Gia đình xã hội

Chia sẻ từ sân bay Nội Bài của những người 'về nước để an toàn hơn'

11:00, 23/03/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Dịch Covid-19 đang lan rộng tại nhiều nước, trước bối cảnh đó nhiều công dân Việt Nam sinh sống, học tập ở nước ngoài đã chọn trở về để được an toàn hơn.

Bấm Play để xem video. Mở loa để nghe thuyết minh 

Sảnh chờ làm thủ tục nhập cảnh nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài ngày cuối tuần, hơn 100 hành khách ngồi chờ làm thủ tục để về khu cách ly huyện Thanh Trì (Hà Nội).
 
Trong số này, có khá đông người từ châu Âu trở về trên chuyến bay QR 976 của Qatar Airways sau một hành trình dài.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh Nga (38 tuổi) cùng 3 con nhỏ từ Hungarry về nước cho biết, trước khi mua vé về Việt Nam, dù biết phải cách ly tập trung 14 ngày nhưng chị không nghĩ công tác cách ly lại nghiêm ngặt đến vậy. 

Ngay từ khi xuống sân bay mẹ con chị được đo thân nhiệt, khai báo y tế, sau đó mới đến sảnh chờ nhập cảnh làm thủ tục đưa đi cách ly.

Chia sẻ từ sân bay Nội Bài của những người 'về nước để an toàn hơn'
Mẹ con chị Nga từ Hungarry về nước đang ngồi chờ đi cách ly ở sân bay quốc tế Nội Bài

Gia đình chị Nga sang Hungary định cư đã được 2 năm, theo kế hoạch 5-10 năm mới về thăm quê một lần, nhưng do tình hình dịch Covid-19 tại Hungary bùng phát nên chồng chị quyết định để mẹ con chị về trước tránh dịch. 

“Chúng tôi thực sự lo lắng trước tình hình dịch bệnh tại Hungary nên suy đi tính lại thấy công tác phòng dịch ở Việt Nam tốt hơn, an toàn hơn nên 4 mẹ con chúng tôi về nước trước, chồng tôi tuỳ tình hình sẽ về sau”, chị Nga nói.

Chia sẻ từ sân bay Nội Bài của những người 'về nước để an toàn hơn'
Ông Lưu Văn Liên (bên phải) gọi điện cho người nhà ở Thái Bình khi đang ngồi đợi làm thủ tục đi cách ly

Trở về từ Hà Lan, ông Lưu Văn Liên (71 tuổi) ngồi thảnh thơi gọi điện cho người thân ở Thái Bình thông báo đã về đến Nội Bài, đang chờ làm thủ tịch nhập cảnh rồi về khu cách ly tập trung.
 
Được thông báo phải đi cách ly tập trung, ông Liên tỏ ra bình thản chấp hành vì đó là điều ông được bạn bè thông báo trước.
 
Ông chia sẻ: Người từ vùng dịch về thì phải cách ly tập trung là đương nhiên. Cách ly để bảo vệ bản thân mình và ngăn ngừa lây lan cho gia đình, cộng đồng là việc nên làm.
 
Điều này trái ngược ở Hà Lan nơi ông sinh sống, dù dịch đang ở giai đoạn căng thẳng nhưng người dân dường như còn chủ quan.

"Rõ ràng Việt Nam phòng chống dịch tốt hơn, ý thức của người dân và hệ thống y tế dự phòng tốt nên số ca mắc bệnh thấp và chưa có ai thiệt mạng vì dịch", ông Liên nói.

Được cách ly mới an tâm

Trở lại Pháp du học sau Tết, nhưng do dịch Covid-19 tại Pháp đang bùng phát nên Nguyễn Đức Duy (20 tuổi, Hà Nội) đã chọn quay về Việt Nam.
 
Sau khi bay từ Paris, quá cảnh Doha (Quatar) về sân bay Nội Bài, Duy được đưa đi cách ly tập trung.

“Khi mua vé về nước em xác định phải về khu cách ly. Bố mẹ cũng gọi sang động viên phải cách ly tốt để tránh lây lan dịch bênh nên em thấy yên tâm hơn. Thực sự ngay lúc này em thấy được đưa cách ly mới thấy an toàn”, Duy nói.

Chia sẻ từ sân bay Nội Bài của những người 'về nước để an toàn hơn'
Nguyễn Đức Duy 

Duy cũng chia sẻ tình hình dịch Covid-19 tại Pháp đang rất căng thẳng. Tính đến chủ nhật vừa qua Pháp đã có khoảng 6.600 ca nhiễm bệnh. Nước này đã phải đóng tất cả các cửa hàng, trừ siêu thị và các hiệu thuốc.  

“Thời gian đầu người Pháp cho rằng dịch Covid-19 chỉ là cúm mùa, số người chết vì Covid-19 chưa bằng cúm mùa nên họ không quan tâm nhiều. Chỉ đến khi dịch bùng phát họ mới có chính sách mạnh tay”, Duy cho biết.
 
Duy chia sẻ: Trước khi về nước, em cũng đắn đo vì chương trình học có thể bị gián đoạn. Nhưng sau khi nhà trường thông báo lịch nghỉ học từ thứ 7, sinh viên có thể học online thì Duy quyết định đặt vé máy bay về nước.
 
“Về nhà có gia đình và cả nước đồng lòng tham gia chống dịch rõ ràng sẽ an toàn hơn”, Duy nói.

Chia sẻ từ sân bay Nội Bài của những người 'về nước để an toàn hơn'
Nhiều du học sinh về nước để phòng dịch đang lan rộng ở một số nước chây Âu

Cùng là du học sinh tại Pháp, nhưng con đường về Việt Nam của Nguyễn Thanh Tùng (21 tuổi) chật vật hơn nhiều. Tùng học chuyên ngành kiến trúc tại Grenoble, cách Paris 500km. Để lên máy bay về nước, Tùng phải mất 2 ngày trời đi tàu mới lên được Paris do chuyến tàu bị huỷ từ ảnh hưởng của dịch bệnh.
 
Tùng chia sẻ, thành phố Grenoble nơi em sinh sống và học tập chưa xuất hiện dịch nên đa số vẫn thờ ơ, trên tàu lên Paris, Tùng không thấy ai đeo khẩu trang. 

Chia sẻ từ sân bay Nội Bài của những người 'về nước để an toàn hơn'
Chiến sĩ Bộ tư lệnh Thủ đô vận chuyển hành lý của khách lên xe chở về khu cách ly

Được về Việt Nam và đưa về khu cách ly, lúc đầu Tùng không khỏi lo lắng nhưng khi xuống sân bay và gọi điện cho bạn đang cách ly ở Sơn Tây, Tùng thấy an tâm hơn nhiều.
 
“Thú thực lúc đầu xem một số thông tin sai sự thật trên mạng xã hội em cũng lo, nhưng khi về đến sân bay và điện cho các bạn đã về nước đang cách ly, em thấy an tâm hơn. Có thể phải chờ đợi nhưng phải đặt sự an toàn của bản thân và toàn xã hội lên trên hết”, Tùng nói.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nguồn: Vũ Điệp - Đoàn Bổng -Phạm Hải/ Vietnamnet

Các tin khác