Thứ Bảy, 11/04/2020, 09:26 [GMT+7]

Phía sau cánh cửa khu cách ly

(Congannghean.vn)-Phía sau cánh cửa khu cách ly phòng chống dịch Covid-19 chẳng có gì đáng sợ, ngược lại là những hình ảnh lay động lòng người, chứa chan tình cảm đồng bào, đồng chí và sự nhiệt huyết với công việc của những con người nơi tuyến đầu phòng, chống dịch.
Đằng sau cánh cửa cách ly, một cuộc sống khác vẫn đang diễn ra
Đằng sau cánh cửa cách ly, một cuộc sống khác vẫn đang diễn ra
Không đáng sợ!
 
Trước khi quyết định tác nghiệp tại khu cách ly trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An số 2,  xã Nghi Ân, TP Vinh, tôi đắn đo suy nghĩ rất nhiều, sợ mình không may bị lây nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến gia đình, người thân và cộng đồng. Tuy nhiên, khác với tượng tưởng lúc ban đầu của tôi, nơi đây chẳng có gì đáng sợ cả. Được tận mắt chứng kiến lực lượng Quân đội, Công an, Y tế, nhân viên phục vụ vì hai tiếng “đồng bào” đã tận tình chăm sóc những người bị cách ly, tôi vô cùng ngưỡng mộ. 
 
Chị Phạm Thị Hoa (44 tuổi) là một trong 3 đầu bếp phục vụ trực tiếp tại khu cách ly trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An số 2 vẫn không quên được cái nhìn của những người hàng xóm khi biết công việc mà chị đang làm. Chị Hoa nhớ lại: “Khi biết tôi phục vụ cho hơn 500 người tại khu cách ly này, hàng xóm của tôi khuyên tôi nên xin tạm nghỉ việc ở nhà. Thậm chí một số người còn dè bỉu và đồn đoán nhiều điều ác ý về tôi và về khu cách ly,  nhưng tôi chỉ nghĩ một điều là nếu như ai cũng sợ thì ai sẽ là người tự nguyện phục vụ tại khu cách ly đây nên tôi vẫn quyết định gắn bó và phục vụ tại khu cách ly.”
Việc đưa cơm cũng diễn ra rất nhanh chóng trong im lặng, hạn chế sự giao tiếp
Việc đưa cơm cũng diễn ra rất nhanh chóng trong im lặng, hạn chế sự giao tiếp
Câu chuyện và suy nghĩ của chị Hoa cũng là hoàn cảnh chung của hơn 50 cán bộ, chiến sỹ lực lượng Quân đội, Công an, Y tế, các bạn đoàn viên…. những người đang tự nguyện gắn bó và phục vụ bà con đồng bào tại khu cách ly này từ những ngày đầu tiên. Chị Hoa chia sẻ thêm: Dù công việc khó khăn, vất vả, phải làm việc từ 7h sáng và có những hôm kết thúc ngày làm việc thì đã 21h đêm, nhưng chị cũng như tất cả mọi người phục vụ tại đây vẫn cảm thấy rất vui vì đã đóng góp một phần trong việc phòng, chống dịch Covid-19, nhất là chia sẻ được với nhân dân trong lúc khó khăn.
 
Khu cách ly trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An số 2, tại xã Nghi Ân, TP Vinh, hiện là ngôi nhà chung của hơn 500 công dân trở về cách ly từ các nước Lào, Thái Lan. Để phục vụ bà con kiều bào về tổ quốc tránh dịch, tại khu cách ly này luôn thường trực trên 50 cán bộ, nhân viên tình nguyện làm công tác phục vụ. Thời gian bước vào tâm dịch Covid-19, tất cả mọi người đều phải căng mình ứng phó. Mệt mỏi, áp lực, phải hy sinh thời gian cho bản thân, cho gia đình… song không ai nản lòng cả. Càng vậy họ càng hiểu rõ trách nhiệm của mình.
 
Thiếu tá Võ Văn Du - Cán bộ đang phụ trách khu cách ly cho biết thêm, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động theo quy trình cách ly thì mọi hoạt động của công dân vẫn được đảm bảo diễn ra bình thường. Việc thể dục, thể thao tại khu cách ly được tạo mọi điều kiện tốt nhất. Đến giờ ăn, ngủ đều có thông báo cho mọi người, các suất ăn luôn đầy đủ cơm, canh, rau thịt, hải sản, sữa... để đảm bảo mọi người có đủ dưỡng chất và được tăng cường hệ miễn dịch mỗi ngày. Việc đưa cơm cũng diễn ra rất nhanh chóng trong im lặng, hạn chế sự giao tiếp.
Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động theo quy trình cách ly thì mọi hoạt động của công dân vẫn được đảm bảo diễn ra bình thường
Bên cạnh việc thực hiện các hoạt động theo quy trình cách ly thì mọi hoạt động của công dân vẫn được đảm bảo diễn ra bình thường
…và những câu chuyện chưa kể.
 
Anh T.V.H một lao động từ Thái Lan trở về hiện đang được cách ly tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An số 2 tâm sự: “Chỉ có Việt Nam mình mới tổ chức đưa đồng bào về nước, bố trí nơi ăn, ở thoải mái như vậy. Ở đây cách ly, tôi xem như một cuộc nghỉ dưỡng sau thời gian làm việc mệt nhọc”.
 
Trở về từ Viên Chăn (Lào) trường hợp của anh N.V.L lại là một câu chuyện khác, khi chỉ còn 3 ngày nữa là hết thời hạn cách ly thì rạng sáng 08/4, anh L nhận được tin báo cha mất do tuổi cao sức yếu. Phận làm con, muốn được nhìn bậc sinh thành lần cuối, anh L xin phép cán bộ trung tâm được về, nhưng được sự động viên của cán bộ trung tâm rồi suy xét lại việc mình có thể đang trong thời gian ủ bệnh nên anh L quyết định chịu tang cha ngay trong khu cách ly. Hiểu và chia sẻ với nỗi đau của anh  L sau khi xin ý kiến lãnh đạo, ban quản lý khu cách ly đã cử các cán bộ mua đồ lễ để anh L lập bàn thờ chịu tang cha mình ngay trong khu cách ly đồng thời đại diện ban quản lý khu cách ly cũng đã về tận nhà anh L để thắp hương và chia buồn với gia đình. Ngoài bàn lễ thông thường, anh L được chuẩn bị chu đáo cả di ảnh người cha quá cố và tượng thánh giá theo tín ngưỡng đạo Thiên Chúa. 
Mỗi ngày khu cách ly phục vụ trên 1500 suất ăn
Mỗi ngày khu cách ly phục vụ trên 1500 suất ăn
Anh N.V.L xúc động chia sẻ: “Tôi vô cùng xúc động và biết ơn ban quản lý khu cách ly đã động viên và lo giúp tôi có thể thực hiện được hậu sự của cha mình theo đúng tín ngưỡng của tôi tại khu cách ly. Thực sự không ở đâu tốt bằng đất nước mình.”
 
Được biết hiện các khu cách ly tại Nghệ An đã đón hơn 4.300 công dân về nước. Họ chủ yếu là lao động sang Lào, Thái Lan mưu sinh. Giữa tâm dịch, khu cách ly là ngôi nhà chung, là “thành đồng” đón và bảo vệ những người con xa xứ trở về. Đằng sau cánh cửa cách ly, một cuộc sống khác vẫn đang diễn ra!.
.

Thùy Dung

.