Mỗi đợt đốt lò thường hoạt động liên tục mấy ngày liền, nhiều giống cây trồng không thể đơm hoa kết trái nếu gần đó có lò gạch, ngói thủ công “nhả khói”.
Vì vậy, từ năm 2001 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 115/2001/QĐ-TTg, nhằm: Tổ chức lại sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng ở các địa phương nhằm giảm tối đa việc sử dụng đất canh tác vào xây dựng các lò gạch thủ công, gây ô nhiễm môi trường. Từng bước phát triển gạch không nung ở những vùng không có nguyên liệu nung, tiến tới xóa bỏ việc sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công ở ven các đô thị trước năm 2005, ở các vùng khác trước năm 2010.
Đến nay, thời hạn xóa bỏ lò gạch, ngói thủ công đã trôi qua gần 2 năm trời, thế nhưng hiện tại một số lò gạch thủ công ở huyện Nghi Lộc vẫn tiếp tục hoạt động, xả khí thải ô nhiễm ra môi trường.
Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ngày 30/3/2011, UBND huyện Nghi Lộc đã ban hành Quyết định 363/QĐ - UBND, thành lập tổ công tác tiến hành rà soát, kiểm tra và hướng dẫn cho các xã, các cơ sở có lò gạch, lò ngói đất sét nung thủ công phải dừng hoạt động. Sau khi tiến hành kiểm tra, rà soát trên địa bàn huyện, tổ công tác phát hiện 46 lò đang hoạt động thuộc 16 xã, thị trấn. Từ đó đến nay, huyện Nghi Lộc mới chỉ xóa được khoảng 10 lò gạch, còn lại hơn 30 lò vẫn đang tiếp tục tồn tại.
Bên cạnh đó, một số địa phương trong tỉnh thực hiện nghiêm quyết định của Thủ tướng chính phủ, đã xóa bỏ hoàn toàn lò gạch thủ công như huyện Nam Đàn, đã xóa bỏ 40/40 lò gạch thủ công từ tháng 6 năm 2011. Do đang vướng mắc hợp đồng cho thuê đất giữa chính quyền địa phương và các chủ lò gạch thủ công chưa hết, nên chính quyền các xã ở huyện Nghi Lộc đã gia hạn thêm thời gian chấm dứt hợp đồng cho các chủ lò gạch. Đến nay, hầu hết các lò gạch thủ công trên địa bàn Nghi Lộc đã hết hợp đồng thuê đất, hết thời gian gia hạn nhưng các chủ lò vẫn không chịu tháo dỡ theo cam kết.
Lò gạch ở Nghi Thuận hết hợp đồng nhưng chủ không chịu tháo dỡ
Để tìm hiểu sự việc này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Chất - Trưởng phòng Công thương huyện Nghi Lộc, ông Chất cho biết: Thực sự chúng tôi đang lúng túng trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công trên địa bàn huyện. Các chủ lò gạch thủ công đang muốn kéo dài thời gian sản xuất để thu hồi vốn mà họ đã bỏ ra trong quá trình đầu tư xây dựng lò, nếu muốn tháo dỡ ngay họ đòi Nhà nước phải hỗ trợ một phần kinh phí”.
Một ngày gần đây, khi đi qua cầu Cấm (Nghi Yên - Nghi Lộc) bên cạnh Quốc lộ 1A, chiếc lò gạch vẫn hiên ngang “nhả khói” cuồn cuộn và mùi khét lẹt của đất sét xông lên nồng nặc. Người qua đường đã cảm thấy khó chịu như vậy, còn những hộ dân xung quanh các lò gạch vẫn phải “hít thở” những làn khói độc này từ hàng chục năm qua.
Tại xã Nghi Thuận hiện còn 4 lò gạch thủ công, trong đó có 3 lò vẫn tiếp tục hoạt động, bất chấp việc xử lý của chính quyền địa phương.
Ông Trần Nguyên Hòa - Chủ tịch UBND xã Nghi Thuận cho biết: Những khi lò gạch bốc khói là bà con lại kêu ca, phàn nàn, gây áp lực với địa phương. Vì vậy, từ năm 2009, chúng tôi không ký tiếp hợp đồng cho thuê đất đối với các chủ lò, chỉ gia hạn cho họ sản xuất hết năm 2010. Những lò hết hợp đồng không chịu tháo dỡ, tiếp tục sản xuất thì UBND xã đã có văn bản yêu cầu ngưng sản xuất và ra quyết định xử phạt hành chính, nhưng xem ra họ đã nhờn luật. Trước tình hình này, chúng tôi đã lập hồ sơ trình lên UBND huyện xin lập phương án để tiến hành cưỡng chế, nhưng chưa thấy huyện trả lời.
Được biết, mỗi đợt sản xuất gạch thủ công đưa lại thu nhập cho các chủ lò hàng trăm triệu đồng, vì vậy các chủ lò vẫn cố gắng dây dưa, chịu nộp phạt hành chính để tiếp tục sản xuất thêm được đợt nào hay đợt đó.
Giữa tháng 6/2012, UBND huyện Nghi Lộc lại ban hành Chỉ thị 439/UBND-CT, về việc xóa bỏ lò gạch đất sét nung thủ công trên địa bàn huyện. Theo đó các xã, thị trấn đang còn lò gạch ngói thủ công xây dựng lộ trình kế hoạch và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện chậm nhất đến ngày 30/12/2012, phải xóa bỏ hoàn toàn lò gạch, ngói nung thủ công.
Từ nay đến hết năm 2012, thời gian không còn nhiều, trong khi hầu hết các chủ lò gạch đã hết thời hạn hợp đồng thuê đất với chính quyền địa phương. Nếu các cấp ngành ở huyện Nghi Lộc không quyết liệt hơn trong việc xóa bỏ các lò gạch thủ công, thì các lò gạch sẽ tái sản xuất và tiếp tục “nhả khói” độc hại, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của nhiều người dân.
Đức Thắng
.