Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201205/19913-kenh-nha-le-bi-xam-hai-nghiem-trong-397619/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//kinh-te-xa-hoi/201205/19913-kenh-nha-le-bi-xam-hai-nghiem-trong-397619/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Kênh nhà Lê bị xâm hại nghiêm trọng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 03/05/2012, 18:00 [GMT+7]
19913

Kênh nhà Lê bị xâm hại nghiêm trọng

Hiện nay dòng kênh lịch sử này đang ngày càng bị thu hẹp dần do nạn lấn chiếm, vi phạm nghiêm trọng đến Luật bảo vệ Di sản Văn hoá. Tình trạng trên đã diễn ra một cách có hệ thống, nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có giải pháp khắc phục và xử lý triệt để.
 
Kênh nhà Lê đi qua địa phận cuối cùng trên đất Nghệ An chính là một phần nhánh kênh Đích, sông Vinh nối liền Cấm Giang với Lam Giang. Với hệ thống kênh này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thông, buôn bán từ các tỉnh Bắc Trung Bộ ra Bắc Bộ.
 
Dòng kênh trở thành con đường huyết mạch về thuỷ lợi, giao thông từ thời bình cũng như thời chiến, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kênh nhà Lê là nơi chuyên chở bộ đội vũ khí, hàng hoá, chi viện cho chiến trường miền Nam. Hàng năm, con kênh này phục vụ tưới tiêu cho trên gần 400 ha đất nông nghiệp cho xã Nghi Yên và các xã lân cận.
 
Thế nhưng, đi dọc con kênh lịch sử này theo Quốc lộ 1A, đoạn từ xã Nghi Diên đến xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, chúng tôi cảm thấy nuối tiếc vì mức độ ô nhiễm đến thảm hại và bị xâm hại nghiêm trọng của dòng kênh. Hai bên bờ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, rác thải lấp đầy mặt kênh. Trước kia, dòng kênh nước trong veo, kênh có chiều rộng từ 10 - 12 m, sâu 3 - 4 m, thuyền bè đi lại dễ dàng, thì nay dòng nước đen sì, chiều rộng bị thu hẹp lại chỉ còn 3 - 4 m. Hàng chục ngôi nhà mọc lên kiên cố sát bờ kênh, phần diện tích lấn chiếm này được sử dụng làm nhà ở, tập kết vật liệu xây dựng…
 
Đài tưởng niệm Kênh nhà Lê ở xã Nghi Diên (Nghi Lộc, Nghệ An)
 
Ông Nguyễn Huy B - một người dân xã Nghi Diên cho biết: “Trước kia khi nước ở kênh còn sạch, chúng tôi còn ra kênh tắm giặt, trẻ con bơi lội bình thường, nhưng giờ đây, kênh vừa bẩn lại vừa hôi nên không ai dám ra nữa”.
 
Một số người dân địa phương khác cũng phản ánh: “Việc lấn chiếm trên diễn ra trong nhiều năm. Ban đầu, một số hộ dân xây công trình phụ và nhà ở trên đó. Thấy người này làm được nên dần dần những người khác cũng làm theo để lấn chiếm hành lang Kênh”.
 
Đập vào mắt chúng tôi là hàng chục cây xăng, nhà vệ sinh… xả nước thải trực tiếp ra kênh, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nếu cứ cái đà này thì chỉ vài năm nữa, di tích được xếp hạng lịch sử này sẽ bị bức tử!
 
Trước vấn đề này, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Công Nhuần - Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh. Ông Nhuần cho biết: Kênh nhà Lê đã được xếp hạng di tích lịch sử, vì vậy không thể để tình trạng này tiếp tục tái diễn. Chúng tôi sẽ giao cho UBND huyện Nghi Lộc - là địa phương trực tiếp quản lý di tích Kênh nhà Lê giải quyết. Đồng thời, Sở cũng sẽ cho thanh tra kết hợp với phòng Văn hoá thông tin của huyện Nghi Lộc tiến hành kiểm tra, đồng thời, làm việc với UBND xã Nghi Diên, lập biên bản xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm. 
 
Kênh nhà Lê ngày càng bị thu hẹp
 
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm và ô nhiễm Kênh nhà Lê bắt nguồn tự sự thiếu hiểu biết cũng như thiếu ý thức của một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, còn tồn tại một nguyên nhân lớn - đó chính là sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, dẫn đến tình trạng người dân xâm hại hành lang công trình thuỷ lợi kênh mương, vi phạm nghiêm trọng Luật Bảo vệ di sản Văn hoá.
 
Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý kiên quyết theo quy định. Có như vậy mới trả lại môi trường cảnh quan sạch đẹp cho dòng kênh. Sự thay đổi hay tồn tại của dòng kênh lịch sử này phụ thuộc nhiều vào sự bảo tồn và gìn giữ của thế hệ hôm nay.

Hằng Nga
.