Công nghệ " thuốc chết người" làm "rượu siêu tốc"
Đã có rất nhiều gia đình ở xã Tam Đa, một địa chỉ rượu nổi tiếng ở Bắc Ninh thay chưng cất rượu từ phương pháp cổ truyền bằng công thức "siêu tốc": nước lã + cồn + hương liệu = rượu. Bất kể ai ở đây cũng có thể kể vanh vách ra công thức chết người này. Với nhiều cán bộ địa phương đây là việc làm rõ như ban ngày, chẳng còn gì để bàn cãi. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lai, Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa ngao ngán: "Số lượng rượu độc được làm ra ở làng này lên tới hàng tỉ lít xuất ra thị trường cũng chả chơi".
Nhóm PV đã có mặt tại thôn Đại Lâm, xã Tam Đa - nơi được coi là "hũ rượu phía Bắc" để tận mắt xem công nghệ làm rượu siêu tốc ở đây như thế nào. Khúc sông Cầu thơ mộng chạy qua làng Đại Lâm giờ chẳng còn "nước chảy lơ thơ" nữa mà nó ngập ngụa rác thải từ các lò nấu rượu, trang trại nuôi lợn của các hộ dân.
Đường vào Đại Lâm vô cùng hầm hố theo đúng nghĩa đen. Ngày ngày con đường quê này bị quần nát bằng hàng trăm chiếc xe tải đến lấy hàng (chủ yếu đến lấy rượu). Chỉ 1 chiếc xe máy dừng đỗ cũng đủ tắc đường. Ba bề bốn bên đều là những chiếc xe tải chở phuy rượu, mỗi cái chừng 200- 300 lít. Những kẻ lạ mặt như chúng tôi thì cực kỳ khó mua rượu ở đây.
Với ý định mua vài lít về uống thì bị các chủ hàng đuổi đi đây đẩy mặc dù tại gia đình họ đang có những chiếc xe tải vào tận nhà bơm rượu lên thùng. Một vị cao niên đã nhiều năm nấu rượu bằng phương pháp chưng cất cổ truyền chia sẻ: "Ở đây sản xuất rượu nhưng người làng tuyệt nhiên không uống. Rượu ở đây chủ yếu đổ về khu Tả Thanh Oai- Thanh Trì - Hà Nội".
Những thùng phuy dùng để chứa nước lã và cồn. |
Chúng tôi may mắn được trò chuyện với ông Nguyễn Văn Lai, người gốc làng Đại Lâm - người vừa được nhận giải nhì toàn quốc trong cuộc thi trình diễn nấu rượu các làng nghề truyền thống tại triển lãm Vân Hồ. Ông buồn bã chia sẻ: "Đâu còn nồi đồng, ống vòi vắt vẻo, củi lửa tưng bừng nữa. Đau một nỗi vừa nhận được giải thì truyền hình đưa 1 phóng sự về làng Đại Lâm chuyên làm rượu bẩn, cồn pha nước lã thành rượu. Chả phải những người làm rượu thật cũng như danh tiếng làng Đại Lâm bị tiếng oan ư?".
Chính những nghệ nhân có tuổi cũng không thể biết từ khi nào và ai nghĩ ra "công nghệ" pha chế loại rượu cồn này. Bí quyết nấu rượu ngon trước đây bí mật thế nào thì nay bất kỳ người dân trong làng đều có thể thuộc làu cách pha chế rượu cồn. Rồi họ còn thông thuộc giá cả, công dụng, chủng loại của các loại cồn. Từ cồn Quảng Ngãi (của Nhà máy Mía đường Quảng Ngãi), cồn Lam Sơn (Công ty mía đường Lam Sơn)…
Như một hệ thống dây chuyền, cồn về tới làng là rượu được chuyển đi khắp cả nước. Điều đáng sợ một xe cồn có thể làm được 7 xe rượu. Đây chính là lý do tại sao người làng Đại Lâm không cưỡng lại được lợi nhuận từ rượu cồn.
Có một điều nghịch lý, số gia đình, lò nấu rượu giảm đi 9-10 nhưng lượng rượu xuất ra thị trường lại tăng lên hàng trăm lần.
Ống tre có tỷ trọng kế đo độ rượu sau khi đã pha chế. |
Với giá chỉ khoảng 7 nghìn đồng/lít. Một bô lão trong làng chua chát nói: "Có khi họ chẳng rửa qua thùng phuy, cắm máy bơm rồi xả nước lã vào, tống cồn đủ liều lượng, cho chất tạo bọt, khuấy đều, thả chút hương liệu rẻ tiền là xong. Chỉ 1 lát thôi là ô tô họ đến lấy…". Cứ như thế hàng nghìn lít rượu được bán cho các hàng ăn, quán cơm bình dân. Người tiêu dùng đa số bị lừa bởi hương vị nếp, pha thêm bột gạo cẩm, gạp nếp ủ đường.
Trong vai khách du lịch hỏi đường chúng tôi "bắt mối" được 2 phụ nữ đang tiến hành pha chế rượu. Cách pha chế của họ nhanh hơn 1 đầu bếp pha bát nước chấm. Nhanh nhẹn 2 người phụ nữ dùng chiếc cờ lê vặt nắp chiếc thùng cồn công nghiệp chừng 300 lít. Sau đó họ thay nhau dùng các ống tuy ô nhựa thả vào phuy cồn rồi hút sang phuy khác. Nước lã (cũng không biết nước sạch hay bẩn) được hút bằng máy bơm từ trong nhà ra.
Khi nước lã và cồn được pha và đảo từ phuy nọ sang phuy kia, 2 người đàn bà này liên tiếp dùng cây gậy gỗ thọc sâu vào từng phuy rồi khoắng. Một người phụ nữ chia sẻ: "Cứ 100 lít cồn thì cần pha thêm 200 lít nước. Cứ như thế 1 cồn, 2 nước sẽ thành 3 rượu. Nếu cần cho thêm vài lít rượu sắn và hương liệu (tùy từng mặt hàng) để lấy mùi, gọi là "rượu quê".
Lại vào vai người tìm mối hàng, chúng tôi được một bà chủ đon đả chia sẻ: Rượu nhà bà hàng ngày xuất đi Hà Nội, Hải Phòng lên tới cả nghìn lít. Bà chủ này cũng khuyên chân thành, không nên mua cồn về tự pha chế vì như thế sẽ tốn công và dễ mất "thương hiệu". Chị tự hào nói: "Cứ để chị pha, rồi gọi điện thoại chị chở đi cho. Chị chỉ lấy công làm lãi thôi. Đổ nước lã vào khuấy với cồn để làm rượu thì… vất vả lắm (?!)". Điều kinh ngạc nữa khi tiếp cận với bà chủ này chúng tôi biết được thêm những con buôn lấy hàng tại đây về còn pha chế thêm nước lã. Đến rượu độc người uống cũng không được dùng rượu độc chính hãng. Đúng là một câu chuyện cười ra nước mắt!
Sự độc ác vô cảm
Đến Đại Lâm hiện nay không thể phủ nhận đời sống nhân dân cải thiện lên trông thấy. Nhiều nhà cao tầng, phương tiện đi lại cũng hiện đại hơn… thế nhưng ai cũng biết sự phồn thịnh đó là do sự độc ác đến vô cảm của rất nhiều gia đình sản xuất rượu cồn. Và, thực tế đau đớn cũng đang hiện hữu ở đây. Nghề nấu rượu cổ truyền gần như đã bị "bôi nhọ", bị khốn đốn. Người già buồn bã, lớp trẻ mất nghề nấu rượu bỏ ra thành phố, vào khu công nghiệp bán sức lao động rẻ mạt. Làng Đại Lâm giầu có là thế nhưng nó thực như một bức tranh hỗn tạp, đầy rẫy những hình ảnh kinh hoàng và buồn bã.
Ông Vũ Đình Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đa cho biết: trước việc rượu cồn làm tai tiếng nghề truyền thống ở xã, nhiều lần bà con đã kiến nghị trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri của Hội đồng nhân dân là làm sao dẹp được rượu cồn!? Bản thân ông Minh thì cho rằng việc dẹp là vô cùng khó khăn vì nhà nước chưa có văn bản nào cấm pha cồn với nước rồi mang bán.
Hương liệu dùng để pha chế. |
Một cán bộ y tế xã Tam Đa trao đổi với chúng tôi cũng thừa nhận: trước dư luận bất bình về Đại Lâm có nhiều hộ sản xuất rượu cồn nhiều lần đã có đoàn cán bộ lấy mẫu xét nghiệm xem thực hư thế nào. Tuy vậy khi đoàn cán bộ vừa ra khỏi ủy ban thì đã có "gián điệp" thông báo cho các hộ làm rượu độc. Như thế là mẫu rượu mà cán bộ mang đi xét nghiêm toàn là nếp cái hoa vàng chính hiệu, thơm ngon.