Là địa bàn chỉ có 600 ha lúa nước, nên cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào rừng để làm rẫy. Chính vì vậy mà hàng năm ở huyện Tương Dương phải quy hoạch khoảng 4.000 ha đất rừng để làm rẫy. Với diện tích phát nương làm rẫy rộng lớn như vậy, cộng thêm địa hình phức tạp nên công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) ở Tương Dương gặp không ít khó khăn.
Qua thống kê những năm gần đây cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng là một số người dân chưa có ý thức bảo vệ rừng, có người vô trách nhiệm trong sản xuất nương rẫy không chấp hành quy định PCCCR. Đặc biệt, thời tiết nắng nóng, những rừng phòng hộ, rừng nguyên sinh có thảm thực vật dày và khô chỉ cần một tàn lửa nhỏ là có thể bùng lên thành đám cháy.
Khi xảy ra cháy rừng rất khó dập tắt vì địa hình vùng cao hiểm trở, phương tiện chữa cháy còn thô sơ. Vì vậy, trước khi bước vào mùa đốt nương làm rẫy, Hạt Kiểm lâm huyện đã kết hợp với các cơ quan chức năng phân vùng cho từng hộ dân, từng thôn bản, tổ chức ký cam kết phòng, chống cháy rừng, phát dọn đường băng cản lửa; tăng cường quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy, đặc biệt là khu vực trong rừng và gần rừng; hướng dẫn và quản lý chặt chẽ việc đốt nương làm rẫy ở những vùng theo quy hoạch.
Nguy cơ cháy rừng khi bà con ở Tương Dương đốt dọn thực bì
Theo đó, huyện đã thành lập ban chỉ huy phòng chống cháy rừng gồm 25 thành viên, thành lập 1 trung đội cơ động gồm 22 người là lực lượng phản ứng nhanh kịp thời xử lý tình huống khi cháy xảy ra. Tại các thôn, bản đã thành lập 145 tổ đội với 150 người tham gia và trên 16.500 người ký cam kết thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống cháy rừng.
Cam kết cũng nêu rõ, nếu người dân đốt nương làm rẫy thì chỉ được đốt ở những khu vực đất trống đồi núi trọc hoặc những vùng lau lách đã được quy hoạch. Trước khi đốt, phải có trách nhiệm báo cáo với chính quyền địa phương để được hướng dẫn. Đồng thời, các cấp, ngành liên quan đã tổ chức các cuộc diễn tập về phòng cháy, chữa cháy rừng, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho người dân.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, huyện còn xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại rừng, hành vi liên quan đến nguy cơ cháy rừng. Riêng trong năm 2011, trên địa bàn huyện Tương Dương có 15 hộ đốt rẫy lây lan sang rừng Pù Uống. Sau những vụ cháy xảy ra, nhiều người dân đã nhận thức được việc đốt nương gây cháy vào rừng, làm thiệt hại nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên rừng là sai và tự nguyện làm đơn xin khắc phục hậu quả. Việc làm này đã thể hiện ý thức bảo vệ nguồn tài nguyên rừng của người dân vùng cao.
Một thực tế khó khăn ở Tương Dương trong công tác PCCCR năm nay, đó là hiện nay khi đồng bào tái định cư lại quay trở về lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ để sinh sống nhiều, do không có đất đai canh tác người dân đang tự ý phát rừng làm rẫy nên rất khó kiểm soát về cháy rừng và tình trạng phát rừng làm nương rẫy đang là nỗi lo thường trực của các lực lượng chức năng.
Được biết, hiện nay đã có 250 hộ dân tái định cư quay về lòng hồ sinh sống sản xuất, nhiều hộ đã dựng nhà cửa, phát rừng trồng lúa, trồng sắn. Ngoài ra, ở các vùng lân cận lòng hồ như Huổi Sơn trên 1.000 nhân khẩu phát vào rừng đất trống 1B, 1C, trong khi đó nếu căn cứ vào Nghị định 99 thì Hạt Kiểm lâm chưa xử lý được. Một số hộ dân ở đây phát rẫy vào khu vực rừng phòng hộ nhưng đây là lâm bạ hồi xưa họ được giao, khi thu hồi đất để tái định cư không thu hồi sổ đỏ nên người dân vẫn tự ý đốt nương làm rẫy ở khu vực này.
Ông Võ Sỹ Lâm - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tương Dương cho biết: “Nguyên nhân dẫn đến cháy rừng chủ yếu là do con người, do các hoạt động sản xuất nương rẫy khi bà con sử dụng lửa để dọn thực bì. Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho chính quyền địa phương tiến hành giám sát hướng dẫn bà con làm rẫy đúng vùng quy hoạch trong quá trình phát dọn thực bì, xử lý thực bì để sản xuất nương rẫy, làm đường băng cản lửa, phải đốt vào thời điểm thời tiết không khắc nghiệt, hơn nữa đốt đúng kỹ thuật.
Vào thời gian này, Ban chỉ huy PCCCR huyện thường xuyên kiểm tra tình hình xã nào không tổ chức tốt sẽ bị xử lý. Huyện đã xây dựng phương án PCCCR ở tất cả các xã và thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, phương tiện tại chỗ)”.
T. Thảo - Tr. Khuyên
.