Dáng người thấp gầy, vầng trán nhô cao trên đôi kính cận dày cộm, ai gặp ông cũng cảm nhận được vẻ tinh anh, giản dị hiện ra trong từng câu nói. Dù đã chạm tuổi lục tuần nhưng ông vẫn không toan về già như người ta thường nói mà miệt mài bên những đống tài liệu, các công trình sáng kiến khoa học có độ bền cùng năm tháng.
Quê gốc xứ Thanh, thời kỳ chiến tranh loạn lạc, ông theo gia đình vào vùng đất Phủ Quỳ (Nghệ An) để an cư lạc nghiệp và cũng muốn gần quê ngoại của mình. Thân mẫu ông, bà Nguyễn Thị Hoe đã có công cùng gia đình nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ lão thành cách mạng như Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu, Chu Văn Biên, Lê Văn Hiến, Nguyễn Xuân Linh... hoạt động bí mật trong lòng TP Vinh từ những năm 1927 cho đến khi cách mạng tháng Tám thành công năm 1945.
Năm 1975, Lê Duy Hoan vừa học, vừa làm để tiếp tục ghi tên mình trong danh sách sinh viên ngành máy xếp dỡ thuộc Đại học Hàng hải hệ 6 năm. Tốt nghiệp ra trường, vì hoàn cảnh gia đình bố mẹ già, chị và em tật nguyền nên Hoan xin chuyển về công tác tại Xí nghiệp Chế biến lâm sản Sông Hiếu (Nghệ An).
Trong thời gian công tác tại xí nghiệp, kỹ sư Lê Duy Hoan đã sớm thể hiện tài năng của mình đã được đào tạo, bằng các sáng kiến cải tiến khoa học, góp phần cơ giới hoá trong sản xuất để làm lợi cho Nhà nước. Nhiều năm liền, chàng kỹ sư trẻ Lê Duy Hoan đã cho ra “lò” hàng loạt sáng kiến cải tiến khoa học ngay từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ 20.
Kỹ sư Lê Duy Hoan miệt mài bên những tài liệu sáng kiến khoa học của mình
Bằng chứng là trong đợt tổng kết sáng kiến cải tiến kỹ thuật giai đoạn 1982 - 1987 do đơn vị tổ chức, kỹ sư Lê Duy Hoan đã đóng góp 15 sáng kiến, làm lợi cho Nhà nước 312 triệu đồng. Đặc biệt, trong 2 năm liền (năm 1985 và 1986), Lê Duy Hoan có 2 công trình cải tiến khoa học kỹ thuật, được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tặng 2 bằng lao động sáng tạo.
Thời kỳ bao cấp, đơn vị làm ăn thua lỗ dẫn đến giải thể năm 1993, kỹ sư Lê Duy Hoan thuộc danh sách phải về nghỉ hưu theo chế độ 176. Tuổi đời còn trẻ, lại say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, không chịu dừng lại ở đó, anh lại phải bươn chải để vừa đi làm ngoài, vừa nuôi khát vọng của mình.
“Ngày đó, gia đình tôi nghèo. Vừa ra trường đi làm được hơn chục năm thì phải nghỉ hưu non. Mãi đến hơn chục năm sau (2001), tôi mới tìm lại được chỗ đứng của mình khi tình cờ gặp anh bạn học cùng lớp năm nào giờ là giám đốc Công ty CP Quản lý cầu đường Nghệ An có trụ sở tại thị trấn Thái Hoà. Lúc đó, tôi vui mừng khôn xiết. Thế là nghĩ trong bụng, từ nay mình đã có đất để phát huy niềm đam mê của mình” – kỹ sư Lê Duy Hoan nhớ lại.
Và, cũng chính tại môi trường mới, với kinh nghiệm vốn có cộng thêm niềm đam mê của mình, kỹ sư Hoan đã tiếp tục có những sáng kiến khoa học làm lợi cho công ty cũng như góp phần nâng cao hiệu quả lao động sản xuất.
Từ năm 2002 đến nay, kỹ sư Lê Duy Hoan đã đóng góp 6 sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi cho Công ty hàng trăm triệu đồng. Đó là những công trình: Cải tiến đĩa ma sát bị động của bộ phận đảo chiều máy lu tĩnh bánh thép SaKai của Nhật Bản; cải tiến khớp nối mềm cho động cơ rung của máy lu rung Bômac; cải tiến gối trục bánh lu rung của máy lu rung Bômac; thiết kế thiết bị chuyên dùng phục vụ bảo dưỡng định kỳ gối cầu Hiếu km 35 thuộc QL48; cải tiến xi lanh co gầu máy xúc CAT 212; thiết kế thiết bị chuyên dụng Q=100kg phục vụ công việc bảo dưỡng định kỳ hệ thống cột điện chiếu sáng cầu Hiếu.
Máy nâng hạ hiện nay đang được ứng dụng rộng rãi
Điều đặc biệt, hầu hết các sáng kiến cải tiến kỹ thuật của ông Hoan đều có hiệu quả lâu dài, được ứng dụng rộng rãi trong ngành xây dựng cầu đường. Và, trong số những công trình do Lê Duy Hoan là chủ nhân thì có 2 công trình: Thiết bị nâng hạ (dùng để kiểm tra bảo dưỡng bôi mỡ các gối cầu, tu sửa cột điện trên cầu có độ cao lớn, khu chung cư…thay thế phương pháp thủ công; máy nâng hạ (tự hạ bằng trọng lượng của vật cần nâng, khi xảy ra sự cố đứt cáp, tự nó phanh lại rất an toàn).
Hai công trình này đã được Cục sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ công nhận công trình sáng kiến. Đến nay, 2 công trình sáng kiến khoa học của ông không chỉ ứng dụng trong Công ty mà còn được các hãng như Công ty CP TOYOTA Vinh, Công ty TNHH Nghệ An mô tô Huệ Lộc, Công ty CP ô tô Hà Vinh lựa chọn ứng dụng hoạt động.
Nói về những công trình sáng kiến khoa học kỹ thuật của mình, kỹ sư Lê Duy Hoan kiệm lời: “Tất cả cũng chỉ với mong muốn công trình của mình được ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả lao động trong thời kỳ CNH - HĐH đất nước”.
Ngọc Thái
.