Thực hiện Dự án đưa 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã ở 62 xã nghèo trong toàn quốc, huyện Tương Dương được phân bổ 13 đội viên. Đây là những gương mặt xuất sắc đã trải qua nhiều thử thách, tôi luyện và các bước sàng lọc, tuyển chọn.
Sau khi về Tương Dương, các em đã được HĐND các xã tiến hành bầu chức danh phó chủ tịch UBND xã. Gần 2 tháng trong vai trò mới, các trí thức trẻ đã phải nỗ lực thực sự, cống hiến hết sức mình, quyết tâm phấn đấu cùng với địa phương giúp nhân dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống.
Dự án đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã đã thể hiện sự quan tâm, tin tưởng rất lớn của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng trí thức trẻ hiện nay. Đây là cơ hội vô cùng quý giá mà Đảng, Nhà nước đã mở ra để các em thoả sức “vùng vẫy”, bộc lộ hết trình độ, khả năng của từng người.
Xác định được điều đó, Lô Thị Trà My quê ở Chi Khê, Con Cuông không hề ngại ngần khi biết mình được phân công về công tác tại huyện miền núi vùng cao Tương Dương.
Lô Thị Trà My - Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng
Sau khi thi tuyển, tập huấn thực tế, qua bầu cử của HĐND xã, em được phân công làm Phó Chủ tịch xã Xá Lượng, huyện Tương Dương phụ trách mảng nông - lâm - ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo các bản thực hiện chương trình 30A, xây dựng nông thôn mới, trồng rừng theo dự án 147, khai hoang phục hóa, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi.
So với những đội viên khác, Trà My có thuận lợi hơn bởi được nhận công tác sau khi làm cán bộ 30a ở xã Thạch Giám cách đây hai năm. Không chỉ có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách, em còn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Bản thân lại là người dân tộc Thái, cùng chung ngôn ngữ, hiểu rõ phong tục tập quán, nên Trà My lại càng gặp thuận lợi hơn trong việc giao tiếp, hướng dẫn bà con xây dựng các mô hình kinh tế.
Tuy nhiên, cũng như các đội viên khác, Trà My cũng đang phải đối mặt với nhiều điều mới lạ. Ngoài điều kiện về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, cuộc sống sinh hoạt tương đối khó khăn, nhiệm vụ được giao lại hết sức nặng nề, bởi liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng trăm, hàng ngàn người dân nơi em công tác.
Trà My tâm sự: “Với em khó khăn cần phải vượt qua đó chính là làm sao để bà con nghe và tin tưởng mình, bởi em còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều. Hơn nữa, thực tế việc học tại trường và công tác tại địa phương hoàn toàn khác nhau, vì thế làm sao để vận dụng được những kiến thức đã học để phục vụ cho nhiệm vụ được giao là phụ trách mảng kinh tế, thực hiện các dự án trên địa bàn xã, là điều quan trọng nhất”.
Bản thân các trí thức trẻ rất phấn khởi với chủ trương này của Đảng và Nhà nước. Có nhiều bạn trẻ sau khi ra trường chỉ mong làm việc ở các thành phố lớn, nhưng bên cạnh đó cũng có không ít bạn muốn đem kiến thức và sức trẻ để cống hiến cho đất nước.
Họ mong muốn có một nơi để trải nghiệm nhưng nhiều người vẫn chưa biết làm thế nào để tiếp cận với những nơi như vậy. Khi có dự án này, các trí thức trẻ đã như mở được cánh cửa của cuộc đời mình, đã tìm ra địa chỉ thiết thực nhất để thử sức mình.
Không phải chỉ gắn lên mình chức danh Phó Chủ tịch xã mà các trí thức trẻ phải nỗ lực thực sự, cống hiến hết mình mới mong làm tròn nhiệm vụ. Đó cũng là tâm sự của Trần Mạnh Cường, sinh năm 1987, quê ở Lạng Khê, Con Cuông, hiện là Phó Chủ tịch UBND xã Lượng Minh.
Vi Viết Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái
Mười ba đội viên về công tác tại huyện Tương Dương đến từ nhiều huyện khác nhau, nhiều thành phần dân tộc khác nhau. Vì vậy, việc nắm các phong tục tập quán của các em còn hạn chế, việc giao tiếp cũng gặp nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ.
Để giúp các đội viên tiếp quản vị trí phó chủ tịch, nhanh chóng hòa nhập vào guồng máy hoạt động, huyện Tương Dương đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất như phân công các phòng, ban như phòng tôn giáo, nội vụ cử người hướng dẫn các em tìm hiểu về phong tục tập quán. Đồng thời, phân công chủ tịch xã kèm cặp giúp đỡ các tân phó chủ tịch.
Về làm phó chủ tịch xã, các trí thức trẻ được chính quyền địa phương giao tập trung chỉ đạo 2 lĩnh vực là chương trình 30A - XĐGN và xây dựng nông thôn mới. Chỉ mới 2 tháng hoạt động nhưng qua kiểm tra sơ bộ của huyện hầu hết các em đều vào cuộc. Các em đã tiếp cận được các văn bản của Đảng, Nhà nước và của địa phương, tiếp cận các xã, các bản và các nhóm công việc được phân công.
Đặc biệt, các trí thức trẻ đã bắt đầu xây dựng được phương án kế hoạch của mình. Tuy kết quả sản phẩm chưa rõ ràng, nhưng các phó chủ tịch xã được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao về ý thức trách nhiệm. Vì vậy, huyện Tương Dương sẵn sàng tạo điều kiện và giúp đội viên trưởng thành và cống hiến.
Ông Nguyễn Hồ Cảnh - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Mặc dù, đội viên của dự án 600 trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã trong thời gian chỉ 5 năm, nhưng huyện xác định về lâu dài đây chính là đội ngũ cán bộ trong quy hoạch, cán bộ tương lai của các xã. Bởi vì các em được đào tạo bài bản, tuổi trẻ và có nhiệt huyết. Sau khi hoàn tất việc bầu cử, chúng tôi đã phân công các em về các xã và ban hành văn bản chỉ đạo các xã phân công các em.
Còn quá sớm để nói về kết quả của dự án đưa trí thức trẻ về làm phó chủ tịch xã trên địa bàn huyện Tương Dương. Nhưng không chỉ riêng các trí thức trẻ đang thực hiện nhiệm vụ, mà các cấp ủy, chính quyền và cả những người dân cũng đang mong muốn và kỳ vọng vào thành công của các em.
Bởi với những kiến thức đã tích luỹ cùng với những hoài bão và lòng nhiệt huyết luôn rực cháy trong mỗi một trí thức trẻ sẽ là sức mạnh để các em vượt qua mọi khó khăn, thử thách.
Hiến Chương
.