Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201206/20665-tan-ky-tai-nguyen-quy-dang-chay-vao-dau-396972/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201206/20665-tan-ky-tai-nguyen-quy-dang-chay-vao-dau-396972/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Tân Kỳ: Tài nguyên quý đang chảy vào đâu? - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 05/06/2012, 09:20 [GMT+7]
20665

Tân Kỳ: Tài nguyên quý đang chảy vào đâu?

Mặc dù UBND huyện Tân Kỳ đã tăng cường công tác kiểm tra và phối hợp với các đoàn liên ngành của tỉnh để kiểm tra các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn và tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, tịch thu máy móc, tang vật của các tổ chức, cá nhân vi phạm. Nhưng thời gian qua, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra rất phức tạp. Hoạt động khai thác diễn ra cả ngày lẫn đêm đã làm ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
 
Có thể nói, Tân Kỳ là huyện giàu tiềm năng về tài nguyên khoáng sản với các loại mỏ đá rải đều khắp trên địa bàn. Trong đó, Lèn Rỏi là mỏ đá khổng lồ nằm trên diện tích hơn 3.000ha có trữ lượng hàng tỷ m3 đá, thuộc vào mỏ đá lớn nhất cả nước.
 
Bình quân mỗi năm trên địa bàn huyện Tân Kỳ khai thác khoảng gần 50.000m3 đá các loại, chủ yếu đá quý, đá ốp lát nhiều màu sắc, đá Granit, đá trắng, đá vôi dùng cho sản xuất xi măng và đá xây dựng. Ngoài ra, còn nhiều loại khoáng sản quý như quặng, mangan, thiếc, nguyên liệu cát sỏi cũng có tới hàng triệu m3 trong dòng sông Con… 
 
Với tiềm năng giàu có về các loại kháng sản, trong nhiều năm qua, tại một số địa phương thuộc huyện Tân Kỳ, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra khá phức tạp. Bởi vậy, các loại khoáng sản quý hiếm đang “chảy” vào túi tư thương mà Nhà nước chưa quản lý được, gây thất thu cho ngân sách.
 
Nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lén lút khai thác cát, sỏi
 
Theo một số người dân cho biết, Doanh nghiệp Kiều Phương được các cấp có thẩm quyền cấp phép cho khai thác mỏ đá Lèn Rỏi, mặc dù đã hết hạn khai thác từ năm 2010 nhưng cho đến nay, các thiết bị máy móc khoan, xay và nghiền đá của doanh nghiệp này vẫn còn nằm nguyên hiện trạng ngay khu vực mỏ.
 
Có mặt tại hiện trường, chúng tôi nhìn thấy hàng ngàn m3 đá mới được nghiền xay còn “thơm mùi đá núi”, máy móc nằm bất động như những đống sắt vụn. Tuy nhiên, người dân cho biết, số máy móc này ban đêm vẫn sản xuất đá hối hả, nhiều lúc doanh nghiệp còn nổ mìn phá đá, mảnh vỡ vung ra rất nguy hiểm(?).
 
Trên địa bàn huyện Tân Kỳ hiện có 5 doanh nghiệp được cấp giấy phép khai thác khoáng sản gồm: Tân Lộc, Kim Anh, Việt Mỹ, Nam Trung, Tuấn Thủy… Bình quân mỗi năm các doanh nghiệp này khai thác khoảng 40.000 tấn, riêng doanh nghiệp Tân Lộc 80.000 tấn… Đó là chưa kể một lượng lớn người dân hoạt động khai thác đá, cát, sỏi trái phép rải rác trên địa bàn một số xã làm sạt lở đất, sai lệch dòng chảy, gây mất trật tự an ninh tại địa phương.
 
Trước tình hình trên, UBND huyện Tân Kỳ đã vạch ra các phương án chỉ đạo nhằm ngăn chặn khai thác tài nguyên khoáng sản tại các vùng mỏ. Tháng 5/2011, huyện Tân Kỳ đã có Văn bản số 265/UBND về việc chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước đối với công tác hoạt động khoáng sản. Điểm I văn bản nêu rõ: “Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, không khai thác và không bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép...”.
 
Tình trạng khai thác đá trái phép vẫn còn diễn ra tại nhiều xã trên địa bàn huyện Tân Kỳ
 
Tiếp đến, tháng 12/2011, UBND huyện có báo cáo về công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Kỳ. Nội dung báo cáo ghi rõ: “UBND các xã thường xuyên kiểm tra các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, tuy nhiên do các tổ chức cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái phép diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Công tác quản lý tài nguyên khoáng sản lại thiếu đồng bộ, quá trình xử lý chưa nghiêm túc triệt để, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và các chủ trương chính sách của Nhà nước về khai thác khoáng sản chưa thường xuyên nên chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép”. 

Mới đây, vào tháng 3/2012, UBND huyện Tân Kỳ lại có báo cáo về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về quản lý khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
 
Trong phần kiến nghị, báo cáo có nêu: “Đối với những đơn vị đã xin chủ trương của UBND tỉnh về thăm dò khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện nhưng quá trình lập hồ sơ quá chậm, đến nay chưa hoàn thành, đề nghị UBND tỉnh hủy bỏ hồ sơ, để đơn vị khác vào xin phép thăm dò khai thác. Đối với những đơn vị đã được UBND tỉnh cấp khai thác khoáng sản nhưng không tổ chức hoạt động khai thác thì đề nghị UBND tỉnh có biện pháp xử lý theo quy định”.
 
Trong năm 2011, các ngành chức năng huyện Tân Kỳ cũng đã tiến hành kiểm tra, xử lý 9 tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (trong đó 6 tổ chức cá nhân khai thác cát, sỏi và 3 tổ chức cá nhân khai thác đá xây dựng), tịch thu phá hủy, tạm giữ các máy móc thiết bị khai thác có giá trị hàng tỷ đồng, từ tháng 1/2010 đến tháng tháng 3/2012, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng.
 
Ông Phạm Văn Hóa - Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ cho biết: “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn huyện. Kiên quyết xử lý nghiêm, xử lý phạt hành chính và đình chỉ các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với các đơn vị, cá nhân sai phạm. Từng bước đưa hoạt động khai thác khoáng sản đi vào nề nếp theo quy định của pháp luật, để nguồn tài nguyên khoáng sản tại Tân Kỳ trở thành thế mạnh nộp vào ngân sách, làm giàu cho quê hương đất nước”.

Hiện nay, tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Tân Kỳ mặc dù có giảm nhưng chưa đáng kể. Vì vậy, đề nghị các ngành chức năng của tỉnh cần có biện pháp chỉ đạo quyết liệt để nguồn tài nguyên khoáng sản quý hiếm tại đây sớm đi vào nề nếp theo quy định của Luật khoáng sản.

Lê Hoa
.