(Congannghean.vn)-Dịch COVID-19 xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020 đã làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Trong lúc cả Đà Nẵng gồng mình chống chọi lại dịch bệnh, rất nhiều nghĩa cử, sự sẻ chia của cộng đồng đến từ Nghệ An đã góp phần hỗ trợ, động viên y, bác sĩ và người dân vượt qua khó khăn, tiến tới đẩy lùi dịch COVID-19.
Sáng 20/8, với tâm niệm “Đà Nẵng gọi - Nghệ An trả lời”, 16 bác sĩ Nghệ An đã lên đường tăng viện, hỗ trợ, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến ở TP Đà Nẵng. Cùng với cán bộ y tế nhiều tỉnh, thành trên cả nước lên đường đến Đà Nẵng làm nhiệm vụ, chuyến đi của ngành Y tế Nghệ An chở nặng yêu thương, tâm tình và quyết tâm cùng đánh thắng “giặc dịch”. Trong chuyến đi lần này, có cả những bác sĩ kỳ cựu, cũng có những bác sĩ trẻ chưa lập gia đình.
Các y, bác sĩ Nghệ An thể hiện quyết tâm trước khi lên đường vào Đà Nẵng |
Tại buổi gặp mặt trước giờ đoàn lên đường, PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An chia sẻ, với mỗi cán bộ y tế, nhận và hoàn thành nhiệm vụ ở Đà Nẵng thời điểm này là niềm vinh dự, tự hào của cá nhân, gia đình, cơ quan và toàn ngành Y tế Nghệ An. Điều này không chỉ thể hiện sự gan dạ, mưu trí và phục tùng mệnh lệnh yêu Tổ quốc mà còn là mệnh lệnh của trái tim. Là trưởng đoàn công tác, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Xuân Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Bệnh viện HNĐK Nghệ An cho biết: “Tôi nghĩ khi dịch bệnh xảy ra thì toàn dân đều phải tham gia chống dịch. Mọi người đều phải phát huy tinh thần tương thân, tương ái. Đặc biệt là y, bác sĩ thì càng phải có trách nhiệm chia sẻ những khó khăn này. Bản thân tôi tự nhận thấy chuyên môn của mình phù hợp yêu cầu nên tự nguyện đề xuất với lãnh đạo để được đi dịp này”. Dẫu biết sẽ có những khó khăn, vất vả nhưng các y, bác sĩ Nghệ An vẫn quyết tâm sắt son cùng tâm niệm, vào TP Đà Nẵng, với trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của mình, các thành viên trong đoàn sẽ hỗ trợ điều trị chăm sóc bệnh nhân.
Từ hơn 1 tháng nay, Đà Nẵng đang phải gồng mình để chống dịch. Hiện nay, các lực lượng chi viện của Bộ Y tế đang phối hợp tích cực với y tế Đà Nẵng và các lực lượng trên địa bàn để nâng cao năng lực xét nghiệm, điều trị, giúp y tế Đà Nẵng cơ sở vật chất để điều trị bệnh nhân COVID-19. Thực hiện lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, sự chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự chung tay, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương trong cả nước, TP Đà Nẵng đã phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với nhiều biện pháp phòng, chống dịch kịp thời, đồng bộ, mạnh mẽ, quyết liệt, đến nay bước đầu cơ bản kiểm soát tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Để hỗ trợ cho Đà Nẵng, các địa phương trên cả nước, nhất là trong ngành Y tế đã cử các tổ công tác chi viện cho các bệnh viện. Khi dịch bệnh một lần nữa “đe dọa” sự bình yên của mảnh đất hình chữ S thân yêu, hàng nghìn người con Việt Nam lại cùng nhau đứng về một chiến tuyến và quyết liệt chung tay hành động để đẩy lùi dịch bệnh. Cùng với các địa phương khác, ngay khi Sở Y tế Đà Nẵng có công văn đề nghị Sở Y tế Nghệ An hỗ trợ, sáng 15/8/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Tiến sĩ Bùi Đình Long đã ký Công văn số 5436/UBND-VX đồng ý cử 16 nhân viên y tế tăng viện, hỗ trợ, phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 tại các bệnh viện dã chiến ở TP Đà Nẵng.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cùng đoàn y, bác sĩ trước khi lên đường vào Đà Nẵng |
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và chung sức, đồng lòng của người dân, tính đến thời điểm hiện nay, các trường hợp nghi ngờ ở hai tâm dịch Đà Nẵng và Hải Dương đã được truy vết và cách ly, lấy mẫu triệt để, tiến hành xét nghiệm với số lượng mẫu lớn. Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới đã giảm rõ rệt. Bộ Y tế nhận định, tình hình dịch ở hai địa phương này đã được khống chế. Tuy nhiên, kể cả khi số mắc mới về 0 cũng không có nghĩa là mầm bệnh đã hoàn toàn được làm sạch tại cộng đồng. Chính vì vậy việc phải duy trì giám sát liên tục, chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm tất cả người sốt, ho, đau họng, cảm cúm tại cộng đồng và tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh là vô cùng cần thiết và đây là chỉ số giám sát theo dõi dịch rất quan trọng.
Tại Nghệ An, từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2020, tỉnh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch trong tình hình mới. Đến nay, tại tỉnh vẫn chưa ghi nhận ca nhiễm nào, song mỗi người dân phải chủ động nâng cao ý thức phòng, chống, bảo vệ sức khỏe bản thân, tích cực phối hợp với ngành Y tế và chính quyền các cấp để nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian sớm nhất. Nếu chủ quan, lơ là, mọi nỗ lực sẽ trở nên vô nghĩa, khó khăn lại nhân lên bội phần.
.