(Congannghean.vn)-Nhà thờ họ Trần Khắc tại xóm Bùi Bùi, xã Công Thành, huyện Yên Thành có lịch sử hình thành và phát triển gần 150 năm, hiện đang còn lưu giữ nhiều sắc phong, long ngai, mộc phả... có giá trị văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, mới đây di tích lịch sử này đã bị một số người là con cháu trong chính nhà thờ này xâm hại nghiêm trọng, tháo dỡ nhà thờ di chuyển đến địa điểm mới, khiến nhiều người bất bình.
Trong đơn phản ánh gửi về Báo Công an Nghệ An, ông Trần Khắc Trúc trú tại số 86, đường Ngư Hải, TP Vinh, cho biết: Dù không được tất cả con cháu trong dòng tộc thống nhất nhưng ngày 19/2/2020, một số người trong họ Trần Khắc đã thuê người đến tháo dỡ công trình Thượng điện của nhà thờ họ Trần Khắc, di chuyển đến đặt tại một vị trí khác. Sự việc này khiến nhiều con cháu trong dòng tộc Trần Khắc đang sinh sống ở nhiều nơi hết sức bức xúc, bất bình nhưng không có cách nào ngăn cản được.
Phần Thượng điện nhà thờ họ Trần Khắc chỉ còn lại bờ tường bao xung quanh |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhà thờ họ Trần Khắc hiện đang lưu giữ nguyên gốc 2 tòa nhà kiến trúc cổ là Thượng điện và Hạ điện, trong đó có lưu giữ nhiều long ngai, bài vị, sắc phong, đỉnh đồng... Đáng chú ý là sắc phong “Khả da hùng liệt tướng quân và Dị vị ninh trấn quân ưu binh đội trưởng bản thân tùy sai Nghệ An đạo, trấn quan đại tư đồ Đoan quận công” do vua Lê ban cho ông Trần Khắc Dẫn. Ngoài ra, còn có 4 hậu duệ họ Trần Khắc cũng được nhà vua sắc phong, vì có nhiều đóng góp cho các triều đại phong kiến Việt Nam. Hàng năm, tại nhà thờ này đều diễn ra các kỳ lễ trọng (tế lễ Tết Nguyên đán, Rằm tháng bảy) và các hoạt động văn hóa tâm linh, tri ân các bậc tổ tiên, cầu mong quốc thái dân an, mang đậm bản sắc văn hóa tâm linh xứ Nghệ.
Với bề bày truyền thống và lịch sử, văn hóa của nhà thờ họ Trần Khắc, kết hợp với nguyện vọng và đơn đề nghị của dòng họ Trần Khắc, ngày 2/6/2017, UBND xã Công Thành đã có văn bản trình các cấp có thẩm quyền, đề nghị xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cho nhà thờ họ Trần Khắc. Tiếp đó, ngày 7/9/2017, UBND huyện Yên Thành có Tờ trình số 360/TTr-UBND với nội dung: “Để tiếp tục giữ gìn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nguyện vọng của con cháu trong dòng họ Trần Khắc nói riêng và nhân dân huyện Yên Thành nói chung, UBND huyện Yên Thành kính đề nghị Sở Văn hóa và Thể Thao; Ban Quản lý di tích và Danh thắng tỉnh Nghệ An xem xét, khảo sát, trình cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích nhà thờ họ Trần Khắc, xã Công Thành là di tích lịch sử cấp tỉnh”.
Tìm hiểu được biết, trước đó tại Quyết định số 1017/QĐ.UBND.VX ngày 1/4/2011 về “Phân cấp quản lý các di tích, danh thắng trên địa bàn Nghệ An” thì nhà thờ Trần Văn (thường gọi là Trần Khắc) số thứ tự là số 49, tại xóm Bùi Bùi, xã Công Thành. Tại Quyết định số 201/QĐ-UBND ngày 17/1/2018 của UBND tỉnh Nghệ An về “Phê duyệt Danh mục kiểm kê di tích, danh thắng trên địa bàn Nghệ An” nhà thờ họ Trần Văn xóm Bùi Bùi, xã Công Thành nằm ở số thứ tự 242.
Sau khi nhận được phản ánh, phóng viên đã có mặt tại vị trí nhà thờ họ Trần Khắc ghi nhận sự việc. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, quan sát thấy phần Thượng điện của nhà thờ họ Trần Khắc đã bị tháo dỡ hoàn toàn, chỉ còn trơ lại phần bờ tường xung quanh. Hiện phần Hạ điện đang còn nguyên vẹn, trong đó lưu giữ nhiều bàn thờ, hương án và các đồ cúng tế... Qua trao đổi sự việc, nhiều người là con cháu họ Trần Khắc rất bức xúc. Những người này cho rằng, di sản của dòng họ Trần Khắc để lại là tài sản chung của tất cả con cháu trong dòng tộc, không ai có quyền quyết định khi chưa có sự thống nhất tuyệt đối. Ngoài ra, dòng họ đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, đó là vinh dự mà không phải dòng họ nào cũng có được.
Đến nay, do chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ theo quy định nên nhà thờ họ Trần Khắc vẫn chưa được UBND tỉnh Quyết định xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, với bề dày lịch sử văn hóa và những giá trị vật chất còn lưu giữ được, nhà thờ họ Trần Khắc cần được bảo vệ, gìn giữ tuyệt đối!
Đề nghị chính quyền địa phương xã Công Thành, huyện Yên Thành và các cơ quan chức năng có thẩm quyền có biện pháp bảo vệ nhà thờ họ Trần Khắc, nơi lưu giữ nhiều tư liệu có giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời.
.