Hút thuốc lá – con đường ngắn nhất nhập viện vì các chứng bệnh như: tim mạch, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản, ung thư… trong đó có các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Mặc dù trên các phương tiện truyền thông thường xuyên cảnh báo, nhưng nhiều “dân nghiền” vẫn bị lôi cuốn bởi thuốc lá, để rồi khi nhập viện thì đã quá muộn.
Ảnh minh họa |
Theo đánh giá của cơ quan Bộ Y tế, hút thuốc lá ảnh hưởng đến phổi và chức năng phổi như: tổn thương phổi, làm chậm phát triển chức năng phổi ở trẻ nhỏ, làm giảm chức năng phổi. Chỉ cần dạo quanh các tuyến phố Hà Nội, thậm chí là các điểm vui chơi, công cộng như: công viên, bến xe, nhà ga, bệnh viện v.v.. hình ảnh về những cái mồm chu lên nhả ra khói thuốc vẫn còn nhiều.
Không ít dân nghiền thuốc lá không biết rằng, thói quen hút thuốc lá rất nguy hại. Nó gây ra nhiều triệu chứng hô hấp mãn tính như: ho mãn tính, khò khè, có đờm, khó thở. Những người hút thuốc thường bài tiết nhiều đờm hơn những người không hút thuốc mà khả năng đưa đờm ra khỏi đường hô hấp lại kém hơn.
Điều này là do hệ thống lông chuyển ở người hút thuốc bị liệt, thậm chí bị phá hủy. Một phân tích cho thấy, khói thuốc còn làm thay đổi cấu trúc các tuyến tiết nhầy và do vậy thành phần của chất nhầy theo đó cũng bị thay đổi.
Bên cạnh đó, quá trình hút thuốc, làn khói nhờ nhợ có trong thuốc lá sẽ khiến các tuyến tiết nhầy bị tắc lại làm giảm khả năng bài tiết đờm. Hậu quả cuối cùng là chất nhầy ở những người hút thuốc bị nhiễm bởi các chất độc hại, và bị giữ lại nhiều trong tổ chức phổi, cản trợ sự lưu thông trao đổi khí.
Có lẽ chính bởi vậy nên khi tâm sự với chúng tôi, anh Phùng Quang Phương (35 tuổi, nhà ở phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, đến nay anh đã nghiện thuốc lá được hơn 10 năm. Từng ấy năm là từng ấy quãng thời gian anh thường xuyên bị ho, đờm thường xuyên xuất hiện.
Không chỉ anh Phương mà nhiều dân nghiền thuốc lá khác cũng trong tình trạng tương tự. Và tất nhiên, do sự thay đổi cấu trúc phổi còn làm giảm khả năng lấy ôxy của phổi người sử dụng thuốc lá. Khói thuốc gây phá hủy phế nang làm giảm tính đàn hồi của phổi và làm giảm khả năng trao đổi ôxy. Chính điều này khiến chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể duy trì sự khỏe mạnh theo đó bị ảnh hưởng.
Đáng lo ngại hơn khi theo đánh giá của các bác sĩ chuyên khoa hô hấp, hút thuốc lá còn làm tăng số lần mắc bệnh và làm tình trạng nhiễm khuẩn nặng hơn. Nguy cơ mắc các bệnh hô hấp cấp tính ở người khỏe mạnh hút thuốc cao hơn người khỏe mạnh không hút thuốc từ 1,5 đến 7 lần. So với nhóm không hút thuốc, tỷ lệ chết do lao hô hấp ở nhóm hút thuốc lá cao hơn 3-5 lần, tỷ lệ chết do cúm và viêm phổi cao hơn từ 1,4 đến 2,6 lần.
Mặt khác, ở người hút thuốc, bệnh hen sẽ bị nặng hơn. Người mắc bệnh hen là người hút thuốc thì phải chịu nhiều đờm, giảm hoạt động của lông mao, dễ bị nhiễm bệnh và dị ứng. Không những vậy, hút thuốc là một trong những nguyên nhân gây suy yếu hệ miễn dịch cơ thể. Nguy cơ viêm đường hô hấp mãn cao hơn ở người không hút thuốc. Người hút thuốc không chỉ phải chịu đựng số lần mắc bệnh nhiều hơn mà phải chịu nhiều đợt bệnh ở mức độ nặng hơn.
Hút thuốc lá đã được chứng minh là nguyên nhân của các vấn đề hô hấp mạn tính bao gồm: viêm phổi, làm tổn thương quá trình sinh học ảnh hưởng đến phế quản và phế nang, làm hạn chế phát triển chức năng phổi ở trẻ em và suy giảm chức năng phổi người lớn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh và tử vong do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, làm giảm chức năng phổi ở trẻ sơ sinh khi mẹ hút thuốc trong quá trình mang thai v.v..
.