Gia đình xã hội

Tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An

Dự án trăm tỉ mòn mỏi chờ bàn giao mặt bằng

09:11, 23/10/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Là dự án thu hút đầu tư nước ngoài, được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, dự kiến sau khi đưa vào hoạt động sẽ giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Thế nhưng, sau một thời gian dài triển khai, dự án vẫn dậm chân tại chỗ vì chưa được bàn giao mặt bằng.

Phối cảnh tổng thể dự án Nhà máy may xuất khẩu Mareep         tại xã Diễn Thịnh
Phối cảnh tổng thể dự án Nhà máy may xuất khẩu Mareep tại xã Diễn Thịnh
Dự án xây dựng nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại khu C (Khu công nghiệp Thọ Lộc) tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu do Công ty TNHH Mareep (doanh nghiệp Hàn Quốc) làm chủ đầu tư. Dự án này được Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ tháng 5/2019. Đến tháng 8/2019, dự án được phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng với tổng mức đầu tư hơn 138 tỉ đồng, diện tích quy hoạch là 7 ha tại khu đất sản xuất nông nghiệp của 65 hộ dân ở xóm 5 và xóm 9, xã Diễn Thịnh.
 
Nhà máy này khi hoàn thành dự kiến có khoảng 5.000 lao động. Trong đó, nhà đầu tư cam kết sẽ hỗ trợ đào tạo nghề và tiếp nhận các trường hợp thuộc diện bị thu hồi đất trong trong độ tuổi lao động được bố trí làm việc tại nhà máy. Tuy nhiên, đã hơn 1 năm kể từ khi được phê duyệt, dự án này vẫn chỉ đang nằm trên giấy vì vướng mặt bằng. Sau khi có chủ trương đầu tư, quy hoạch chi tiết dự án được duyệt, Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã tổ chức triển khai chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành đến tận từng hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai phương án bồi thường, hầu hết các hộ gia đình, cá nhân không đồng thuận, khi cho rằng giá bồi thường quá thấp. Đại diện lãnh đạo huyện Diễn Châu cho biết, kể từ khi dự án được chấp thuận đến nay, chính quyền các cấp đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, vận động trực tiếp, hiện mới chỉ có 35 hộ đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng và ký hồ sơ, bàn giao đất. Còn lại 30 hộ dân chưa đồng ý.
 
Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết thêm, người dân không đồng tình với mức giá đền bù theo quy định, mà yêu cầu chủ đầu tư phải thỏa thuận đền bù để được hưởng số tiền nhiều hơn. Vấn đề này, theo ông Vinh, dự án này thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, nên để chủ đầu tư tiến hành thỏa thuận đền bù với chủ sử dụng đất là trái với quy định của pháp luật. Huyện Diễn Châu cũng đã kiến nghị với các, ban,  ngành về việc hỗ trợ thêm cho các hộ dân, song Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản phản hồi “không có cơ sở để thực hiện”. Do vậy, chính sách bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất để thực hiện dự án theo đúng quy định hiện hành của UBND tỉnh. Giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường là 55.000 đồng/m2
Hiện trạng vị trí nhà máy đóng chân sau hơn 1 năm                  quyết liệt triển khai
Hiện trạng vị trí nhà máy đóng chân sau hơn 1 năm quyết liệt triển khai
Ông Hà Huy Đồng, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh thông tin thêm, khi biết có dự án lớn đầu tư vào địa bàn, chính quyền địa phương rất phấn khởi vì nhà đầu tư cam kết sẽ ưu tiên, tạo công ăn việc làm cho con em lao động trong xã, nên đã tạo điều kiện hết sức để dự án sớm đi vào hoạt động. Đến nay, cơ quan chức năng đã tổ chức 13 cuộc họp dân để giải thích vận động, trong đó có 6 cuộc lãnh đạo địa phương phải đến tận từng nhà để tuyên truyền các hộ dân ký hồ sơ bồi thường. Ngoài ra, còn có hàng loạt cuộc đối thoại do lãnh đạo huyện, tỉnh chủ trì, để giải thích rõ ràng về quy định của pháp luật nhưng việc giải phóng mặt bằng vẫn vướng mắc. Cũng theo ông Đồng, nhiều tháng nay, hầu như tuần nào cán bộ xã cũng trực tiếp đi vận động, nhưng người dân vẫn nhất quyết không ký hồ sơ bàn giao đất. “Chúng tôi đã hết cách rồi”, Chủ tịch UBND xã Diễn Thịnh cho biết. 
 
Được biết, dự án Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu là một trong những dự án thu hút đầu tư của tỉnh theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc chuẩn bị đón làn sóng chuyển dịch đầu tư mới từ nước ngoài. Việc giải quyết vướng mắc và bàn giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh để giữ uy tín của địa phương với nhà đầu tư, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về công tác bồi thường. Đề nghị UBND huyện Diễn Châu cần sớm có phương án giải quyết, thậm chí có thể tiến hành cưỡng chế theo đúng với quy định tại Điều 71 của Luật Đất đai để sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư; tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, cũng như ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh nhà.

THIỆN THÀNH

Các tin khác