xe vẫn còn tồn tại nhiều kẽ hở nên “vé chợ đen” vẫn tiếp tục hoạt động.
 
Thiết nghĩ, ngành vận tải đường sắt và các ngành chức năng liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ; đổi mới phương thức bán vé và có chế tài xử lý tình trạng đầu cơ, phe vé đã kéo dài nhiều năm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho hành khách đi tàu.

Trần Đức Thắng
.