Điển hình là: Cầu Phương Tiến 3, xã Tiền Phong, cầu treo bản Lằm xã Châu Thôn; cầu treo Quang Phong…, cầu treo xã Cắm Muộn từ khi xây dựng đến nay chưa được tu sửa bị hỏng nặng, các tấm gỗ qua cầu bị hỏng, thép bị han rỉ.
Là huyện miền núi, Quế Phong được quan tâm đầu tư hàng chục cây cầu treo, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Có cầu treo, người dân đi lại không lo mùa lũ, sản phẩm làm ra có thể đi bán hàng ngày, học sinh không phải nghỉ học vì nước lũ dâng cao…
Quả thực những cây cầu đã mang lại lợi ích to lớn cho các bản vùng sâu vùng xa. Nhưng niềm vui của người dân chưa trọn thì nguy cơ cầu bị xâm hại, mất an toàn gây lo lắng cho mọi người trong bản, trong xã.
Lan can cầu treo Châu Thôn đã bị trộm
Cầu treo Mường Nọc mới hoàn thành cách đây chưa đầy 3 năm. Đây là con đường duy nhất của bà con 4 bản Mướng Mừn, Bản Luống, Đỏn Chám, Na Ka của xã Mường Nọc có thể đi lại trao đổi hàng hóa, giao lưu với huyện.
Cầu được thiết kế rất đẹp và chắc ở nơi trọng yếu. Nhưng chưa đầy 3 năm có rất nhiều ốc, thanh sắt bị tháo dỡ, một số bộ phận như lan can, ốc vít giữ an toàn cho người qua lại hầu hết đã hỏng, thậm chí có nơi không còn lan can rất mất an toàn, nguy hiểm luôn rình rập mọi người nhất là mùa mưa bão.
Theo phản ánh của người dân thì nguyên nhân chính là do một số đối tượng xấu tháo dỡ ốc vít vào ban đêm, để bán sắt vụn hoặc phục vụ cho mục đích cá nhân.
Ông Lương Thanh Xuân - Bí thư Chi bộ bản Luống xã Mường Nọc cho biết: “Hiện nay, cầu đang hư hỏng rất nặng, đầu cầu hẹp, khó khăn cho người đi lại, cũng mong cấp trên có thể hỗ trợ và sửa chữa cầu cho chúng tôi”.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu hết các đối tượng phá cầu đều là đối tượng nghiện không có tiền mua ma túy nên phá cầu bán lấy tiền. Các đối tượng này thường hoạt động về đêm, vì vậy lực lượng chức năng khó phát hiện.
|
Kiểm tra mức độ hư hỏng
của cầu treo
|
Ông Quang Văn Toản - Chủ tịch UBND xã Mường Nọc, chia sẻ với chúng tôi: “Trong quá trình sử dụng do cầu treo ở cách xa dân, nên các đối tượng thanh niên hay tụ tập 2 bên đầu cầu, thường xuyên đập phá gây hư hại đến cầu treo, như bẻ que sắt ngang, rút một số ván, ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu sử dụng qua lại của nhân dân, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay”.
Những cây cầu treo thật hữu ích cho người dân, cứ nghĩ việc bảo vệ sẽ rất thuận lợi nhưng thực ra không hề đơn giản. Nhìn những thanh nẹp, thanh xà bằng sắt, những tấm ván gỗ đang bung dần ra, nếu không được bảo vệ, chẳng mấy chốc những cây cầu này hư hỏng, hàng chục tỷ đồng của Nhà nước bỏ ra nếu không có phương án bảo vệ, thì việc lội sông vượt lũ như ngàn năm qua sẽ còn tái diễn, và nguy cơ tai nạn mùa lũ là điều khó tránh.
Đã đến lúc cần có những biện pháp mạnh để bảo vệ những cây cầu. Thiết nghĩ chính quyền huyện cần phải chỉ đạo mạnh mẽ hơn nữa, chính quyền xã cần phải có những biện pháp cụ thể cùng với người dân bảo vệ những cây cầu treo, bảo vệ huyết mạch giao thông vì sự nghiệp xây dựng nông thôn mới và sự no ấm bình yên của các bản làng.
Lương Đậu
.