Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Ảnh minh họa |
Một số kết quả ứng dụng công nghệ thông tin y tế nổi bật như: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong bệnh viện: 100% các bệnh viện trên toàn quốc đã triển khai hệ thống thông tin quản lý bệnh viện; có 10 bệnh viện và 01 phòng khám đã triển khai bệnh án điện tử thay cho bệnh án giấy; có 23 bệnh viện đã triển khai hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS) thay cho in phim. Một số bệnh viện ở thành phố Hà Nội, thành phố Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh đã sử dụng mạng xã hội trong tương tác người bệnh hay ứng dụng điện toán đám mây trong khám bệnh, chữa bệnh như ở Nghệ An, Tiền Giang, Kon Tum....
Đã triển khai thành công kết nối liên thông dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa 99.5% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế) với cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế với sự tham gia của 1.000 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử và bước đầu đã triển khai để quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời tại một số địa phương như tỉnh Phú Thọ, Tỉnh Bình Dương, …. Xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại y tế cơ sở.
Ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, An toàn COVID ….
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực của ngành y tế còn tồn tại một số vấn đề sau đây: Số liệu thống kê manh mún, thiếu tập trung và nhiều thông tin bị trùng lặp do có sự giao thoa về đối tượng quản lý. Phương pháp thống kê và định dạng thông tin chi tiết cần thống kê không đồng nhất dẫn đến việc số liệu không chính xác, không mô tả đúng thực trạng. Đối tượng chịu trách nhiệm thống kê phải thực hiện việc thống kê báo cáo thành nhiều lần. Không thể thực hiện việc kết nối dữ liệu phục vụ cho quản lý và mất nhiều thời gian khi thực hiện khai thác số liệu.
Nhiều lĩnh vực trong ngành y tế chưa có cơ sở dữ liệu để quản lý như dữ liệu về cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe (cơ sở đào tạo để cấp văn bằng, cơ sở đào tạo để cấp chứng chỉ, chứng nhận…); dữ liệu về ngân hàng mô; dữ liệu về cơ sở sản xuất mỹ phẩm; cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế; dữ liệu về giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần…
Theo Bộ Y tế, cần xây dựng Nghị định quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế nhằm hướng đến việc tạo các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế để phục vụ việc quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện chính sách, nhu cầu của cơ quan, tổ chức và người dân; góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính; cung ứng dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực y tế.
Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế
Theo dự thảo, cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế là tập hợp thông tin, dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh, y tế dự phòng, dược - mỹ phẩm, quản lý trang thiết bị y tế, thực phẩm thuộc quản lý nhà nước của Bộ Y tế, dân số - kế hoạch hóa gia đình và các thông tin khác có liên quan đến lĩnh vực y tế.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được xây dựng đồng bộ, tập trung, thống nhất, dùng chung trên phạm vi toàn quốc do Bộ Y tế xây dựng và quản lý.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế được xây dựng tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin và sự tương thích, thông suốt giữa các hệ thống thông tin.
Thiết kế cấu trúc của cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế phải có tính tương thích, khả năng tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan; bảo đảm việc mở rộng, nâng cấp và phát triển.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
.