(Congannghean.vn)-Nhà bị cơn lũ cuốn trôi nhưng không được hỗ trợ tài sản, trong khi những hộ dân bị ảnh hưởng của trận lụt lịch sử diễn ra vào tháng 8/2018, buộc phải di dời, không được ở trên mảnh đất họ bỏ tiền ra mua nhưng lại không được đền bù… là những bất cập đang xảy ra tại huyện Tương Dương.
Bà Vinh bên cạnh ngôi nhà tạm suốt gần một năm qua |
Bà Nguyễn Thị Vinh (SN 1968) trú tại bản Cửa Rào 2, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương phản ánh đến Báo Công an Nghệ An và các cơ quan chức năng, cho rằng gia đình bị thiệt thòi trong việc hỗ trợ, đền bù tài sản do hậu quả từ đợt lũ lụt năm 2018. Theo đó, trận lũ trong các ngày 30 - 31/8/2018 khiến nước sông Cả dâng cao làm ngôi nhà gia đình bà bên cạnh Quốc lộ 7A bị ảnh hưởng. Trong đêm 30/8/2018, lực lượng phòng chống lụt bão của huyện, xã và các đoàn đã đến yêu cầu bà ra khỏi nhà để đảm bảo an toàn. Một ngày sau đó, bà Vinh định tổ chức tháo dỡ nhà để đảm bảo tài sản nhưng lực lượng chức năng ngăn cản vì quá nguy hiểm. Chiều cùng ngày, ngôi nhà đã bị nước lũ cuốn trôi sông cùng với các tài sản như bể nước, chuồng gà, chuồng lợn…
Đến tháng 12/2018, sau một thời gian tá túc tại nhà người quen, bà Vinh quay về dựng tạm căn lều trên mảnh đất cũ để sinh sống. Sau đó, bà được UBND huyện Tương Dương thông báo, thống nhất hỗ trợ tài sản trên đất là 220 triệu đồng. Tuy nhiên, một thời gian sau, huyện này lại cho rằng, gia đình bà thuộc diện không được hỗ trợ tài sản trên đất, mà chỉ hỗ trợ theo nhân khẩu với tổng số tiền 118 triệu đồng. Cùng với đó, Thủy điện Khe Bố hỗ trợ thêm 50 triệu đồng và UBND tỉnh Nghệ An cũng hỗ trợ 20 triệu đồng. Lý do ngôi nhà bà Vinh không được hỗ trợ tài sản theo bà là do thời điểm kiểm đếm của đoàn cán bộ thủy điện thì không có nhà vì đã bị trôi mất, bà Vinh không đồng ý.
“Ngôi nhà tôi dành dụm cả đời để xây dựng nên, có sự chứng kiến của các cấp, ngành, đoàn thể, thậm chí đến nay hình ảnh vẫn còn lưu giữ. Thời điểm đoàn đi kiểm đếm thì không còn nhà nữa vì đã bị lũ cuốn trôi. Nếu không được hỗ trợ thì quá thiệt thòi cho gia đình tôi”, bà Vinh chia sẻ. Bà Lô Thị Trà My, Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng cũng xác nhận, trường hợp bà Vinh có nhà bị nước lũ cuốn trôi trước khi có đoàn của thủy điện Khe Bố đến kiểm đếm là có thật. Do không có tài sản để kiểm đếm nên phía thủy điện không đồng ý hỗ trợ tài sản mà chỉ hỗ trợ theo khẩu, việc này cũng thiệt thòi cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Vinh là một trong 14 hộ bị thiệt hại do mưa lũ gây ra thời điểm đó tại huyện Tương Dương. Ngày 30/8/2018, nước lũ cũng khiến ngôi nhà chị Bành Thị Vân ở bản Thạch Dương, xã Thạch Giám nằm trong diện nguy hiểm. Sau đó, gia đình phải thuê xe dỡ nhà chuyển đồ đạc về nhà mẹ đẻ sinh sống tạm, rồi được thông báo là thủy điện Khe Bố sẽ hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất hơn 300 triệu đồng, còn không đền bù đất. Đã gần một năm trôi qua, chị Vân vẫn phải ở nhờ nhà mẹ đẻ, ngôi nhà tháo dỡ ra vẫn để ngổn ngang ngay trong vườn nhà hàng xóm.
Chị Vân cũng như những hộ dân khác đều không được đền bù về đất, nhưng lại không được trở lại làm nhà sinh sống trên mảnh đất cũ bị ảnh hưởng. “Nếu muốn nhận tiền hỗ trợ vật kiến trúc trên đất thì phải cam kết không trở lại làm nhà trên đất cũ. Đất tôi bỏ tiền ra mua cho con gái làm nhà, giờ không được làm nhà trên đất thì phải đền bù đất cho con gái tôi mua mảnh đất khác chứ như thế này thì thiệt thòi quá”, bà Lê Thị Hường, mẹ chị Vân nói.
Vấn đề này, bà Lương Thị Hiên, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Giám cho biết: Theo chính sách hỗ trợ thì dân không được đền bù về đất. Ban đầu xã cũng mong muốn thủy điện hỗ trợ một phần nào đó về đất để cho người dân đỡ thiệt thòi nhưng không được. Số tiền hỗ trợ nếu cùng mua đất, xây nhà thì không thể đủ. “Huyện cũng đề nghị xã tìm địa điểm cho dân tái định cư, xây nhà, xã đề nghị phía thủy điện hỗ trợ cơ sở hạ tầng, phía thủy điện đề nghị tìm được mặt bằng sẽ xem xét sau. Xã tìm được mặt bằng bản cũ bên sông Thạch Dương nhưng người dân không đồng ý, sau đó họ cũng đi ở tạm và tìm chỗ ở cho mình. Nếu phải di dời mà chỉ hỗ trợ tài sản, vật kiến trúc trên đất mà không đền bù đất thì cũng thiệt thòi cho bà con”, bà Hiên nói.
Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng TN&MT huyện Tương Dương cho biết, toàn huyện có 14 hộ dân bị ảnh hưởng bởi đợt mưa lũ tháng 8/2018. Hiện đã thống nhất phương án hỗ trợ cho 12 hộ, còn 2 hộ trong đó có trường hợp bà Vinh. Huyện cũng muốn dân được đền bù đất nhưng phía thủy điện không đồng ý đền bù vì cho rằng những gia đình này nằm trên cốt ngập của thủy điện Khe Bố. Huyện Tương Dương cũng yêu cầu các hộ phải cam kết di chuyển đến nơi ở khác mới được nhận tiền hỗ trợ kinh phí, không thể quay lại đất cũ sinh sống vì rất nguy hiểm.
Trường hợp bà Vinh có nhà bị trôi, huyện cũng lập biên bản theo mô tả có hình ảnh chụp lại trước khi bị trôi, có biên bản chứng kiến của bản và xã, sau đó tính được hỗ trợ 220 triệu đồng. Khi đoàn kiểm đếm của thủy điện Khe Bố đến lại không có tài sản, khi gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ thì không được duyệt vì không có nhà cửa thực tế. Phía gia đình bà Vinh vẫn chưa đồng ý với phương án này nên chưa nhận được tiền hỗ trợ. Huyện Tương Dương cũng đưa ra phương án để các hộ dân này đến tái định cư nhưng lại không có ngân sách để làm cơ sở hạ tầng nên cũng không triển khai được.