Gia đình xã hội

Thảm họa mang tên 'bỏng điện cao thế'

09:53, 07/03/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Người đàn ông vốn là trụ cột trong gia đình, nhưng chỉ chớp mắt bỗng mất đi một cánh tay, một chân; một học sinh lớp 9 vừa treo chiếc lồng chim lên cành cây bị bỏng điện phải cưa mất một chân, tạm khép lại kỳ thi chuyển cấp phía trước... Hậu quả nặng nề của bỏng điện cao thế gây ra thật khôn lường, nhưng vẫn tiếp tục có nhiều ca tai nạn bỏng điện cao thế thương tâm nhập viện.
 
Mất tay, mất chân vì điện cao thế
 
Có thể nói, bỏng điện cao thế để lại nỗi đau khôn cùng khi hầu hết các ca bỏng nhập viện đều rất nặng, bỏng ở độ sâu nhất, nơi bị tổn thương đa phần hoại tử, phải cắt cụt chi là chuyện bình thường. 
 
Tới Khoa Hồi sức cấp cứu của Viện Bỏng quốc gia, chúng tôi không khỏi đau lòng khi chứng kiến những ca bỏng nặng, đặc biệt là bỏng điện cao thế hết sức thương tâm. Bác sĩ ở đây cho biết, có bệnh nhân bỏng điện cao thế phải cắt cụt tứ chi. 
 
Bệnh nhân Sìn A Cường (Bắc Hà, Lào Cai) đi làm thuê cho công trình xây dựng bị bỏng điện cao thế nhập viện trong tình trạng rất nặng. Sau nhiều lần phẫu thuật nhưng tứ chi của bệnh nhân vẫn tiếp tục hoại tử, tiên lượng phải cắt bỏ cả tay và chân.
 
Nam bệnh nhân 29 tuổi – Nguyễn Trọng Tiến (thôn Hoài Thượng, xã Liên Bảo, huyện Tiên Du, Bắc Ninh), nằm trong chiếc giường đặc biệt. Chân phải của Tiến bị treo lên để tránh hoại tử, bằng giọng nói đứt quãng, Tiến vẫn chưa thoát khỏi cú sốc khi kể với chúng tôi về tai nạn xảy ra trong “chớp mắt”. Vốn làm nghề xây dựng, vào dịp giáp Tết, Tiến nhận công trình nhà dân ở huyện Việt Yên (Bắc Giang). 
 
Hôm gặp nạn Tiến trèo lên tầng 3 ngôi nhà để kiểm tra anh em lăn sơn. Khi ra gần ban công, Tiến bị một luồng điện rất mạnh phóng vào khiến toàn thân đau đớn, bỏng rát dữ dội, ngất đi. Tỉnh lại trong bệnh viện, đau đớn tưởng chừng xé rách cơ thể. “Lúc đó em chỉ kịp nhìn phía trước là dây điện to bằng ngón chân cái chạy qua ngôi nhà đang xây, cách chỗ em đứng chỉ 1m”- Tiến chua xót nói.
 
Mẹ Tiến – bà Nguyễn Thị Xuân chăm con cả tháng trong bệnh viện đau khổ cho chúng tôi biết: “Em nó nằm ở Khoa Hồi sức cấp cứu 20 ngày, trải qua 5 lần phẫu thuật, đã cắt 1 chân trái, 1 tay phải, đau xót lắm cô ạ”. Tiến là trụ cột chính trong gia đình, vợ làm ruộng ở quê trông hai đứa con nhỏ (một lên 4, một mới 2 tuổi), mọi việc trông nom trên viện đều trông cậy vào mẹ. Nằm viện hơn 2 tháng, bất lực vì không đứng lên đi lại được, nghĩ tới tương lai mờ mịt phía trước, Tiến  chảy nước mắt. “Họa vô đơn chí” đã cướp đi tương lai, sức khỏe và cả những đồng tiền cuối cùng của gia đình.
 
Có kĩ năng để phòng tránh thảm họa
 
Đa số nạn nhân bỏng điện cao thế vào nhập viện là làm trong các công trình xây dựng đặt ở nơi gần trạm điện cao thế hoặc đường dây điện cao thế đi qua. Dẫn chúng tôi tới giường bệnh của ông Nguyễn Văn Nguyện (Yên Bái), Điều dưỡng trưởng Khoa Bỏng người lớn – đồng chí Vũ Hoàng Anh cho biết, đây là bệnh nhân vừa thoát khỏi “tử thần”. Các bác sĩ đã giành giật lại mạng sống cho bệnh nhân sau 3 tuần hồi sức tích cực. 
 
Ông Nguyện kể lại, đường dây điện cao thế chạy qua cửa nhà đang xây dựng, ông bị điện phóng vào gây bỏng nặng ở độ 5. Hiện tại sức khỏe ông đã khôi phục không ít, nhưng hậu quả đã làm ông mất đi hai tay. “Đến giờ tôi vẫn còn bị sốc, không tin được mình đã không còn đôi tay nữa” – ông Nguyện chia sẻ.
 
Cùng phòng với ông Nguyện là bệnh nhân Trần Quang Phòng (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) cũng bị mất hai tay vì bỏng điện cao thế. Anh Phòng là công nhân xây dựng, công trình anh thi công ở gần đường điện cao thế nhưng anh không biết.  Lúc đang trèo lên tầng cao để làm việc thì anh bị nguồn điện gần đó phóng tới. Tỉnh lại trong bệnh viện, đã nhiều lần phẫu thuật nhưng vẫn không giữ lại được đôi tay do vết hoại tử đã ăn vào xương. “Tôi không hình dung sau này mình ra sao nữa, nỗi đau này quá lớn”- anh Phòng buồn bã nói.
 
Dù hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày gặp nạn, nhưng chúng tôi vẫn gặp lại cậu bé lớp 9E Trường THCS Tân Hồng, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh – Chu Bá Phi tại Khoa Bỏng trẻ em. Phi vẫn đang điều trị, em bị cưa một chân do trong lúc treo lồng chim lên cành cây đã bị điện cao thế phóng vào gây bỏng 40% diện tích cơ thể. Phi đã rải qua 5 lần phẫu thuật, nhờ sự kêu gọi của báo chí và bác sĩ trong viện, em đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm để tiếp tục cho điều trị.
 
Đồng chí Vũ Hoàng Anh cho biết, bỏng điện cao thế luồng điện phóng vào cơ thể rất mạnh gây bỏng đến độ nặng nhất (độ 5), bỏng sâu đến nội tạng, qua cơ đến xương khớp, nhiều ca phải cắt cụt một chi, hai chi, thậm chí cả tứ chi. Điều trị bỏng điện cao thế rất tốn kém, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn không biết bấu víu vào đâu. Bệnh nhân Nguyễn Văn Nguyện cho biết, mỗi ngày ông phải mất 3 triệu tiền thuốc mua ngoài danh mục bảo hiểm y tế chi trả.
 
Không chỉ nỗi đau về thể xác, tinh thần, mất đi sức lao động, mà nhiều người bệnh sau khi ra viện đã lâm vào cảnh nợ nần. Do vậy, cần xây dựng chương trình phòng chống tai nạn thương tích bỏng điện cao thế và được triển khai sâu rộng, đặc biệt là công tác tuyên truyền cảnh báo đến mọi tầng lớp nhân dân không được xây dựng công trình gần đường điện cao thế, phải tuân thủ quy định để tránh hiểm họa xảy ra.
 
Theo bà Nguyễn Thị Xuân (mẹ bệnh nhân Nguyễn Trọng Tiến), ngoài tiền thuốc do bảo hiểm y tế chi trả, tiền thuốc mua ngoài điều trị cho Tiến đã hơn 250 triệu đồng. Gia đình Tiến đã lâm vào bĩ cực khi phải vay mượn điều trị cho anh, mất đi trụ cột lao động chính trong gia đình. Báo CAND kêu gọi các nhà hảo tâm, bạn đọc của Báo ủng hộ, chia sẻ với gia đình Tiến để anh vượt qua khó khăn, tiếp tục có điều kiện chữa bệnh, hồi phục sức khỏe.

Nguồn: Trần Hằng/CAND

Các tin khác