Sau hơn 2 tuần quy định tăng chế tài đồng thời nghiêm khắc xử phạt lỗi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP đi vào cuộc sống, những biến chuyển chưa từng có đã xảy ra trong xã hội, tác động làm thay đổi hẳn thói quen sinh hoạt quảng đại dân chúng theo chiều hướng tích cực.
Đến mức có người nói đó là văn bản pháp luật "tốt nhất", vì đã công phá trực diện vào thói hư, tật xấu tưởng chừng không thể thay đổi của người Việt. Tất nhiên, mọi chuyện đều có tính hai mặt, những "tác dụng phụ" không mong muốn từ quy định này cũng là điều dễ hiểu.
Đìu hiu quán nhậu
Hiền, chủ quán nhậu đầu phố Khâm Thiên nhìn ra ngoài đường, thở dài đánh thượt rồi quay sang bảo tôi: "Đấy, anh xem, từ hôm Tết "tây" đến nay lượng khách đã giảm 70 - 80%. Ngày thường quán em kín khách, giờ thì chỉ lác đác vài bàn. Có hôm chẳng có ai. Khách đã hiếm, mấy người đến lại gọi cơm canh ra ngay chứ không ngồi lai rai như mọi lần.
Giới kinh doanh ẩm thực đang "méo mặt" anh ạ. Anh tính, nhà hàng mở ra, kiếm mỗi thứ một tý, từ rượu bia, đồ nhậu… Với mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn như hiện nay, ai cũng lo giữ cái ví của mình, nên thực khách giảm hẳn. Mấy ông khách quen nhớ quán cũng chỉ tạt qua, gọi suất "cơm lành" ăn xong rồi đi. Tình hình này mà kéo dài, dễ em phải đóng cửa quán mất!".
Hàng quán vắng khách sau khi Nghị định 100/2019 NĐ-CP có hiệu lực. |
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 100), mức phạt tối đa từ 6-8 triệu đồng nếu điều khiển xe máy trên đường mà trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở. Với người điều khiển xe ôtô, mức phạt cao nhất lên tới 30-40 triệu đồng nếu trong máu và hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, chưa kể thời gian "giam" bằng lái tới 23 tháng.
Bình luận về quy định mới này, ông Nguyễn Quang Huy - chủ một nhà hàng ẩm thực tại Lệ Mật, Long Biên nói: "Quy định tăng mức xử phạt tại Nghị định 100 đã tác động trực tiếp tới ý thức người cầm lái và gián tiếp tới các quán nhậu. Thực khách vì sợ phạt đã bỏ thói quen ăn nhậu bên ngoài.
Nếu như trước đây, sau giờ tan sở nhiều người tạt qua nhà hàng làm vại bia với bạn bè rồi mới về nhà, hay các vụ liên hoan, sinh nhật, gặp mặt… người ta cũng thường ra quán tổ chức. Giờ thì gọi nhau đi nhậu cũng khó vì ai cũng ngại đoạn đường về. Dân ta thích nghi với hoàn cảnh mới rất nhanh. Chỉ sau vài hôm với thông tin báo chí về những vụ xử phạt nồng độ cồn tại các địa phương, lượng khách vào nhà hàng của tôi đã giảm tới 90%. Tôi đã phải cho nhân viên nghỉ một loạt, chỉ giữ lại bộ phận bếp và vài người chạy bàn.
Tình hình nhìn chung là rất căng. Không chỉ chúng tôi, mà các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cũng đang đứng trước những thách thức rất lớn vì hàng tiêu thụ chậm. Theo dõi thị trường cổ phiếu mấy ngày qua, tôi thấy cổ phiếu của các "ông lớn" trong ngành bia, rượu đã giảm giá mạnh, "bốc hơi" hàng nghìn tỷ đồng".
Vẫn theo ông Huy, trước thử thách sống còn hiện nay giới kinh doanh ẩm thực không "ngồi im chờ chết". Một số nhà hàng, quán nhậu đã nghĩ ra nhiều "quái chiêu" để đối phó với tình trạng khách vì sợ phạt mà bỏ quán, như giảm giá cho những khách hàng thân quen.
Với khách có hóa đơn giá trị cao, hay trong bán kính 5km…, nhà hàng sẽ cho nhân viên quán hỗ trợ đưa khách về tận nhà miễn phí. Nếu xa hơn thì khách hàng sẽ phải trả phụ phí cho nhân viên. Quán bố trí bãi để xe cho khách gửi lại để đi Grab hay taxi về. Thậm chí, mới đây còn có một công ty tại Hà Nội mở ra dịch vụ cung cấp lái xe ô tô cho các nhà hàng, quán nhậu…
"Sao anh không thêm dịch vụ chở khách nhậu về nhà như người ta?" - tôi hỏi ông Huy. Ông chủ nhà hàng cười buồn rồi cho biết cũng đã làm thế, nhưng vẫn không "ăn thua". Bởi lẽ không phải ai cũng có điều kiện hay sẵn lòng chi thêm vài trăm bạc để đi taxi, xe ôm hay sử dụng dịch vụ chở khách của quán. Vừa rồi lại thêm quy định nếu cán bộ công chức, lực lượng vũ trang vi phạm nồng độ cồn sẽ thông báo về cơ quan… đã làm người ta ngại hẳn khoản ăn nhậu.
Nhưng lý do chủ yếu nhất khiến nhiều người không dám "động chén" (kể cả ở nhà hay ngoài quán), đó là hôm nay uống, ngày mai đi làm bằng xe máy, ô tô mà bị "thổi" thì vẫn "chết" như thường, vì trong máu vẫn tồn dư nồng độ cồn…
Chủ đề nóng
Có thể nói hiếm có văn bản pháp luật nào sau khi đi vào cuộc sống, đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong nhận thức và hành vi của người dân như Nghị định 100.
Người Việt vốn thích nghi rất nhanh, ngay sau khi các quy định tăng nặng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông có hiệu lực thi hành, chủ đề này được bàn luận tại mọi nơi, trong bữa cơm gia đình đến chuyện trò công sở. Nhìn chung đa số người dân tán thành và ủng hộ quy định mới.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện. |
"Sướng" nhất có lẽ là các bà vợ. Từ nay các "đức lang quân" sẽ về sớm hơn, có thời gian để đỡ vợ việc nhà hay dạy con học bài, chuyện "tạt té" làm vài "quai" lúc tan sở xem chừng không còn nữa.
Chị Thủy ở khu đô thị Việt Hưng hồ hởi nói: "Em là em ủng hộ cả hai tay. Báu bở gì chuyện rượu chè say xỉn, lại chẳng hỏng hết nội tạng, rồi thì vợ chồng hục hoặc với nhau vì chẳng lo làm ăn, chưa kể ra đường húc vào người ta hay mình bị tai nạn, lại khổ vợ khổ con".
Về chuyện mức xử phạt rất cao, kể cả với người chỉ nhấp một ngụm rượu, chị Thủy nói nếu so sánh với cái giá phải trả khi người thân của chúng ta không may thiệt mạng vì tai nạn giao thông do tài xế say xỉn, thì mức phạt đó rõ ràng là "rẻ" hơn nhiều so với thiệt hại về người.
Bên cạnh những tiếng nói ủng hộ, cánh "bợm" xem chừng không thoải mái. Tuấn - một "dân nhậu" ở phường Bồ Đề (Long Biên) ca cẩm với tôi: "Phi tửu bất thành lễ" - sự kiện gì cũng phải có tý "cay cay". Giờ thì đi ăn cưới cũng ngại. Gặp nhau tay nâng cốc nước lọc, nó tẻ nhạt thế nào ấy. Vì sợ phạt nên bạn bè cũng không hào hứng với những lời mời tụ tập nữa. Bảo rằng đi taxi về là an toàn, nhưng cái chính là hôm sau ra đường vẫn dính lỗi nồng độ như thường, nên giờ mời nhau ăn uống là khó".
Cái được lớn hơn
Theo PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế thì sử dụng rượu, bia là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển con người bởi những ảnh hưởng tiêu cực đến cả ba khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế. Rượu, bia thực sự là trở ngại lớn đối với 13/17 mục tiêu và 52/169 chỉ tiêu trong các mục tiêu phát triển bền vững mà Liên Hiệp Quốc đã đưa ra.
Các nghiên cứu cho thấy tình trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam được xếp loại thuộc hàng cao nhất thế giới. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ sử dụng rượu bia bình quân đầu người từ 6,6 lít tăng lên 8,3 lít. Việt Nam là nước có tốc độ sử dụng rượu bia ở mức nguy hại tương đối lớn, gần 45%.
Rượu bia là nguyên nhân của 30 bệnh và là cấu thành của 200 mã bệnh gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe, như mắc bệnh ung thư, tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia… Đó là tác nhân làm suy yếu giống nòi, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số. Cùng với đó là tác hại nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Chi phí kinh tế của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia của Việt Nam năm 2017 tương đương gần 4 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các chi phí của Nhà nước và người dân để giải quyết các hậu quả liên quan đến sức khỏe là rất lớn. Riêng trong lĩnh vực giao thông, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã thống kê tại Việt Nam có tới 36,2% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia.
Trong lĩnh vực an ninh trật tự, tình hình tội phạm bạo lực như giết người do nguyên nhân xã hội, bạo lực gia đình, trẻ hóa tội phạm… có nguyên nhân từ sự hạn chế nhận thức, thiếu khả năng kiểm soát hành vi do sử dụng rượu bia… đã gia tăng đáng báo động trong những năm qua.
Những đổ vỡ trong hôn nhân, kinh tế khó khăn, túng quẫn, con cái thiếu sự quan tâm, giáo dục trong các gia đình có người nghiện rượu bia… là các vấn đề xã hội đã trầm kha trong nhiều năm, tưởng chừng không thể khắc phục được.
"Lấy số đông, lấy cái sống còn của con người để làm luật" là tinh thần chủ đạo của Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Nghị định này đã thực sự đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ nhất. Bằng việc tăng mức xử phạt người vi phạm, mà ý thức của người cầm lái được nâng cao rõ rệt.
Thông qua đó giúp kéo giảm tai nạn, giảm ùn tắc giao thông, từng bước chấn chỉnh và xây dựng văn hóa giao thông.
Điều lớn lao hơn, một lợi ích "kép" đến từ quy định này, đó là thông qua việc xử lý mạnh tay người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, đã tác động rất mạnh theo hướng khắc phục thói quen ăn nhậu, say xỉn vô tội vạ, thứ đã trở thành một nét "văn hóa" xấu xí của người Việt, qua đó ngăn ngừa được những hiện tượng tiêu cực trên nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Những tín hiệu vui đã được ghi nhận chỉ vài ngày sau khi Nghị định 100 đi vào cuộc sống. Ông Khuất Việt Hùng - (Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia) cho biết, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) trong 6 ngày đầu năm 2020 có 103 người chết do tai nạn giao thông, trung bình 17 người chết/ngày, thấp hơn 4 người so với con số bình quân 21 người chết/ngày do tai nạn giao thông năm 2019.
Còn theo báo cáo của ngành Y tế, số bệnh nhân tai nạn giao thông do rượu bia phải nhập viện cấp cứu tại Hà Nội đã giảm gần 50% từ khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực.
Bác sỹ Vũ Xuân Hùng - (Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình, BV Thanh Nhàn) cho biết: "Từ ngày 1/1, lượng bệnh nhân nhập viện do rượu bia giảm nhiều. Trước kia, nếu một ngày bình thường bệnh viện cấp cứu 100-130 bệnh nhân thì 30% trong số đó liên quan đến rượu bia. Tuy nhiên, gần đây mỗi ngày chỉ còn 60-70 bệnh nhân nhập viện, ca liên quan đến rượu bia chỉ chiếm 10%".
Rõ ràng, việc xử phạt nặng lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông mang tính nhân văn sâu sắc, bởi đã góp phần quan trọng ngăn chặn những vụ tai nạn đau lòng do sử dụng rượu bia, bảo vệ sự sống của con người.
Hơn tất cả, thông qua quy định này, ý thức trách nhiệm cộng đồng mà công dân của một quốc gia văn minh cần phải có, đã được xác định cụ thể bằng việc nói không với rượu, bia, chất kích thích khi ngồi sau tay lái.
.