Theo bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart), hiện nay, tỷ trọng hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Fivimart chiếm trên 80% hàng Việt Nam trong tổng số 25.000 mặt hàng đang kinh doanh. Ngay cả các siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài như Big C, trong cơ cấu hàng hóa của siêu thị cũng có đến 80 - 90% các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất.
Xu hướng người tiêu dùng chuộng hàng nội càng thể hiện rõ khi thị phần bánh kẹo do các công ty trong nước sản xuất "át" hẳn hàng ngoại với đủ chủng loại từ giá bình dân cho đến cao cấp.
Ông Trương Minh Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) - đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Hapro Mart cho biết: "Trong đợt chuẩn bị hàng hoá cung ứng cho thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Hapro đã nâng cao cơ cấu hàng Việt Nam trong hệ thống kinh doanh. Không chỉ tại hệ thống siêu thị Hapro, hàng nội đang "áp đảo" hàng ngoại mà hầu hết các siêu thị khác cũng trong tình trạng tương tự".
Không chỉ có hàng ăn, đồ uống, mà theo giới kinh doanh các sản phẩm gốm sứ tại Hà Nội, nếu như trước đây ở hầu hết các chợ, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh nhờ giá rẻ, mẫu mã phong phú. Tuy nhiên, trong vòng một năm trở lại đây, hàng nội được nhiều người tiêu dùng lựa chọn hơn.
Mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, giá cả phù hợp... là lý do khiến nhiều người tiêu dùng Việt có xu hướng quay trở lại chọn các sản phẩm gốm sứ nội địa. Các thương hiệu gây nhiều chú ý hiện như gốm Minh Long, Bát Tràng, Cường Phát...
Chủ một cửa hàng trên phố Hàm Long tiết lộ, từ cuối năm 2010 đến nay, doanh thu từ việc bán sản phẩm trong nước chiếm đến 50%, con số này tăng gần gấp đôi so với những năm trước đó. Trong đó, gốm, sứ cao cấp như Minh Long được nhiều người chọn do hoa văn, họa tiết sắc sảo, không bong tróc, không bị mờ, màu sắc thanh nhã tự nhiên.
Tại một số chợ đầu mối như Đồng Xuân, Thành Công, Ngã Tư Sở, các sản phẩm hàng Trung Quốc đang có xu hướng giảm dần về số lượng. Lý do là, người tiêu dùng không còn mấy mặn mà, dù rằng các sản phẩm này được chào bán với giá khá mềm.
Đẩy mạnh quảng bá cho hàng Việt
Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, tại các siêu thị, chợ đầu mối nông sản thực phẩm thành phố và các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội, hàng Việt đã được bày bán với số lượng lớn, chiếm tỷ lệ 85 - 95%.
Điều đáng mừng, hàng Việt không chỉ hiện diện tại các siêu thị mà còn được doanh nghiệp sản xuất, phân phối thông qua các phiên chợ Tết, nhằm đẩy mạnh việc đưa hàng Việt đến khu công nghiệp, khu chế xuất để công nhân và người lao động đều có thể lựa chọn và sử dụng.
Ông Đào Văn Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho biết: "Từ khi có cuộc vận động, các doanh nghiệp trong nước đã dần nhận thấy đây là thời cơ để vượt lên chiếm lĩnh thị trường trong nước. Để làm được điều này nhiều doanh nghiệp đã tập trung mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền thiết bị hiện đại để nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm. Nhờ đó, uy tín sản phẩm trong nước sản xuất đã được nâng lên, lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng nội ngày càng được củng cố. Mặt khác, trong thời gian gần đây việc các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, bắt giữ nhiều mặt hàng nhập ngoại không rõ nguồn gốc, chất lượng ATVSTP không đảm bảo khiến người tiêu dùng trong nước càng e ngại hàng nhập khẩu".