Mỗi năm, từ trang trại đó cho thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm, có tiền gia đình anh thoát nghèo, con cái được ăn học đến nơi, đến chốn.
Đó là sự nỗ lực và táo bạo khi đứng ra chuyển đổi từ trồng trọt sang chăn nuôi của vợ chồng anh Lê Văn Hào và chị Nguyễn Thị Thành ở xóm 4, Thái Minh, Tiên Kỳ, Tân Kỳ.
Những năm trước anh Hào làm lái xe cho gia đình còn chị Thành làm thợ may và chạy chợ. Năm 2003, anh Hào bị tai nạn trong một lần chạy xe dẫn đến mất sức phải nghỉ ở nhà. Anh và chị gặp nhau và nên duyên vào năm 2007, gia đình hai bên đều làm nông và rất nghèo.
Cưới xong, đôi vợ chồng trẻ được bố mẹ chia cho ít đất nông nghiệp để làm ăn, nhưng đất thì ít, lại mất mùa nên cuộc sống của hai vợ chồng khá khó khăn. Hàng ngày, chồng làm nông, vợ chạy chợ nhưng kinh tế cũng chỉ đắp đổi qua ngày. Khi chị Thành mang thai và sinh con, gánh nặng kinh tế lại đè lên đôi vai người chồng.
Trong vòng túng quẫn của cái nghèo, anh Hào luôn mong mỏi tìm ra hướng phát triển kinh tế cho gia đình. Đầu năm 2009, anh Hào mạnh dạn đứng ra vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 30 triệu đồng để làm vốn. Có tiền, anh cũng chưa biết mình sẽ làm gì, tình cờ một lần xem trên ti vi thấy người ta chăn nuôi gà, vịt, lợn cho thu nhập cao. Thấy vậy, anh Hào nghĩ hay mình cũng thử chăn nuôi theo hướng đó.
Gà, vịt, ngan là sản phẩm chính trong trang trại của gia đình
Nhưng lúc này, trên địa bàn xã chưa có nhà nào làm nên anh cũng hơi phân vân. Về bàn với vợ, chị Thành ủng hộ nhiệt tình ý tưởng của chồng. Hôm sau anh Hào mua vật liệu về xây chuồng nuôi lợn và nuôi gà, vịt. Ban đầu cũng chỉ vài chục con gà, mấy con vịt và đôi lợn giống nhưng đó cũng là một tài sản lớn của hai vợ chồng.
Nhờ được chăm sóc tốt, những con giống phát triển nhanh và bắt đầu sinh sản. Những lứa đầu tiên, anh chị để lại nuôi để mở rộng thêm quy mô trang trại. Nhìn đàn gà, vịt, lợn ngày càng phát triển, anh chị vui mừng ra mặt khi nhà sẽ không còn bị đói, thế nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì bệnh dịch tràn về. Bán chạy, bán tháo mà bận đó cũng lỗ to, mất hết cả giống ban đầu, hai vợ chồng chán nản. Nhưng dừng lại lúc này thì lấy đâu ra tiền để trả nợ, thời gian sau, anh Hào tiếp tục mua giống về nuôi.
Rút kinh nghiệm đợt trước, lần này vợ chồng anh chị cẩn thận hơn trong việc tiêm phòng cũng như vệ sinh chuồng trại. Để kịp thời phát hiện và chữa bệnh cho vật nuôi, anh Hào đăng ký tham gia học lớp sơ cấp thú y. Từ đợt đó, hễ vật nuôi trong chuồng có biểu hiện ốm là anh chị cho tách riêng và tiến hành tiêm phòng dịch bệnh.
Đến lúc này, anh chị không còn lo vật nuôi bị bệnh dịch, năm 2010, anh chị quyết định dùng 7 sào đất trong vườn nhà để mở trang trại. Thu hoạch lứa đầu tiên, hai vợ chồng đã có dư tiền để trả nợ ngân hàng và sửa sang lại nhà cửa. Anh Hào cho biết: “Nói chung các con vật nuôi trong trang trại gia đình đều tương đối dễ chăm sóc, chỉ cần mình để ý các triệu chứng phát bệnh để kịp thời tiêm phòng cũng như cách ly tránh để lây qua các con khác, hơn nữa thức ăn dùng để chăn nuôi tương đối dễ kiếm và rẻ, nhưng sản phẩm bán ra thị trường có giá khá cao nên lợi nhuận tương đối cho người nông dân”.
Đến nay, trong khu trang trại của gia đình anh chị có 40 con lợn, 250 - 300 con ngan, 1000 con gà thịt và hơn 300 con vịt đẻ. Trung bình mỗi năm anh chị xuất chuồng hai lứa lợn, cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng, các sản phẩm từ trang trại được cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn hay thị trấn Lạt.
Ngoài ra, anh chị còn là đầu mối cung cấp trứng, gà thịt, ngan thịt cho các huyện như Con Cuông, Anh Sơn, Đô Lương và thỉnh thoảng còn xuất bán vào miền Nam. Trung bình mỗi năm, anh chị thu về từ khu trang trại hơn 300 triệu đồng/năm. Trừ chi phí tái đầu tư sản xuất, anh chị thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Có nguồn thu nhập cao và ổn định, bà con trong vùng thường xuyên đến học tập kinh nghiệm để về áp dụng vào chăn nuôi trong gia đình.
Hiện nay, ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh Hào, chị Thành còn là đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô trong toàn xã. Suốt ngày bận rộn với công việc của trang trại nhưng chị Thành vẫn thường xuyên tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ. Trang trại của anh chị được đánh giá là trang trại điểm của toàn xã để nhân rộng mô hình chăn nuôi hộ gia đình đem lại thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống cho người dân. Gia đình anh chị nhiều năm liền đạt Gia đình văn hóa, các con chăm ngoan, học giỏi.
Trịnh Thành
.