Hầu hết các bãi đều có diện tích lớn, gần mặt đường. Có hộ tận dụng quỹ đất của gia đình, cũng có hộ thuê mặt bằng của người khác nhưng đều bám 2 bên hành lang Quốc lộ 1A để dễ hoạt động.
Quỳnh Văn là xã phát triển rầm rộ nhất loại hình sản xuất này. Chỉ tính riêng các thôn 11, 12, 15, 16 và 17 ven lộ đã có đến 90 hộ dân sản xuất táp lô với 100 máy đúc khuôn và 200 máy nhào trộn nguyên liệu. Các bãi này mọc lên theo kiểu tự phát, hoạt động bát nháo, mạnh ai nấy làm nên họ cho máy chạy hết công suất gây tiếng ồn đinh tai nhức óc làm ảnh hưởng cuộc sống các gia đình, học sinh cũng không thể học bài trong tiếng máy chạy ồn ào, rầm rập suốt ngày đêm.
Khói máy, khói xe, bụi đất, bụi cát, bụi xi măng hòa quyện vào nhau bốc lên mù mịt, tấn công vào các gia đình, che lấp thôn xóm, rơi xuống các giếng nước các vườn rau… gây ảnh hưởng, ô nhiễm môi trường một cách nghiêm trọng.
Máy dập sò và người không có bảo hiểm ngăn cách
Nhân công ở đây chủ yếu là lực lượng nông dân đến làm thuê theo thời vụ, không có hợp đồng, không bảo hiểm, bảo hộ nên khi tai nạn xảy ra, chủ bãi không hỗ trợ bất cứ một khoản nào. Lực lượng lao động gồm cả người già quá tuổi và trẻ con chưa đến tuổi lao động.
Do người nhiều việc ít nên họ được thuê với đồng công hết sức rẻ mạt. Bốc 1 xe sò chỉ có giá 20 ngàn đồng chia cho 10, 12 người. Làm cả ngày cật lực chỉ được 15.000 - 16.000 đồng. Người trực tiếp đứng máy dập khuôn sò chỉ được trả 70.000 đồng.
Điều nguy hiểm nhất ở đây là các máy dập sò được thiết kế thủ công hết sức thô sơ nhưng lại chạy bằng điện. Giữa máy dập và người làm không có bộ phận bảo hiểm ngăn cách. Người làm thuê không được trang bị bất cứ một loại đồ bảo hộ lao động nào nên đưa tay chân trần vào trực tiếp điều khiển máy. Vì vậy, chỉ cần một chút sơ suất, hoặc chậm một tích tắc tai nạn sẽ xảy ra.
Anh Hồ Trọng Chinh xóm 3, trong lúc làm thuê cho điểm sản xuất sò Nam - Thắm đã bị máy đúc khuôn cắt đứt 2 ngón chân. Gần đây nhất 10h ngày 1/3, khi xúc đá vào máy dập sò táp lô tại điểm sản xuất của anh Hồ Thân, chị Hồ Thị Hoạt (40 tuổi) xóm 8, xã Quỳnh Văn, nhân công làm thuê đã bị máy cắt gọn 1/2 bàn tay phải. Chị nhanh chóng được đưa vào băng bó tại Bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu rồi chuyển gấp đi Hà Nội ngay sau đó.
Chị Hồ Thị Hoạt bị máy dập sò cắt đứt 1/2 bàn tay phải
Do nhiều điểm sản xuất nên mỗi ngày có đến hàng ngàn viên sò ra lò và được đem phơi lấn chiếm cả lề đường. Đất đá, xi măng từ các ki-ốt sò tràn ra che hết giải phân cách dành cho người đi bộ.
Vào giờ cao điểm, các loại xe tải lớn nhỏ vào ra ăn hàng, hàng trăm cửu vạn tranh nhau bốc sò lên từng chuyến xe gây nên cảnh lộn xộn che khuất tầm nhìn của người và phương tiện tham gia giao thông tạo nên nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng. Mới đây nhất anh Đào Xuân Trợi chở bạn chạy tà tà sát bên đường, bất ngờ chiếc xe chở vật liệu từ ki-ốt sò lùi ra đâm vào xe anh làm 2 người bị thương phải nhập viện.
Chiều ngày 6/4, trao đổi với chúng tôi về các bất cập trên, ông Lê Đôn Hóa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Văn cho biết: “UBND xã nhiều lần xuống tận các cơ sở sản xuất kiểm tra lập biên bản xử lý các hộ vi phạm nhưng hiệu quả chưa cao. Dịch vụ này phát triển đã giải quyết hoàn toàn nhân công nhàn rỗi ở địa phương và tạo việc làm cho lao động các địa phương lân cận. Lợi ích kinh tế nó mang lại cho địa phương là rất lớn. Thiên nhiên ưu đãi cho Quỳnh Văn mỏ đá Trụ Hải với trữ lượng lớn tạo nên nguồn vật liệu dồi dào. Xã đã tìm được khu đất nằm sát mỏ đá quy hoạch trình cấp trên xin thành lập làng nghề sản xuất táp lô. Toàn bộ các hộ sản xuất sẽ được quy tụ về đây vừa phát triển kinh tế địa phương vừa chấm dứt các hệ lụy trên”.
Mong rằng, nguyện vọng chính đáng của chính quyền và nhân dân xã Quỳnh Văn sớm được cấp trên quan tâm phê duyệt.
Đình Lộc
.