Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201211/24307-bao-gio-nong-thon-o-tuong-duong-thuc-su-moi-394115/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201211/24307-bao-gio-nong-thon-o-tuong-duong-thuc-su-moi-394115/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Bao giờ nông thôn ở Tương Dương thực sự… mới? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 22/11/2012, 08:05 [GMT+7]
24307

Bao giờ nông thôn ở Tương Dương thực sự… mới?

Một trong những tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới là xây dựng trụ sở làm việc đúng theo quy chuẩn nhưng đến nay hệ thống công sở của một số xã ở huyện Tương Dương (Nghệ An) vẫn còn thiếu và yếu, không đồng bộ, nhiều trụ sở đã xuống cấp chưa được sửa chữa cải tạo... Đây là một trong những cái khó để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở Tương Dương.
 
Những phòng làm việc… “đoàn kết”

Chúng tôi đến xã Xá Lượng huyện Tương Dương vào đầu buổi chiều nhưng người dân đến trụ sở xã làm các thủ tục hành chính đã tập trung rất đông. Người đứng ngoài hành lang, người đứng ở sân, người chờ ở hội trường nhốn nháo. Bộ phận giao dịch một cửa được bố trí với phòng tư pháp trong khuôn khổ diện tích khoảng 5m2 đủ bố trí ghế một người ngồi làm thủ tục.
 
Anh Lương Văn Ngọc ở bản Na Bè - Xá Lượng cho biết: “Phòng làm việc quá chật chội, không có chỗ dành cho công dân ngồi chờ nhận kết quả. Chúng tôi vào đặt hồ sơ thủ tục cần giải quyết ở bàn, rồi ra ngoài sân chờ. Chúng tôi ở bản biên giới xa xôi đến đây nhưng không có chỗ ngồi chờ tiếp dân”.

Trụ sở xã Xá Lượng, huyện Tương Dương là ngôi nhà gỗ 2 tầng 5 gian được xây dựng từ năm 2002. Thời điểm đó cán bộ xã Xá Lượng có 26 người, không rộng rãi nhưng cũng xem là tạm đủ nơi làm việc so với thời điểm lúc bấy giờ. Với diện tích khoảng hơn 150m2 được chia làm 8 phòng, một hội trường được bố trí ở tầng 1 dùng làm nơi họp và tổ chức các hoạt động cộng đồng của xã chiếm 3 gian. Cũng với diện tích đó, từ 26 người, số lượng cán bộ hiện nay đã “phình” lên tới 54 người. Nhà vẫn thế, người đông hơn gấp đôi, mọi người đành co kéo, san sẻ nhau trong diện tích làm việc nhỏ bé trên.

Do diện tích quá chật hẹp năm 2007, được sự hỗ trợ của cấp trên, xã đầu tư xây mới mở rộng thêm 2 phòng nhưng vẫn chưa đáp ứng điều kiện làm việc. Năm 2012, xã đã có sáng kiến khi trưng dụng và “nâng đời” luôn cả nhà bếp nằm ở trong trụ sở xã thành… phòng làm việc.
 
Để bố trí nơi làm việc cho các cơ quan, đoàn thể, xã Xá Lượng tổ chức ghép các phòng ban làm việc trong một phòng như: Thanh niên, CCB, Phụ nữ, Hội khuyến học làm việc trong 1 phòng; xã đội, TNXP, chất độc da cam, Hội chữ thập đỏ được bố trí 1 phòng, Tư pháp và Bộ phận một cửa một phòng, Ban nông nghiệp, địa chính, Bảo vệ thực vật, Thú y làm việc chung một phòng…. Chỉ có Chủ tịch và Phó Chủ tịch xã là có phòng riêng.
 
Ghép phòng trong sự chật chội ở  UBND xã Xá Lượng
 
Cứ gọi riêng cho oai chứ phòng của 2 vị lãnh đạo “cấp cao” của xã cũng thuộc diện “đồng cân đồng lạng” như các phòng, ban khác. Nghĩa là diện tích cho các “phòng tập thể” và “phòng riêng” chỉ vẹn vẹn 5 - 6m2. Mặc dù xã đã tận dụng hết diện tích, “quy hoạch” các kiểu để có chỗ làm việc tốt nhất nhưng thực tế do các phòng ban phải “ở chung”, làm việc “đoàn kết” trong căn phòng chật chội nên rất khó khăn và bất cập.

Chúng tôi ngược lên xã Lưu Kiền và tình cảnh ở đây cũng chẳng thể khá hơn. Ông Lô Văn Quỳnh - Chủ tịch xã Lưu Kiền cho biết: “Ngôi nhà gỗ 2 tầng được xây dựng từ năm 2003 với diện tích 200m2. Năm 2011, số lượng cán bộ công chức của xã là 35 người nhưng đến nay là 44 người. Ngôi nhà gỗ 2 tầng này là do chương trình 135 giai đoạn 1 đầu tư xây dựng”.
 
Năm 2005, trường mầm non xã được xây dựng mới, UBND xã Lưu Kiền được “kế thừa” ngôi nhà gỗ cũ của trường mầm non. Tình trạng quá tải của trụ sở UBND xã đã được cải thiện chút ít.

Điều kiện làm việc quá chật chội, phương án của xã Lưu Kiền cũng như xã Xá Lượng là tổ chức ngăn phòng, ghép các phòng ban lại với nhau. Chẳng ai muốn chật chội, thiếu thốn và cũng chẳng ai muốn phải “chung chạ” với nhau nhưng là khó khăn chung, mỗi người phải chung vai sẻ chia một ít vậy…

Phòng… 2 trong 1

Vì phải làm việc chung trong những “phòng ghép” nên xảy ra không biết bao chuyện bi hài. Khó khăn nhất là mỗi lần muốn trao đổi công việc. Ban này nói thì sợ ban kia bị ảnh hưởng. Sống trong hoàn cảnh này có lẽ sự cảm thông và thấu hiểu cho nhau được đặt lên trên hết. Chẳng ai bảo ai, hôm nào có một Ban tổ chức họp, cán bộ các phòng ban khác cứ tự giác “di tản” xuống hội trường ngồi chờ. Buổi họp kết thúc, cán bộ các phòng khác lại lục đục kéo về.
 
Khổ nhất là mỗi lần Đảng bộ xã họp. Toàn Đảng bộ Xá Lượng có 222 đảng viên nhưng do hội trường của xã chỉ đáp ứng khoảng 60 người. Vì vậy mỗi khi Đảng bộ xã họp hay mở các lớp tập huấn xã phải chia 2 - 3 lớp tốn kém về cả thời gian và kinh phí.
 
Trụ sở UBND xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương bằng nhà gỗ chật chội
được xây dựng hơn 10 năm nay
Phòng của Bí thư Đảng ủy xã Lưu Kiền cũng chỉ có 4m2. Phòng bé nên vị bí thư cũng có sáng kiến khôn ngoan khi bố trí một chiếc giường nhỏ và sử dụng theo kiểu “2 trong 1”. Chiếc giường vừa là chỗ ngồi làm việc trong giờ hành chính, vừa là chỗ nghỉ ngơi. Mà gọi là phòng riêng nhưng phòng lãnh đạo chỉ được ngăn với các phòng khác bằng những tấm ván. Thời gian đã làm cho những tấm gỗ co giãn vì thế từ phòng này nhìn sang phòng kia cứ toang hoác. Nhiều lúc cần đưa tài liệu, chỉ cần đẩy qua khe hở.
 
Cái chuyện trang thiết bị máy móc ở các xã này cũng buồn nẫu ruột. Mất cái này thì được cái kia, đằng này ở những xã này đúng là… nghèo toàn tập. Cả phòng làm việc với rất nhiều ban bệ nhưng chỉ có một chiếc máy vi tính bàn, ban này làm thì ban kia nhịn. Thật ra cũng… may là không có nhiều máy móc, nếu có không biết sẽ lắp đặt thế nào trong những căn phòng thế này.

Điều kiện làm việc như vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã. Thật khó để đòi hỏi cán bộ phát huy tính năng động, sáng tạo cũng như dồn hết tâm huyết vào công việc.
 
Toàn huyện Tương Dương mới chỉ có 7/18 xã, thị trấn có trụ sở làm việc bằng nhà xây còn lại đang bằng nhà gỗ được xây dựng từ những năm 1990. Hiện nay một số nhà đã xuống cấp nghiêm trọng trong khi số cán bộ ngày một đông lên. Không đủ diện tích nên việc đặt các trang thiết bị máy móc lại càng khó khăn.
 
Trước đây, chưa có các trang thiết bị như máy vi tính, photocoppy nhưng giờ đây với diện tích chật hẹp nếu được đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác chuyên môn việc bố trí sắp đặt chúng cũng là điều không dễ.

Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Việc xây dựng trụ sở xã là việc làm rất khó. Địa phương đã thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án để các xã cải tạo, bổ sung, nâng cấp xây dựng trụ sở xã làm việc. Đây là một trong những khó khăn đáp ứng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới ở huyện vùng cao Tương Dương”.

Thanh Lê
.