Gia đình xã hội
Tin đồn, hiệu ứng đám đông và những hệ lụy
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, những tin đồn thất thiệt về các vấn đề trong cuộc sống liên tục xuất hiện và đã gây ra những hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Không đơn thuần chỉ là tin đồn nhảm nhí, nhiều người còn thêm thắt câu chuyện thêm ky lỳ, hấp dẫn để thu hút người xem, “câu like” trên mạng xã hội. Nhiều vụ việc đã chứng minh hệ lụy khôn lường từ tin đồn tưởng chừng như vô hại, tuy nhiên, những sự việc xuất phát từ tâm lý đám đông vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…
Tâm lý đám đông có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng - Ảnh minh họa |
Tin đồn nhảm, hậu quả thật
Đã gần 1 tháng trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước cái chết oan uổng của anh Lê Hoài Bảo (28 tuổi), quê ở tỉnh Kiên Giang, trú tại ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trước đó, vào khoảng 17 giờ 10 phút ngày 21/2, anh Bảo đưa con đến công viên thị trấn chơi. Khi 2 bố con đang ngồi nghỉ ở ghế đá thì 1 phụ nữ khoảng 50 tuổi bán vé số dạo qua nhìn thấy nghi ngờ nên đã la lên “bắt cóc trẻ em”.
Lúc này, Nguyễn Ngọc Hải Điền (26 tuổi) trú tại thị trấn Hậu Nghĩa đang đứng gần đó liền chạy đến đẩy 2 bố con ra mặc cho anh Bảo giải thích đây chỉ là sự hiểu lầm. Do có hơi men trong người nên Điền khăng khăng không tin lời anh Bảo dẫn đến 2 bên xảy ra cự cãi. Trong lúc giằng co, Điền chạy vào quán gần đó lấy dao đâm 1 nhát trúng ngực anh Bảo. Nạn nhân sau đó được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng. Quá trình điều tra, sau khi thu thập đẩy đủ chứng cứ, tài liệu liên quan, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đức Hòa đã tiến hành khởi tố Nguyễn Ngọc Hải Điền về hành vi giết người.
Tại Nghệ An, thời điểm cuối năm 2015 rộ lên thông tin hàng loạt hộ nuôi lươn thương phẩm dùng thuốc tránh thai vỗ béo lươn, rút ngắn thời gian nuôi dưỡng để thu lợi đã khiến người tiêu dùng hoang mang và “tẩy chay” sản phẩm lươn đồng vốn được xem là “thương hiệu” của xứ Nghệ. Mặc dù sau đó, các cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh, làm rõ và đưa ra kết luận thông tin vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai là không có cơ sở, tuy nhiên, thông tin trên đã khiến cho nhiều hộ dân nuôi lươn phải điêu đứng vì trong một thời gian khá dài không thể tiêu thụ sản phẩm.
Hay như vào giữa năm 2018, tài khoản facebook “Vi Phượng” đăng tải một số hình ảnh về tình hình mưa lũ trên địa bàn huyện Kỳ Sơn. Sau đó, tài khoản facebook “Ngoc Tuấn Lương” đã bình luận với nội dung: “Đê Mường Mộc cách Nậm Nô 90 cây sắp vỡ, khả năng thị trấn Mường Xén xóa sổ trong đêm nay. A e di dời đi còn kịp. Lưu lượng về qua Thủy điện Nậm Mô 1200 m3/s, tăng gấp đôi lúc chiều. Đường vào bản cánh ngay lúc này đã biến mất khỏi tầm nhìn”. Cùng thời điểm này, Thủy điện Nậm Mô thuộc bản Cánh, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn đang tiến hành xả lũ theo quy trình nên nước sông trên sông Nậm Mô đang dâng cao. Thông tin đó đã khiến người dân trên địa bàn huyện hoang mang, lo lắng và cuống cuồng di dời tài sản ngay trong đêm.
Sau khi vào cuộc điều tra, lực lượng Công an đã xác định được chủ tài khoản facebook “Ngoc Tuấn Lương” là Lương Ngọc Tuấn (SN 1980) trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu; hiện là kỹ sư tổ sửa chữa Nhà máy Thủy điện Nậm Mô ở bản Cánh, xã Tà Cạ. Theo Tuấn khai nhận, thông tin đăng tải trên facebook của mình hoàn toàn sai sự thật, đó chỉ là bình luận với bạn bè cho vui. Với hành vi này, Lương Ngọc Tuấn bị xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng và phải đăng tải thông tin xin lỗi người dân.
Cần biết hành xử đúng luật
Từ những vụ việc nói trên, có thể khẳng định rằng, hệ lụy từ tin đồn thất thiệt là vô cùng nghiêm trọng. Tất nhiên, lỗi phần lớn thuộc về chủ nhân của những thông tin đó nhưng phải nói rằng, trong một số trường hợp, người dân đã quá nhạy cảm và phản ứng quyết liệt, thậm chí là cực đoan khi tiếp nhận thông tin. Chỉ cần một tiếng tri hô hay có thông tin về việc bắt cóc trẻ em là không cần xác minh đúng sai, cả đám đông lập tức truy bắt, đánh đập “thừa sống, thiếu chết” đối tượng bị nghi ngờ. Qua đó, chúng ta thấy được rằng cách hành xử này không chỉ thể hiện sự giận giữ thông thường mà còn là biểu hiện của việc mất niềm tin của con người trong cuộc sống, khi mà các vấn nạn, hành vi vi phạm pháp luật đang có xu hướng gia tăng.
Trở lại vụ việc thương tâm kể trên, nếu đối tượng Điền bình tĩnh, kiềm chế, cùng anh Bảo phân giải, hoặc cả hai đến cơ quan có thẩm quyền để xác minh thông tin đúng, sai thì sự việc đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Và trên hết là sẽ không dẫn đến hậu quả đau lòng khi mà 1 người dân lương thiện bị sát hại, còn người kia phải chịu sự trừng phạt của pháp luật chỉ vì hành động tưởng chừng như giúp người khác của mình.
Rõ ràng, trong cuộc sống, mỗi cá nhân đều có trách nhiệm đấu tranh phòng, chống tội phạm nhằm giúp các cơ quan chức năng ngăn chặn phát sinh các vụ việc vi phạm pháp luật. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đang ra sức đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại mỗi địa bàn cơ sở thì việc người dân tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm rất đáng được biểu dương, khen thưởng.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì khi gặp những sự việc mà chưa xác minh được thông tin đúng - sai, mỗi cá nhân phải hết sức bình tĩnh, can ngăn mọi người không đánh đập đối tượng, thu giữ hung khí, lấy lại tài sản, cùng người đi đường trói đối tượng giải ngay đến cơ quan Công an, VKSND hoặc UBND nơi gần nhất lập biên bản để chuyển đến cơ quan điều tra có thẩm quyền.
Việc người dân bắt giữ người (vì bất kỳ lý do gì) nhưng không dẫn giải đến cơ quan có thẩm quyền mà giữ lại để hành hung, đập phá tài sản, gây hậu quả nghiêm trọng đều có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự về hành vi "Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật", "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác", "Vu khống" hoặc "Làm nhục người khác". Trường hợp nạn nhân tử vong, có thể bị xem xét về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác" hoặc "Giết người".
Để ngăn chặn hệ lụy từ những tin đồn thất thiệt, điều quan trọng trước hết là mỗi người dân cần nâng cao nhận thức của mình trong việc phát ngôn, đăng tải thông tin trên các phương tiện như facebook, zalo… Khi gặp những thông tin, sự việc còn cảm thấy nghi ngờ, người dân hãy bình tĩnh xem xét, tuyệt đối không chạy theo tâm lý đám đông; mà phải nhờ đến sự trợ giúp, can thiệp của các cơ quan có thẩm quyền để xác minh, làm rõ.
Bên cạnh đó, các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho quần chúng nhân dân để họ nhận thức được hành vi đúng - sai và các chế tài xử phạt của pháp luật; từ đó có cách hành xử văn minh, đúng pháp luật. Đặc biệt, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với những đối tượng đưa các thông tin sai sự thật lên mạng xã hội hoặc cố tình vi phạm vì mục đích cá nhân.
Ngọc Anh