Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201209/22696-lieu-co-an-toan-trong-mua-mua-bao-395420/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201209/22696-lieu-co-an-toan-trong-mua-mua-bao-395420/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Liệu có an toàn trong mùa mưa bão!? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 03/09/2012, 14:00 [GMT+7]
22696

Liệu có an toàn trong mùa mưa bão!?

Xã Phú Sơn có dân số gần 5.000 người, với gần 1.000 hộ nông dân. Đây là một xã nghèo của huyện Tân Kỳ, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị hạn hán, mùa mưa lại thường bị lũ quét. Bà con nông dân chủ yếu dựa vào cây lúa nước và đặc biệt cây mía, mà quanh năm vẫn túng thiếu.
 
Trước tình hình đó, Nhà nước đã cấp vốn ngân sách để xây dựng công trình thủy lợi đập chứa nước Khe Là phục vụ sản xuất và đời sống cho nông dân. Từ cuối năm 2009, xã Phú Sơn được cấp có thẩm quyền phê duyệt luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng đập chứa nước Khe Là với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, có trữ lượng hơn 2 triệu m3 nước, phục vụ tưới cho  200 ha cây trồng nông nghiệp và cây công nghiệp.
 
Sau hơn một năm xây dựng, đến đầu năm 2011 đập Khe Là được đưa vào sử dụng. Nhưng điều băn khoăn ở đây là chỉ sau gần một năm đi vào vận hành, đập Khe Là đã có biểu hiện xuống cấp.
Kênh chính của đập thấp hơn mặt ruộng nên nước không thể chảy vào ruộng thâm canh
 
Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã tới xã Phú Sơn, trước mắt hiện ra con đập Khe Là mênh mông nước. Phía hạ lưu là hệ thống kênh chính dẫn nước được xây dựng bằng bê tông khá kiên cố có chiều dài khoảng hơn 3.000m.
 
Nhìn tổng thể con đập hoành tráng là thế, nhưng ngược lại hệ thống mương chính lại có những đoạn thấp hơn mặt đồng ruộng? Bởi vậy, nguồn nước từ đập chảy xuống kênh dẫn nước, không thể chảy ngược vào ruộng.
 
 
Đó là một nghịch lý, từ đó nước chỉ chảy vào tưới cho hơn 30ha trồng lúa (theo thiết kế là từ 60 đến 70ha). Diện tích bà con trồng mía hơn 300ha nhưng hầu hết nguồn nước con đập không thể tưới được. Nhiều hộ nông dân phải tự vay tiền mua các loại máy bơm nước lấy nước từ kênh chính của đập chảy về để tưới cho mía? Đây là thiệt thòi lớn cho bà con nông dân.
 
Quan sát bằng mắt thường có thể nhìn thấy phần thân đập bắt đầu thấm nước, bề mặt bê tông nhiều nơi đã bị nứt nẻ. Sự xuất hiện xuống cấp nhanh là điều đáng lo ngại cho đập chứa nước Khe Là. Riêng đập phụ 2 cũng đã bắt đầu có sự rò rỉ nước.
 
Ông Phan Văn M., một nông dân xã Phú Sơn bức xúc nói: “Các chị biết không, chúng tôi chưa kịp mừng, khi nhìn thấy thân đập bị rò rỉ nước, bề mặt bê tông thân đập có đoạn bị nứt ra, mùa mưa đã tới, liệu con đập có thể bị vỡ không đây?”.
 
Theo các chuyên gia ngành thủy lợi, với các biểu hiện trên rất có thể do chất lượng thi công không bảo đảm. Với sự xuống cấp này, nếu có mưa với tần suất lớn, đập khó bảo toàn. Và nếu đập vỡ vào mùa mưa bão, hàng triệu mét khối nước sẽ cuốn trôi nhà cửa, hoa màu, gia cầm và đặc biệt tính mạng của người dân là chưa thể lường hết. 
 
Các cơ quan có thẩm quyền cần cử những chuyên gia giỏi về ngành xây dựng đập chứa nước để kiểm tra, nếu có sự xuống cấp phải duy tu bảo dưỡng và khắc phục sự cố để bảo vệ  đập Khe Là được tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.
 
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Thảo - Phó Ban quản lý Dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh. Ông Thảo cho biết: “Đập Khe Là xây dựng xong bảo đảm chất lượng thi công, đã đi vào vận hành làm nhiệm vụ tưới khá tốt theo như thiết kế, không có vấn đề gì xảy ra. Còn các thông số về kỹ thuật, về dung lượng và nguồn vốn tôi không nhớ được. Chúng tôi sẽ trả lời vào hôm khác..”.
 
Trong lúc đó, ông Võ Văn Tuấn - Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi huyện Tân Kỳ lại nhận xét: “Thân đập Khe Là đã có xuất hiện nhiều vết rỉ nước. Nhưng nghe các nhà thiết kế nói là đang nằm trong mức độ cho phép!? Hệ thống  kênh tưới chính đã xây dựng xong, nhưng hệ thống kênh, mương dẫn nước vào ruộng lại chưa xây dựng được. Việc này, do Nhà nước không cho vốn đầu tư, để dân tự đóng góp. Mà nông dân Phú Sơn còn nghèo chưa thể đóng tiền để xây dựng được. Qua các cơ quan công luận, chúng tôi kiến nghị với cấp có thẩm quyền tạo nguồn tài chính để sớm tập trung đầu tư hệ thống kênh nhánh vào đồng ruộng cho nông dân…”.
 
Mùa mưa bão đang đến cận kề, nhìn thấy con đập có biểu hiện xuống cấp, người dân hoang mang lo lắng là việc không thể tránh khỏi. Mong rằng, các ngành chức năng cần kiểm tra ngay và có biện pháp khắc phục xử lý kịp thời, nhằm bảo vệ an toàn cho đập Khe Là. Và cũng là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Lê Hoa
.