Nông dân “lên đời”
Một ngày giữa tháng 5, chúng tôi vượt khe Hàn đến với đồi núi bạt ngàn cao su ở khu vực xã Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Mới hai năm kể từ ngày ra quân trồng cây cao su đầu tiên trên đất Nghệ An của Công ty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An, đến nay cây cao su đã xanh ngút đồi.
Đứng trên phần đất của mình được nhận khoán, chị Nguyễn Thị Nga (công nhân đội 1, Nông trường cao su 12/9) cho biết, quê ở xã Thanh Nho, gia đình bố mẹ đều là nông dân. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, do không có điều kiện đi học tiếp nên Nga xin gia nhập nông trường cao su và được nhận khoán, trồng, chăm sóc và bảo vệ 5 ha cây cao su. Với mức thu nhập từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, Nga không những giúp được gia đình thoát nghèo mà còn thay bố mẹ nuôi mấy đứa em ăn học.
Anh Lê Đình Tú, công nhân đội 1, Nông trường 12/9 cho biết, trước đây anh Tú cũng chỉ là một nông dân, quanh năm chân lấm tay bùn, lao động cực nhọc mà gia đình vẫn không đủ ăn. Thế nhưng, khi dự án trồng cao su về địa phương, anh Tú xin được một chân vào làm công nhân chăm sóc cao su cho nông trường. Ban đầu, anh được nhận chăm sóc 5 ha cây cao su, thu nhập ổn định, hơn 5 triệu đồng/tháng. Anh còn đưa cả anh em trong gia đình lên đồi nhận khoán, mở rộng diện tích.
Còn anh Bá Trọng Biên (quê xã Long Sơn, là công nhân đội 4, Nông trường 19/5) tâm sự, trước đây anh Biên làm nghề nông, nhưng khi dự án trồng cao su về huyện miền núi Anh Sơn, anh đã cùng với vợ là chị Nguyễn Thị Thủy xin vào làm công nhân nông trường.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm và động viên công nhân cao su Nông trường 12/9
Để công việc hiệu quả, hai vợ chồng quyết đóng cửa nhà gửi 3 đứa con nhỏ cho ông bà ngoại rồi vào rừng dựng lán trại ở khu vực Cao Vều (Phúc Sơn) để ở trồng cao su. Ban đầu hai vợ chồng được nhận khoán trồng và chăm sóc 9 ha rừng cao su. Ngoài giờ lên đồi cao su, vợ chồng anh còn tranh thủ nuôi được hàng trăm con gà, ngan và lợn ngay nơi lán trại.
Được biết, cũng như gia đình anh Biên, hầu hết công nhân ở đây còn biết tranh thủ trồng thêm rễ hương dưới tán rừng cao su, vừa để bảo vệ cây trồng vừa tăng thêm nguồn thu nhập. Tuy mới được hai năm tuổi nhưng hiện cây cao su ở đây đã cao hơn 3 mét, xanh mơn mởn.
Một số người lao động cho biết, hầu hết diện tích trồng và chăm sóc được Nông trường cao su 19/5 giao khoán cho bà con lao động địa phương hai huyện Anh Sơn và Thanh Chương. Những người được nhận vào làm công nhân ở đây đều được đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Đó là chưa kể những ngày lễ, Tết bà con còn được tặng quà động viên cùng với các chế độ đãi ngộ khác mà không phải đóng góp bất cứ một khoản tiền vốn nào ban đầu.
Ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An kiêm Giám đốc Nông trường cao su 12/9 cho biết thêm, từ khi dự án trồng cao su ra đời, rất đông bà con lao động ở địa phương đã trực tiếp liên hệ xin được gia nhập làm công nhân cao su, công ty đang cố gắng để thu nạp tất cả vào làm việc.
Vẫn còn nhiều vướng mắc
Dự án trồng cây cao su là một trong những dự án kinh tế trọng điểm của tỉnh nhà trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm cho hàng trăm lao động như đã nói trên. Tuy nhiên, quá trình triển khai, công ty cao su vẫn đang gặp không ít khó khăn, thử thách, làm chậm tiến độ dự án.
Theo quy hoạch, diện tích đất được thu hồi để phục vụ cho dự án phát triển cao su sẽ là 5.354,8 ha do Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn quản lý. Nhiệm vụ của Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn là thanh lý các hợp đồng giao nhận khoán giữa giám đốc công ty với 125 hộ với diện tích trên 4.430 ha và thanh lý 8 hợp đồng liên doanh giữa công ty với các doanh nghiệp khác với diện tích trên 2.000 ha.
Tuy nhiên, dù với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của Sở NN và PTNT, kết quả cho đến nay cũng chỉ mới thanh lý được 1 doanh nghiệp với diện tích gần 187 ha, với 7 doanh nghiệp còn lại Sở đã chỉ đạo công ty 3 lần gửi giấy mời làm việc nhưng cả giám đốc công ty lẫn doanh nghiệp đều cố tình không thực hiện.
Chuẩn bị ươm cây vào vụ mới
Trong khi đó, với nỗ lực của mình, đến ngày 31/12/2011, phía công ty cao su đã chi trả cho 47 hộ dân có diện tích hơn 747 ha, đồng thời hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng cho 14 hộ bàn giao đất sớm. Mặc dầu vậy, đến nay diện tích đất công ty đã tiếp nhận hiện chỉ đạt 2.085,71 ha và diện tích mà Công ty Lâm nghiệp Anh Sơn chưa bàn giao lên tới trên 3.269 ha.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trên, mới đây, đồng chí Đinh Viết Hồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có nhiều buổi làm việc với các ban ngành liên quan để giải quyết một cách thấu tình đạt lý, đảm bảo hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên, mục tiêu là yên dân nhưng đồng thời cũng phải thực hiện một cách kiên quyết và dứt điểm, sớm bàn giao diện tích cho Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển cao su Nghệ An thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Thiên Thảo
.