Xuất phát từ thực tế tỉ lệ phụ nữ trên địa bàn tỉnh chiếm hơn 50% lực lượng lao động, công tác phát triển nguồn nhân lực nữ, phát huy vai trò, vị thế của phụ nữ luôn được các cấp, ngành quan tâm thực hiện. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để chị em vươn lên trong học tập, lao động, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng và góp phần tích cực vào sự phát triển của địa phương.
Năm 2018 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới (BĐG) giai đoạn 2016 - 2020. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, công tác BĐG, vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) trên địa bàn tỉnh ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, phải kể đến hiệu quả công tác phối hợp liên ngành triển khai thực hiện pháp luật về BĐG, VSTBPN; công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật liên quan được quan tâm đẩy mạnh đã tạo ra bước chuyển trong nhận thức cũng như hành động của người dân.
Trong năm qua, Ban VSTBPN tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, đối thoại, các lớp tập huấn công tác BĐG, phát huy vai trò của phụ nữ trong thời đại mới cho hàng nghìn lượt người tham dự; nhất là đối tượng chị em vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, phối hợp tham mưu lồng ghép các chỉ tiêu về BĐG trong chương trình công tác, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh; phối hợp rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về BĐG giai đoạn 2015 - 2020 phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Đặc biệt, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các giải pháp đảm bảo BĐG thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, nghĩa vụ và quyền lợi trong các lĩnh vực đời sống xã hội cũng nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng.
Trung tá Nguyễn Việt Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh trao giải cho các đội thi trong Hội thi “Phụ nữ Công an giỏi việc nước, đảm việc nhà” do Công an TX Cửa Lò tổ chức |
Ngoài các nội dung như tình hình triển khai chính sách, pháp luật, chương trình liên quan đến BĐG, VSTBPN; công tác kiểm tra giám sát còn đặc biệt chú trọng đến việc quy hoạch, tạo nguồn, bổ nhiệm và sử dụng cán bộ nữ cũng như các vấn đề “nóng” như tình trạng bạo hành với phụ nữ và trẻ em gái… Cùng với đó, việc ưu tiên nhiều nguồn lực cần thiết để thực hiện các giải pháp thu hẹp dần khoảng cách về giới trên mọi lĩnh vực; cải thiện hơn nữa sự tiếp cận của phụ nữ với các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm, nhất là phụ nữ ở các vùng khó khăn cũng đã và đang được tỉnh chú trọng thực hiện.
Với sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp, ngành cùng sự nỗ lực của chị em trong phát huy nội lực tự thân, vai trò, vị thế của phụ nữ trong lĩnh vực chính trị, kinh tế tiếp tục được nâng cao, đóng góp thiết thực vào sự phát triển của gia đình, xã hội. Công tác quy hoạch cán bộ nữ, công tác đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện các chế độ chính sách cho cán bộ nữ tiếp tục được quan tâm. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, số lượng nữ tham gia cấp ủy Đảng tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước; ở cấp tỉnh có 8 đồng chí nữ tham gia BCH Đảng bộ tỉnh, 2 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Ở cấp huyện, 21 huyện, thành, thị có 2 nữ Phó Bí thư, 33 Ủy viên Ban Thường vụ, 146 Ủy viên BCH Đảng bộ huyện. Bên cạnh những gam màu sáng nói trên, bức tranh BĐG, VSTBPN của tỉnh vẫn còn một số nét chưa hoàn thiện. Đơn cử như tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, tình trạng mua bán phụ nữ, ly hôn, sinh con thứ ba trở lên, mất cân bằng giới tính còn diễn ra ở một số địa phương, đơn vị. Việc thực hiện chính sách an sinh xã hội về lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe đối với một bộ phận phụ nữ còn hạn chế, nhất là phụ nữ vùng dân tộc, miền núi, lao động nữ trong các doanh nghiệp. Tỉ lệ phụ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo vẫn chưa tương xứng với năng lực của chị em. Thực tế này có một phần nguyên nhân đến từ định kiến về giới vẫn còn khá nặng nề trong một bộ phận nhân dân.
Xuất phát từ những tồn tại kể trên, tỉnh đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm công tác BĐG, VSTBPN cần đẩy mạnh thực hiện trong năm 2019 gồm: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BĐG; tăng cường công tác cán bộ nữ, xây dựng các giải pháp nhằm tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia hoạt động trong lĩnh vực chính trị; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về BĐG và lồng ghép vấn đề BĐG trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
.