Bằng nguồn vốn Chương trình 135 của Chính phủ, năm 2003 xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ được đầu tư 1,2 tỷ đồng xây dựng kênh thủy lợi nhằm phục vụ việc tưới tiêu cho cánh đồng lúa.
Chủ đầu tư là UBND huyện Tân Kỳ, đơn vị trực tiếp thi công là Công ty Bình Thuận (trụ sở ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Sau 1 năm thi công, công trình được xây dựng xong. Tuy nhiên, vừa đưa vào sử dụng được một vụ sản xuất lúa thì toàn bộ hệ thống công trình hư hỏng toàn bộ, từ đó đến nay chỉ nằm phơi nắng, phơi sương.
Quan sát kỹ, chúng tôi nhận thấy hệ thống kênh dẫn ở đây rất bất hợp lý. Kênh mương lại xây dựng thấp hơn so với đồng ruộng, hầu hết các tuyến kênh đều không có mương nhánh. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là quá trình khảo sát vị trí đập dâng không đảm bảo. Cụ thể là nguồn nước khe suối tự nhiên không đủ để cấp nước cho hệ thống thủy lợi.
Theo bà con nông dân xã Tiên Kỳ, công trình này không phát huy tác dụng ngay cả khi mới đưa vào sử dụng chứ nói gì đến khi bị vỡ đầu mối dẫn nước, nói như thế là vì chỉ khi nước tràn kênh thì mới chảy vào ruộng. Mang tiếng có công trình thủy lợi tiền tỷ phục vụ tưới tiêu, xóa bỏ tình trạng ngồi trông chờ nguồn nước của trời.
Hệ thống thủy lợi tê liệt hoàn toàn
Thế nhưng hưởng lợi được vụ lúa thì nó tịt ngấm, không còn chảy nữa, không giúp được gì cho nông dân. Dân cũng đã nhiều lần tiếp xúc cử tri đề nghị chính quyền nâng cấp, sửa chữa vậy mà không có động thái gì. Hiện, ống dẫn nước đứt khỏi kênh mương, nhiều đoạn kênh rác thải lấp kín, phía trên cỏ dại mọc um tùm.
Và nghịch cảnh là, những cánh đồng vẫn trơ đất trắng không có nước tưới, người dân quay lại cầu may vào từng giọt mưa để sản xuất. Đây là nguyên nhân dẫn đến một số hộ bỏ hoang ruộng hoặc làm năng suất kém, trong khi đó, ruộng lúa ở đây có thể làm tươi tốt nếu có nước.
Để tìm hiểu thêm sự việc công trình thủy lợi bỏ hoang từ nhiều năm, chúng tôi đã có buổi trao đổi với ông La Văn Thiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Kỳ thì ông phân trần, công trình nhằm mục đích phát triển diện tích lúa nước 2 vụ, nhưng khi đưa vào sử dụng, ngay vụ sản xuất đầu tiên nó không chịu được lực nên dẫn đến hư hỏng hoàn toàn.
Để xảy ra tình trạng này là do khi xây dựng phần thân kém, trạm bơm chênh lệch độ cao so với khe suối. Hơn nữa do thiết kế dự án không phù hợp đặc điểm địa hình, đây là lỗi chủ quan và trình độ năng lực yếu kém của các đơn vị có liên quan.
Để các công trình này trở lại hoạt động bình thường, nhằm phát huy hiệu quả giúp người dân có nước sản xuất, hiện xã đang trình lên huyện đắp ngăn khe Huồi Phài lấy nguồn nước chảy vào đập Thung Mét, nếu làm được như thế thì mới có giá trị sử dụng. Thực tế mà nói công trình thủy lợi ở đây gọi là kênh xả lũ thì đúng hơn chứ không có nhiệm vụ tưới tiêu.
Việc công trình thủy lợi bị bỏ hoang, không những gây lãng phí vốn đầu tư của Nhà nước mà còn ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, năng suất mùa vụ của nông dân. Mong rằng các cấp có thẩm quyền khắc phục tình trạng trên nhằm giúp cho nông dân nơi đây bớt khó khăn.
Trường Khuyên - Bảo Nhàn
.