Cơ chế “xin cho” hiện nay đang là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Điều này thì ai cũng biết, cũng rõ. Nhưng thử hỏi rằng cơ chế “xin cho” đã được nêu nhiều, nhắc nhiều, thậm chí được phê phán nhiều nhưng xem ra chưa chấm dứt, có chăng nó đã biến dạng tinh vi hơn, phức tạp hơn.
Một cơ quan, một đơn vị đầu năm bao giờ cũng được phân khai kinh phí hoạt động, được thông báo mua sắm phương tiện, trang bị hay đầu tư xây dựng…
Thông báo rồi, phân khai rồi nhưng nếu lãnh đạo không “bám” thì chắc chắn không được hay không được cấp đầy đủ. Hoặc nếu được cấp thì cũng chậm, nhỏ giọt trong khi giá cả thị trường hiện nay biến động hàng ngày, hàng giờ.
Bắt buộc cấp dưới phải bám, phải chạy. Mà đã phải chạy thì sẽ có tiêu cực, anh có xin thì “trên” mới cho. Chưa nói đến quy định hiện nay rất rõ ràng cấp nào sử dụng ôtô loại nào, mặc dù đã có quy định chung của Chính phủ, nhưng thử hỏi có cấp nào sử dụng phương tiện đúng quy định. Xin thưa rằng tất cả đều vượt khung quy định, thậm chí vượt xa khung quy định.
Đáng được mua xe ôtô dưới 500 triệu đồng thì các xếp cũng cố xin thêm chỗ này, vận dụng thêm chỗ nọ để mua xe tốt hơn, sang hơn, có máy lạnh, có trang bị nội thất trong xe sang trọng hơn…
Rồi dự án đầu tư công trình xây dựng, mặc dù đã được đưa vào kế hoạch, được thông báo, thậm chí đã triển khai nhưng vốn cấp cứ nhỏ giọt, nếu không chạy, không bám, không xin, không “ngoại giao” tốt thì cứ ỳ ạch chậm như rùa bò, thậm chí không khả thi?!
Cơ chế “xin cho” đang là rào cản lớn nhất cho công cuộc chống tham nhũng thành công! Nó là nguyên nhân làm băng hoại đạo đức của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, nhất là cán bộ nắm vật tư, tài chính, cơ quan đầu tư, kế hoạch.
Nó biến không ít cán bộ thành “kẻ ăn xin hiện đại”, nó làm cho không ít cán bộ không có thời gian bám cơ sở, chỉ đạo cơ sở. Thay cho việc đôn đốc, tổ chức thực hiện là thời gian “đi xin”. Còn người “cho” vô tình trở thành “ông chủ” và tất nhiên có “hoa hồng” rất nhiều. Không ít kẻ nhờ “được xin” và “được cho” mà giàu lên nhanh chóng, làm thiên hạ ngạc nhiên?
Chúng ta đang thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay”. Thiết nghĩ xoá bỏ cơ chế “xin cho” để loại trừ tham nhũng cũng là nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, trả lại sự công bằng, minh bạch, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, củng cố niềm tin của nhân dân.
Phùng Văn Mùi
.