Thứ Hai, 12/08/2019, 07:53 [GMT+7]

Còn nhiều bất cập trong công tác bảo vệ trẻ em

(Congannghean.vn)-Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, giải pháp kịp thời song so với những kết quả đã đạt được, công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn lộ những bất cập. Trong đó, nổi lên là tình trạng trẻ em bị đuối nước, bị bạo hành, tình trạng mua bán trẻ em và trẻ em vi phạm pháp luật... 
 
Thống kê cho thấy, tổng số trẻ em dưới 16 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh tính đến thời điểm này là khoảng 800.000 em, chiếm 26,5% dân số. Trong đó, số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khoảng 14.000 em và gần 75.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. 
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là “bài toán” chưa có lời giải
Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là “bài toán” chưa có lời giải
Hạn chế trong công tác bảo vệ trẻ em
 
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh vẫn còn có những hạn chế, tồn tại. Trong đó, đặc biệt là tình trạng trẻ em bị đuối nước, trẻ em bị bạo hành, mua bán trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật... vẫn còn diễn ra nhiều nơi, gây bất an trong xã hội. Số liệu cụ thể cho thấy, đối với trẻ em bị đuối nước, tuy đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng này, nhưng thời gian qua trên địa bàn tỉnh, số trẻ em tử vong do đuối nước vẫn ở mức cao, trung bình mỗi năm có từ 20 - 30 trẻ em tử vong do đuối nước. Trong đó, năm 2016 có 34 trường hợp, năm 2017 có 24 trường hợp, năm 2018 có 20 trường hợp và 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh có 27 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước.
 
Đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại, giai đoạn 2016 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh còn tiềm ẩn phức tạp. Trong đó, tập trung vào một số hành vi là tội phạm xâm hại trẻ em (dâm ô, giao cấu, hiếp dâm) và mua bán trẻ em. Cụ thể, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có xu hướng gia tăng, đã phát hiện xảy ra 71 vụ, liên quan tới 71 nạn nhân bị xâm hại tình dục. Trong đó, dâm ô trẻ em l6 vụ, giao cấu trẻ em 23 vụ và hiếp dâm trẻ em 32 vụ. Bên cạnh đó, bạo lực học đường vẫn còn diễn ra trong một số trường học. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các năm học từ 2016 - 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh đã xảy ra 14 vụ việc học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, một số vụ có tính chất nguy hiểm, gây thương tích, có vụ học sinh nữ đánh nhau, làm nhục bạn rồi quay clip tung lên mạng, một số thầy, cô giáo có hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, để lại dư luận không tốt trong xã hội.
 
Riêng đối với hành vi mua bán trẻ em, trong những năm qua, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng có chiều hướng gia tăng, tội phạm mua bán trẻ em chủ yếu là để đưa ra nước ngoài (Trung Quốc). Theo số liệu của Công an tỉnh, từ năm 2016 đến tháng 6/2019, đã phát hiện, xử lý 17 vụ mua bán trẻ em, liên quan đến 22 trẻ em bị mua bán. Trong đó, chủ yếu xảy ra ở các huyện biên giới, rẻo cao như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong, Quỳ Hợp, Con Cuông... Cũng theo số liệu báo cáo của Công an tỉnh, tình hình trẻ em vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh Nghệ An được kìm giữ và có xu hướng giảm. Giai đoạn 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, đã phát hiện 11.203 trường hợp trẻ em vi phạm pháp luật.
 
Trong đó, số trẻ em vi phạm pháp luật về trật tự ATGT là 10.097 trường hợp; số trẻ em vi phạm pháp luật về trật tự ATXH là 1.070 trường hợp, chủ yếu là các hành vi đánh nhau, sử dụng trái phép các loại pháo, tham gia tệ nạn đánh bạc... Phần lớn các vi phạm về trật tự ATXH của trẻ em đều ít nghiêm trọng, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh theo quy định của pháp luật. Trong thời gian nói trên, các lực lượng chức năng đã phối hợp kiểm điểm, giáo dục, yêu cầu ký cam kết không vi phạm pháp luật đối với 831 em; xử lý vi phạm hành chính 10.082 em; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với 212 em và lập hồ sơ đưa vào trường giáo dưỡng 78 em.
 
Về tình trạng tảo hôn, theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2015 đến năm 2018, có 182 trẻ em tảo hôn và có 579 số cặp tảo hôn. Qua khảo sát tại các huyện cho thấy, tình trạng tảo hôn vẫn chiếm tỉ lệ cao, thậm chí có xu hướng tăng, nhất là đồng bào Khơ Mú, Mông ở các huyện như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong và tộc người Đan Lai ở huyện Con Cuông. Hầu hết những gia đình tảo hôn thường có cuộc sống khó khăn, nghèo đói. Các cặp tảo hôn chủ yếu tự nguyện về sống chung như vợ chồng được sự đồng ý của hai gia đình. Cùng với đó, tình trạng các em học sinh bỏ học lấy chồng có chiều hướng gia tăng và số người kết hôn dưới 16 tuổi cũng có xu hướng gia tăng.
 
Đi tìm nguyên nhân
 
Nguyên nhân của những vấn đề trên được xác định là do Nghệ An là tỉnh có diện tích đất rộng, dân số đông, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn còn nhiều, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều. Vẫn còn những quan niệm, phong tục tập quán lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận dân cư gặp nhiều khó khăn trong đời sống đã phát sinh tiêu cực. 
Trẻ em vi phạm pháp luật - nỗi đau của người lớn
Trẻ em vi phạm pháp luật - nỗi đau của người lớn
Cùng với việc chịu sự tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, tình trạng ly hôn, ly thân, sự du nhập của lối sống thực dụng, các loại văn hóa phẩm độc hại, thì hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em còn hạn chế; các điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em còn thiếu, nhất là hệ thống bể bơi; việc chăm sóc điều trị cho nạn nhân bị xâm hại tình dục hiện nay còn nhiều khó khăn, khu vực tư vấn đảm bảo cảm giác thân thiện cho nạn nhân còn thiếu; Luật Giám định tư pháp không quy định việc trưng cầu giám định pháp y về xâm hại trẻ em là loại đặc biệt, phải được thực hiện nhanh để xác định thủ phạm; trong chương trình giáo dục phổ thông chưa có chương trình khung về dạy bơi, dạy kỹ năng phòng, chống tai nạn nói chung và tai nạn đuối nước cho học sinh nói riêng…
 
Cùng với đó, nhận thức về vai trò, trách nhiệm đối với công tác bảo vệ trẻ em nói chung và công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em, trẻ em vi phạm pháp luật, tảo hôn nói riêng của một số cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng từ cấp tỉnh đến địa phương chưa đầy đủ, sâu sắc. Sự can thiệp từ phía chính quyền địa phương đối với các trường hợp tảo hôn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết; công tác truyền thông vận động, nâng cao năng lực về lĩnh vực bảo vệ trẻ em chưa thường xuyên, chưa rộng khắp, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa; việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho chính trẻ em, học sinh về phòng, chống đuối nước, bạo lực, xâm hại trẻ em, tảo hôn... cũng như những vấn đề liên quan đến giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi đang còn hạn chế. 
 
Một số gia đình chưa nhận thức được trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nên việc chăm sóc, giám sát, quản lý con cái, phòng, chống bạo lực, xâm hại, mua bán trẻ em, tảo hôn bị coi nhẹ. Sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường và các đoàn thể, chính quyền cơ sở trong quản lý, chăm sóc trẻ em ở một số nơi chưa chặt chẽ, có lúc chưa nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao. Ngoài ra, đối tượng phạm tội với trẻ em bị xuống cấp về đạo đức, hoạt động ngày càng tinh vi, có nhiều thủ đoạn xảo quyệt, gây khó khăn trong quá trình điều tra, tổ chức bắt và xử lý.
.

THIỆN THÀNH

.