Gia đình xã hội

Nghệ An chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

08:24, 06/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi, UBND tỉnh Nghệ An vừa có Công điện khẩn về việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn. Hiện, các địa phương, hộ chăn nuôi tại tỉnh Nghệ An đã triển khai quyết liệt các phương án phòng, chống dịch tả lợn, bảo vệ đàn gia súc.

Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi
Người dân cần bình tĩnh, tuân thủ nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi

Theo báo cáo mới nhất, chỉ trong vòng một tháng, trên địa bàn cả nước có 202 hộ ở 7 tỉnh, thành báo cáo có dịch, hơn 4.200 con lợn đã bị tiêu hủy ngay khi có kết quả dương tính với dịch bệnh. Địa phương có số lợn nhiễm dịch nhiều nhất là Hưng Yên với 57 ổ dịch được phát hiện, 2.323 con lợn đã được xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên Hiệp quốc (FAO), tính từ năm 2017 đến nay, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi, với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy trên 1 triệu con. Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 - 18/2/2019 đã phát hiện 105 ổ dịch tại 25 tỉnh, với 950.000 con lợn bị mắc bệnh phải tiêu hủy; trong đó, có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông tiếp giáp với biên giới Việt Nam. Nghệ An có nhiều đường quốc lộ, tỉnh lộ đi qua, lưu lượng vận chuyển lợn và các sản phẩm lợn đi qua địa bàn hầu hết các huyện, thành, thị và khó kiểm soát. Nghệ An có tổng đàn lợn đứng thứ 4 toàn quốc với 953.450 con.

Dịch tả lợn Châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, lây lan rất nhanh trên lợn (gồm cả lợn nhà và lợn hoang dã); xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, gây thiệt hại rất nghiêm trọng với tỉ lệ chết cao lên đến 100%. Vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao trong môi trường; sau khi khỏi bệnh lâm sàng, lợn vẫn có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, do vậy, nếu bệnh dịch xảy ra rất khó để loại trừ mầm bệnh, do mầm bệnh tồn tại trong môi trường chăn nuôi qua rất nhiều năm. Hiện vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy, giải pháp phòng bệnh là chính.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khẳng định, bệnh tả lợn Châu Phi không gây bệnh trên người, do đó, người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh.

Hiện nay, dịch tả lợn Châu Phi chưa xuất hiện tại Nghệ An. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương, ngành chức năng đang chủ động triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống. Tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh xã, Đài TT - TH huyện tại các địa phương tập trung nhiều hộ chăn nuôi lợn... để người dân hiểu rõ sự nguy hiểm của dịch tả lợn Châu Phi. Đồng thời, giám sát chặt chẽ việc buôn bán, giết mổ lợn, trung chuyển lợn, tổ chức phun hóa chất khử trùng sau mỗi phiên chợ...; thống kê tổng đàn lợn trên địa bàn, khuyến cáo người chăn nuôi khai báo số lượng đàn lợn hiện có; tổ chức tiêm phòng các bệnh.

Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền các địa phương vận động người dân sử dụng các giải pháp phòng bệnh ngay tại chuồng trại như phun hóa chất khử trùng, rắc vôi bột trên các lối ra vào chuồng trại... Các ngành chức năng cũng thường xuyên thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn, các địa điểm thu gom, cơ sở giết mổ... Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Khi dịch xảy ra, phải tập trung mọi nguồn lực, huy động cả hệ thống chính trị để xử lý và nhanh chóng dập tắt ổ dịch ở diện hẹp. Các trạm thú y phối hợp các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ lợn, nắm bắt tình hình để kịp thời xử lý khi dịch xảy ra.

Hiện, mức hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg, thấp hơn với giá thị trường. Theo đó, Bộ Nông nghiệp cũng có văn bản đề xuất Chính phủ cho phép hỗ trợ 80% giá thị trường đối với lợn con, lợn thịt và tăng gấp 1,5 đến 1,8 lần đối với lợn nái. Hiện, đề xuất này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông qua trong phiên họp trực tuyến sáng 4/3. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Do vậy, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phòng, chống dịch tại địa phương.

Mai Hậu

Các tin khác