Gia đình xã hội
Đừng tẩy chay thịt lợn
09:24, 11/03/2019 (GMT+7)
Dịch tả lợn châu Phi đã lan ra 13 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Những ngày qua, nhiều người tiêu dùng đã “nói không” với thịt lợn khiến lượng tiêu thụ thịt tại một số chợ ở Hà Nội đã giảm.
Bộ Y tế khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và chế biến hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trước tốc độ lan nhanh của dịch, người dân vẫn lo sợ, nhất là các sản phẩm từ thịt lợn, khiến lượng thịt lợn tiêu thụ giảm.
Có mặt ở một số chợ của Hà Nội vào sáng 10-3, chúng tôi vẫn thấy một số người dân không mua thịt lợn với lý do sợ dịch tả lợn Châu Phi. Chị Nguyễn Thị Hà (phường Bưởi, quận Tây Hồ) cho biết, từ ngày Hà Nội có dịch tả lợn châu Phi nhà chị đã “nói không” với thịt lợn.
Cách đây một tuần, gia đình chị có giỗ cũng không dám mua thịt lợn mà toàn bộ là sử dụng thịt gia cầm và thịt bò. Dù qua truyền thông và cả giải thích của tôi, rằng dịch tả lợn Châu Phi không lây sang người, nhưng chị Hà vẫn nhất quyết không nghe. “Tạm thời cứ lựa chọn thực phẩm khác thay thế thịt lợn đã, khi nào khống chế được thì mới sử dụng” – chị Hà vẫn cương quyết.
Nhiều người vẫn chọn “tẩy chay” thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn do lo ngại mua nhầm phải lợn mắc dịch. Bác Bùi Thu Hòa (Hoàng Mai) Hà Nội cho biết: “Các cháu tôi rất hay ăn bánh mì tam giác, thịt nướng, nhưng từ ngày có dịch tả lợn châu Phi tôi đã cắt các món này. Bác Hòa cũng bày tỏ lo ngại thịt lợn dịch được trà trộn vào chế biến thức ăn nhanh, sử dụng chất tẩy mùi hôi, tẩm ướp gia vị khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Nửa tháng nay, một số người tiêu dùng có thói quen mua thịt lợn tại chợ thì sau khi có dịch đã chuyển sang mua thịt ở siêu thị hoặc một số cửa hàng có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Người tiêu dùng bằng mắt thường có thể phân biệt được thịt lợn không bị dịch, chọn mua thịt an toàn để sử dụng. |
Không chỉ người dân mà một số trường mầm non ở Hà Nội cũng tạm ngừng sử dụng thịt lợn trong bữa ăn của trẻ để đảm bảo an toàn sức khỏe. Trường mầm non Vinschool Times City có thông báo tạm dừng sử dụng thịt lợn trong thực đơn của học sinh từ ngày 11-3-2019 cho đến khi dịch được khống chế.
Tâm lý lo ngại của một bộ phận người tiêu dùng đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của tiểu thương. Trưa 10-3, có mặt ở chợ Nghĩa Đô (Cầu Giấy), một tiểu thương kinh doanh thịt lợn ở đây cho biết, từ ngày có dịch tả lợn, sức tiêu thụ đã giảm. Đến trưa nhưng bàn thịt của chị vẫn còn nhiều. Để tiêu thụ, chị phải giảm giá 10.000đ/kg với mong muốn tiêu thụ hết. Tại chợ cóc làng Hồ (phường Bưởi, Tây Hồ) giá thịt lợn vai, chân giò, mông cũng giảm 10.000đ/kg so với trước dịch.
Dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng đến việc chăn nuôi trong nước, tuy nhiên không vì để kích cầu mà lơ là việc kiểm dịch. Theo quan sát của chúng tôi tại một chợ ở quận Tây Hồ, trước khi có dịch, cán bộ thú y đến từng quầy kinh doanh thịt, thu phí kiểm dịch 10.000đ/hộ kinh doanh. Người tiêu dùng cũng thắc mắc, sao chỉ thu phí mà không kiểm tra xem thịt lợn đó nguồn gốc ở đâu, có bị bệnh hay không. Khi có dịch tả lợn châu Phi, cán bộ kiểm dịch ngoài thu phí còn điền tên hộ kinh doanh vào một tờ giấy.
Trong vai người mua thịt, tôi hỏi một tiểu thương về nguồn gốc thịt lợn, tiểu thương cho biết: “Chị nhìn lợn nhà em mỡ trắng thế này là thịt ngon rồi, yên tâm mà ăn”. Tiểu thương này “xòe” giấy thu phí kiểm dịch ở chợ cho tôi xem và khẳng định có “giấy chứng nhận nguồn gốc” nhưng lại không mang ra.
Theo quy trình giết mổ gia súc, tại các lò mổ sẽ có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y lên từng con lợn. Sau khi chuyển về các chợ, cán bộ thú y địa bàn sẽ kiểm tra trên thân lợn có đóng dấu kiểm dịch hay không, sau đó kiểm tra bằng cảm quan. Ngoài các chợ lớn, chợ cóc ở Hà Nội cán bộ thú y địa bàn sẽ kiểm tra vào lúc sáng sớm. Tuy nhiên, Hà Nội có nhiều chợ cóc, điểm bán thịt lợn trong khu dân cư chiều mới kinh doanh, không có cán bộ thú y kiểm tra, đây cũng là điều khiến người tiêu dùng lo ngại.
Tuy nhiên, theo một cán bộ thú y thì người tiêu dùng cũng không nên quá lo lắng bởi hiện nay hộ gia đình phát hiện dịch tả lợn châu Phi đã nhanh chóng báo với cơ quan thú y địa phương đến tiêu hủy, bởi mức bồi thường hiện không thấp, vì vậy người chăn nuôi không việc gì phải đem lợn bệnh bán tháo ra thị trường.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khẳng định, dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và chế biến hợp vệ sinh. Dịch tả lợn châu Phi có tác nhân gây bệnh là virus nhưng khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Do vậy, người có bị phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.
Ông Trần Đắc Phu cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên “nói không” với thịt lợn mà nên chọn mua thịt lợn an toàn, có nguồn gốc xuất xứ, nơi có địa chỉ uy tín. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể phân biệt thịt mắc dịch tả lợn châu Phi với không mắc. Dấu hiệu lợn nhiễm dịch sẽ có các nốt xuất huyết nằm dưới da, trên vành tai, trông giống như vết muỗi đốt. Phần tứ chi, bụng, ngực của lợn có màu tím xanh.
Người tiêu dùng có thể quan sát bằng mắt thường, chọn mua thịt có màu đỏ tươi tự nhiên, mỡ trắng sáng, ấn ngón tay vào thịt không bị lõm, không bị dính nước, da không có các đốm hay các vết khác thường. Nếu phát hiện thịt có màu lạ như nâu, xám, đỏ thâm, xanh nhạt, chạm tay thấy chảy nhớt thì đó là thịt ôi hoặc mắc bệnh, tuyệt đối không mua.
Đặc biệt, ông Phu cũng khuyến cáo, người dân nên tuân thủ ăn chín, uống sôi, không ăn tiết canh lợn hay lợn chưa được chế biến kỹ để tránh mắc bệnh.
Nguồn: CAND