Giá biến động chủ yếu do tư thương
Mặc dù cảm quan chung là hàng hóa Tết năm nay không biến động mạnh, nhưng hầu hết các mặt hàng đều lặng lẽ tăng giá. So với tuần trước 23 Tết, giá cả tuần này phải tăng lên ít nhất khoảng 10%. Đơn cử bắp bò, hiện đang được bán với giá 350.000 đồng/kg, tăng hơn 30.000 đồng so với Tết ông Công ông Táo, thịt thăn cũng có giá 240.000 đồng/kg (tăng hơn 40 – 60 nghìn đồng so với dịp trước Tết).
Tương tự, giò lụa bán ở chợ cũng đã lên mức 160.000 – 180.000 đồng/kg, trong khi tại các làng nghề giò chả, giá chỉ 130.000 đồng. Tiêu thụ mạnh nhất là thịt lợn, gà hiện cũng đã tăng 20 - 30 nghìn đồng/kg, đặc biệt là sườn, tim... những món người dân thường mua tích trữ ăn Tết. Thậm chí hàng khô như măng, miến, mộc nhĩ cũng rục rịch tăng thêm dăm, mười nghìn đồng.
Tại siêu thị hàng hóa khá bình ổn, trong khi chợ truyền thống giá biến động hằng ngày. Ảnh: Huyền Sim. |
Theo kinh nghiệm của các bà nội trợ, đỉnh điểm của tăng giá sẽ là vào ngày 29 Tết, khi các gia đình đều “tổng động viên” mua sắm. Sang đến ngày 30, nếu hàng hóa dồi dào, ế ẩm, tư thương sẽ tự động giảm giá. Còn nếu hàng khan, họ sẽ lập tức thét giá lên trời. Do vậy, trong 2 ngày cuối cùng của năm này, giá cả sẽ thay đổi chóng mặt theo giờ.
Trao đổi với chúng tôi, chủ một cửa hàng bán đặc sản tại Hà Nội cho biết: Thực ra giá hàng hóa không hề tăng, vì đây đều là hàng dự trữ từ trước để bán Tết. Nhưng thấy hàng hóa bán chạy, qua mỗi đầu mối lại tăng thêm một ít, nên đến tay người tiêu dùng tăng lên khá nhiều. Thêm nữa chi phí bán hàng mùa Tết cũng cao, rủi ro lại lớn do ai cũng “ôm” hàng nhiều, nên tranh thủ lúc bán chạy là phải “kiếm” thêm một ít.
Tại cửa hàng này, thịt trâu sấy đã tăng lên 570.000 đồng/kg, trong khi trước đó mấy ngày chỉ có 530.000 đồng. Món đặc sản miền núi này được khách hàng khá ưa thích, nên giá hầu như tăng từng ngày. Tương tự với chả mực, giò bê, bắp bò... Các loại mứt cũng tăng thêm 20.000 đồng/kg.
Các mặt hàng như rượu, bia, nước giải khát cũng tăng giá khá nhiều. Theo khảo sát của chúng tôi tại chợ Hàng Da, các loại rượu quen thuộc như Chivas, Ballantines, Johnny Walker đều đã tăng giá. Có thể kể đến Chivas 21 tăng từ 2,3 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng, Johnny Walker Blue có giá 3,05 triệu đồng, trong khi năm ngoái chỉ khoảng 2,2 triệu.
Lý giải nguyên nhân này, các chủ hàng cho biết hàng từ “bên kia” không về được, hoặc hàng cũ không còn sản xuất, ra mẫu mới chất lượng hơn... Bia như Heineken hiện cũng đã lên khoảng 375.000 đồng/thùng. Chủ một số đại lý cho biết, chỉ trong vòng 2 tuần, giá bia Heineken đã nhảy giá tới 4 lần, mỗi lần tăng 5.000 đồng/thùng...
Sức mua tại siêu thị yếu hơn mọi năm
Trong khi hiện đang là dịp cao điểm sắm Tết, thì tại các siêu thị, lượng khách tuy có tăng mạnh, nhưng sức mua vẫn yếu hơn năm ngoái. Qua khảo sát của chúng tôi tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội, chỉ những đại siêu thị như Big C, Metro mới có hiện tượng khách quá đông, ùn ứ tại một số thời điểm. Còn tại các siêu thị hạng trung, hầu như không xảy ra ùn tắc.
Thậm chí chiều 25 Tết, tại siêu thị Intimex Bờ Hồ, khách hàng rất vắng vẻ, không có dấu hiệu gì của mua sắm Tết. Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Thị Hậu – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết: Đây là thời điểm sức mua cao nhất trong năm. Tại hệ thống Fivimart, lượng khách đã tăng lên gấp đôi. Khách hàng chủ yếu mua thực phẩm tươi, thực phẩm đóng hộp, trái cây, bánh kẹo...
Tín hiệu mừng là đại diện các siêu thị đều cho biết giá cả hàng hóa biến động rất ít. Ngay từ khoảng 20 Tết, các siêu thị đã chỉ bán hàng ra chứ không điều chỉnh tăng giá mặt hàng nào. Đối với các mặt hàng bánh kẹo của các hãng sản xuất có tiếng trong nước, ngoài việc điều chỉnh giá khoảng 5% do thay đổi mẫu mã, khuyến mãi, thì hoàn toàn không có chuyện tăng giá giữa chừng.
Tại các quầy hàng bình ổn giá, giá vẫn giữ ổn định, do đó thấp hơn giá tại các đại lý ngoài khoảng 5%. Nguyên nhân do các cửa hàng này đã được UBND TP Hà Nội ứng vốn để dự trữ hàng bình ổn từ trước.