Sau 2 lần tăng, giá xăng dầu lại được giảm tiếp như một tín hiệu mừng nhất cho giới doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Thế nhưng, nhìn lại diễn biến giá cả của mặt hàng này thì liệu, những đợt giảm giá nhỏ giọt này có thực sự tương xứng?
Chỉ mới qua 5 tháng đầu năm nay, xăng dầu đã có 2 lần tăng và 2 lần giảm và tổng hòa lại, xăng tăng tới 3000 đồng/lít nhưng mới giảm 1.100 đồng/lít, mức giảm chỉ bằng 36% mức tăng.
Dầu diezen đã tăng 1.500 đồng/lít nhưng chỉ giảm 700 đồng/lít, tương ứng chỉ bằng 46% mức tăng. Dầu hỏa tăng nhẹ nhất cũng đã lên tới 1.200 đồng/lít nhưng khi giảm thì chỉ giảm 300 đồng/lít, bằng 25% mức tăng.
Dầu madut tăng cao thứ hai với 2.400 đồng/kg nhưng rồi cũng chỉ giảm có 300 đồng/kg, chỉ bằng 12,5% mức tăng.
Lãnh đạo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính đã từng lý giải về nghịch lý giảm khiêm tốn, tăng dữ dội này rằng, vì Nhà nước cần khôi phục thuế, đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách. Mỗi lần đưa vào 2 - 3% thuế, giá bán lẻ cũng đã phải lùi tới 350 - 500 đồng/lít nên tổng mức giảm thực chất sẽ phải cộng thêm khoản này, lên tới xấp xỉ 1.000 đồng/lít.
Tuy nhiên, nếu tính thêm cả khoản khôi phục thuế này thì mức giảm giá xăng dầu trong 5 tháng qua vẫn không thể lại được với mức tăng thường gấp 2 và thậm chí là gấp 8 lần.
Từ tháng 4/2010 tức sau 3 tháng "thả nổi" cho doanh nghiệp định giá thì giá xăng dầu đã quay trở về cơ chế cũ, do Liên bộ Tài chính - Công Thương quyết định. Quan sát thời gian qua, các quyết định điều chỉnh giá này thường được đưa ra một cách thụ động và rất khó khăn.
Đơn cử như hầu hết các đợt tăng giá đều bắt nguồn từ nguyên cớ các công văn, báo cáo kêu lỗ và đề nghị xin tăng của doanh nghiệp. Trong khi đó, các đợt giảm giá lại bắt nguồn từ sức ép của dư luận trên các kênh truyền thông.
Ngay như đợt giảm giá ngày hôm qua, 23/5, nhiều chuyên gia kinh tế còn cho rằng, nếu không có những sức ép từ nhiều phía liệu xăng dầu đã được giảm? Vì về mặt điều hành vĩ mô, giá xăng đang không chịu sức ép cần hạ nhiệt lạm phát khi chỉ số giá tiêu dùng đang rất thấp. Các khoản lãi phát sinh còn chưa đủ bù lỗ tồn dư trước đó của doanh nghiệp. Sức ép duy nhất mà giá xăng dầu đang gánh là nghĩa vụ phải hoàn lại nguồn thu cho ngân sách khi có nhiều tháng thuế nhập khẩu được ưu đãi bằng 0%.
Trước đó, ngày 22/5, có nguồn tin hé lộ rằng, các bộ vẫn còn đang tính toán và nghiêng nhiều về khả năng sẽ giữ nguyên giá xăng dầu cũng như các mức thuế hiện hành. Câu chuyện giảm giá và tăng thuế dự kiến sẽ còn phải theo dõi thêm. Phương án điều hành này đã có kế hoạch sẽ đề trình lên Thủ tướng xem xét.
Ý định "neo" giá xăng dầu ban đầu có nguyên nhân chính đáng từ sự khó khăn trong việc nhập khẩu và đảm bảo nguồn cung xăng dầu hiện nay.
Theo Bộ Công Thương phản ánh, trở ngại đầu tiên là việc ngừng sản xuất tới 30 ngày của nhà máy lọc dầu Dung Quất. 4 tháng đầu năm, nguồn cung xăng dầu từ nhà máy này đã chiếm tới 53%, nhập khẩu xăng dầu ngoại đã giảm mạnh như diezen giảm tới 20% và dầu madut giảm tới 59% so với cùng kỳ. Hệ lụy là trong 1 tháng tới, các doanh nghiệp đầu mối sẽ phải lo nhập khẩu để bù lại tới 53% sản lượng thiếu hụt của Dung Quất.
Vấn đề nằm ở chỗ, các doanh nghiệp này lại đang khó khăn về tài chính, đặc biệt các doanh nghiệp lớn. So với doanh nghiệp nhỏ, hạn mức nhập khẩu ít, chỉ chọn thời điểm giá thấp để nhập thì các "ông" đầu ngành có hạn mức nhập khẩu lớn, phải nhập cả thời kỳ giá cao để đảm bảo dự trữ lưu thông 30 ngày. Trong tình thế này, 3 - 4 doanh nghiệp đầu mối lớn, thường nhận nhiệm vụ chủ chốt phải nhập đủ xăng dầu lại là những đơn vị chịu thiệt nhất khi không thể cạnh tranh nổi trong cuộc đua tăng phí hoa hồng cho đại lý của các doanh nghiệp nhỏ.
Cùng đó, việc mua xăng dầu từ nước ngoài đang gặp khó khăn ở khâu đàm phán. Các nhà xuất khẩu xăng dầu của nước ngoài đang ép tăng phí thị trường khi mua theo hình thức giao ngay đã khiến cho chi phí nhập khẩu tăng lên, giá CIF xăng dầu của doanh nghiệp cũng đội lên đáng kể.
Với một bức tranh sản xuất lưu thông đó, câu chuyện giảm giá bán lẻ, tức là "ép" doanh nghiệp phải nhịn lãi được cho là ưu tiên... cuối cùng. Cuối cùng, do nhiều sức ép nên giá xăng dầu đã được giảm như một sự "bất đắc dĩ" trong các toan tính của ngành xăng dầu. Vì đó, những chuyên gia theo dõi sát thông tin thị trường xăng dầu đã không mặn mà lắm với đợt giảm giá lần này.
Lơ lửng hàng nghìn tỷ lỗ sẽ neo vào giá?
Giảm khiêm tốn, tăng dữ dội là xu hướng của giá xăng dầu Việt Nam từ nhiều năm nay. Ở nhiều giai đoạn, giá xăng dầu trong nước còn ngược chiều với giá thế giới. Kể từ khi Nghị định 84 có hiệu lực tháng 12/2009, giá xăng dầu tuy có tăng, có giảm nhưng kết quả cuối cùng vẫn là một mặt bằng giá bán lẻ cao cách biệt so với trước.
Nhìn vào chuỗi diễn biến 3 năm qua, có thể thấy nếu như năm 2010, xăng chỉ tăng 450 đồng/lít, tỷ lệ tăng 2% thì năm 2011 đã tăng tới 4.400 đồng/lít, tỷ lệ tăng cả năm đã là 26%. Tính từ 1/1/2012 đến 23/5, xăng đã tăng 1.900 đồng/lít, tức tăng thêm 9%.
Dầu diezen chịu mức tăng lớn nhất. Nếu như năm 2010, mặt hàng này chỉ tăng 150 đồng/lít, tỷ lệ thấp hơn xăng với hơn 1% thì cả năm 2011, loại dầu dùng nhiều cho sản xuất này đã tăng 5.650 đồng/lít với tỷ lệ tới 38%. Gần 5 tháng đầu năm 2012, dầu diezen cũng đã tăng 800 đồng/lít, tương ứng tỷ lệ tăng 3%.
Dầu hỏa trong cả năm 2010 đã giảm 0,6% với giá trị giảm chỉ 100 đồng/lít. Theo xu hướng trên, cả năm 2011, dầu hỏa đã tăng như vũ bão thêm tới 5.700 đồng, tỷ lệ tăng 37,7%. 5 tháng đầu năm nay, dầu hỏa tăng 900 đồng/lít, tỷ lệ là tăng 4,3%.
Dầu madut trong năm 2010 cũng chỉ giảm 2%, giá trị giảm 310 đồng/kg nhưng năm 2011 đã lại tăng 4.110 đồng/kg, tăng thêm tới 32%. Và năm 2012, với thời gian gần 5 tháng, mặt hàng madut tăng mạnh nhất, lên tới 2.100 đồng/kg, tăng 12,5%.
Dù đã tăng như vậy nhưng đến nay, các doanh nghiệp vẫn đang "treo" tới 7.300 tỷ đồng tiền âm, lỗ xăng dầu, trong đó 2.300 tỷ đồng là âm Quỹ bình ổn và 5.000 tỷ đồng là lỗ kinh doanh xăng dầu. Ngân sách năm 2011 cũng ước tính chịu thất thu tới 17.311 tỷ đồng vì giảm thuế xăng dầu.
Cơ chế hiện hành về nguyên tắc sẽ không có bù lỗ cho doanh nghiệp bằng nguồn ngân sách. Con đường duy nhất để xử lý tồn đọng trên là đưa phân bổ lỗ vào giá bán lẻ.
Và nếu nguyên tắc này được áp dụng thì 7 tháng tới, liệu giá xăng dầu Việt Nam sẽ không lại leo thang thêm vài cú sốc nữa?
Ở thời điểm ngày 1/1/2010, giá xăng A92 là 15.950 đồng/lít, dầu diezen có giá 14.600 đồng/lít, dầu hỏa có giá 15.200 đồng/lít và dầu madut loại 3,5S là 13.000 đồng/kg. Ngày 1/1/2011, giá xăng A92 có giá 16.400 đồng/lít, dầu diezen có giá 14.750 đồng/lít, dầu hỏa 15.100 đồng/lít và dầu madut là 12.690 đồng/kg. Ngày 1/1/2012, một mặt bằng giá mới đã được thiết lập với giá xăng là 20.800 đồng/lít, dầu diezen 20.400 đồng/lít, dầu hỏa 20.800 đồng/lít, dầu madut: 16.800 đồng/kg. Đến nay ngày 24/5, giá xăng đã là 22.700 đồng, dầu diezen là 21.200 đồng/lít, dầu hỏa 21.100 đồng/lít và dầu madut là 18.900 đồng/kg. |