Tuy vậy, ở cái nhìn toàn cảnh thì cuộc vận động vẫn mới chỉ dừng lại ở… vận động, thị trường hàng Việt trong thời gian qua vẫn còn trầm lắng và lép vế trước hàng ngoại, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn Nghệ An được UBMTTQVN tỉnh phát động chủ yếu bằng việc khuyến khích các nhà sản xuất kinh doanh đưa hàng Việt về nông thôn.
Tính đến nay, toàn tỉnh có 5 doanh nghiệp tham gia cuộc vận động này, bao gồm Chi nhánh Intimex Nghệ An; Công ty Hoàng Long; Công ty TNHH lương thực, thực phẩm Nghệ Tĩnh; Công ty Đầu tư hợp tác kinh tế Việt Lào và Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp nông sản Nghệ An.
Để hỗ trợ, Sở Công thương đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ phí vận chuyển, băng rôn tuyên truyền trong những lần tổ chức “Tuần hàng Việt về nông thôn”, đồng thời nhà sản xuất bán hàng với giá thấp hơn giá thị trường để thu hút khách hàng.
Và mặc dù tại các vùng nông thôn được tổ chức đưa hàng Việt về bán, người tiêu dùng đã đón nhận sản phẩm “nội”, doanh thu của doanh nghiệp cũng không hề kém cạnh so với bất cứ chương trình nào khác song, hiệu quả vẫn chưa thực sự như mong muốn.
Điều này xuất phát từ việc, các đợt tổ chức đưa hàng Việt về nông thôn mới chỉ được triển khai nhỏ lẻ, manh mún như các đợt thí điểm hơn là việc xây dựng một kế hoạch phân phối, liên kết dài hạn để bán hàng.
Ngoài ra, điều khiến doanh nghiệp lo lắng nhất khi triển khai các tuần hàng ở nông thôn vẫn là việc chính quyền còn thờ ơ trong quá trình hợp tác, tuyên truyền tạo điều kiện để doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm đến với người tiêu dùng. Thực tế, hiện nay nhiều địa phương thậm chí không quan tâm mỗi khi doanh nghiệp triển khai đưa sản phẩm về tiếp cận với bà con nông dân.
“Tự hào hàng Việt”, cách quảng bá sản phẩm Việt có hiệu quả tại siêu thị Co.opmart
Theo số liệu của Sở Công thương, từ đầu năm đến nay đơn vị đã tiếp nhận và theo dõi hơn 1.200 chương trình khuyến mại với tổng trị giá gần 6 tỷ đồng. Ban tổ chức cuộc vận động cũng đã tổ chức được 2 hội chợ triển lãm hàng Việt, qua đó giới thiệu đến với người tiêu dùng 45 gian hàng của các doanh nghiệp trong tỉnh và trên 200 gian hàng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh.
Song song với vấn đề này, việc tăng cường thanh, kiểm tra để phát hiện, xử lý những vi phạm về hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng được tập trung đẩy mạnh.
Cũng từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý trên 1.700 vụ vi phạm về chất lượng hàng hoá, thu phạt số tiền hơn 5 tỷ đồng. Những việc làm thiết thực này đã mang lại kết quả khích lệ và tạo sự biến chuyển trong nhận thức cũng như hành vi trong văn hóa tiêu dùng.
Doanh nghiệp đã được tạo cơ hội hơn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như hình thức mẫu mã. Trong khi đó, người tiêu dùng đã được tiếp cận hàng Việt nhiều hơn. Tuy vậy, để xoá đi tâm lý “sính ngoại” cũng như cạnh tranh được với khối lượng hàng hoá giá rẻ (không rõ nguồn gốc xuất xứ) đang len lỏi ở nông thôn hiện nay, cả doanh nghiệp lẫn ban chỉ đạo cuộc vận động còn rất nhiều việc cần phải làm.
Về phía cơ quan chức năng, công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để khái niệm “hàng Việt” có thể ăn sâu vào mọi tầng lớp nhân dân. Trong khi, các doanh nghiệp tham gia theo chuỗi hệ thống, có kế hoạch dài hơi, định hướng lâu dài chứ không đơn thuần chỉ là “hưởng ứng” như trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược nội địa hoá sản phẩm, Ban chỉ đạo cuộc vận động cũng đang chú trọng đến việc tạo nên liên kết giữa các doanh nghiệp Việt với các siêu thị, trung tâm thương mại để quảng bá và phân phối sản phẩm tới người tiêu dùng. Cùng với Big C, Intimex và Metro, hiện nay hệ thống siêu thị Co.opmart trên toàn quốc được đánh giá là trung tâm mua sắm quảng bá thương hiệu hàng Việt lớn nhất cả nước.
Chỉ tính riêng chương trình “Tự hào hàng Việt” trong năm 2012, với trên 2.000 sản phẩm Việt được khuyến mại từ 5 - 30% đã được đầu tư trên 100 tỷ đồng, thu hút hơn 5 triệu lượt khách mua sắm và đã mang về trên 30% thị phần doanh thu. Nói như thế để thấy rằng, người Việt không hề quay lưng với sản phẩm nội địa mà quan trọng là cách đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng như thế nào để được đón nhận.
Từ nay đến cuối năm, Ban chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sẽ tập trung vào các vấn đề trọng tâm như đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để quảng bá sản phẩm Việt đến với người tiêu dùng, khuyến khích các doanh nghiệp Việt chú trọng chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã.
Đồng thời, tổ chức nhiều hơn nữa các hội chợ triển lãm, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về nông thôn sẽ được tổ chức theo hệ thống, với sự hỗ trợ đắc lực của các cơ quan, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.
Thiên Thảo
.